Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững

Cần những bước đi đột phá để kinh tế xanh đạt quy mô 300 tỷ USD vào năm 2050

H.V 20/04/2023 10:10

Để đạt được mục tiêu được đặt ra tại Chiến lược tăng trưởng xanh, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam cần có những bước đi đột phá, quyết liệt hơn nữa để đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050.

ha-long-xanh.jpg
Cần những bước đi đột phá để kinh tế xanh đạt quy mô 300 tỷ USD vào năm 2050

Phát biểu tại Hội nghị “Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Lộ trình đến thành công” do Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) và Tập đoàn Boston Consulting (BCG) vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế thế giới năm 2023 đang đối diện với tình trạng đa khủng hoảng, gia tăng nợ công, lạm phát giá năng lượng và thực phẩm; ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine và diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu.

Tình trạng này đòi hỏi tất cả các quốc gia phải đổi mới mô hình tăng trưởng để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm, trong đó tăng trưởng xanh đang ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của các nền kinh tế.

Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong khuôn khổ hợp tác với BCG với sự hỗ trợ của Tập đoàn SK, kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, để tăng tốc tăng trưởng xanh, tính riêng đối với chuyển dịch hai ngành điện gió và điện mặt trời, tiềm năng đóng góp vào GDP và tạo việc làm trực tiếp. Ngoài ra, hệ sinh thái Hydro sạch dựa trên nền tảng năng lượng tái tạo, riêng để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, có tiềm năng đóng góp 40 - 45 tỷ USD vào GDP hằng năm, tạo ra khoảng 40.000 - 50.000 việc làm. Hydro sạch còn có tiềm năng vô cùng lớn để trở thảnh một sản phẩm xuất khẩu đến các nước phát triển trên thế giới.

Để đạt được mục tiêu được đặt ra tại Chiến lược tăng trưởng xanh, Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam cần có những bước đi đột phá, quyết liệt hơn nữa để đưa nền kinh tế xanh từ quy mô 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050.

Do vậy, theo Bộ trưởng, cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực thiết yếu nhất để kích hoạt các lợi thế tự nhiên và vươn lên trở thành nước phát triển trên cả 3 yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội vào năm 2045.

"Đây cũng là cơ hội để Việt Nam đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn. Đồng thời, tạo ra cơ hội thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị - công trình xanh, tài chính xanh", ông Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Nhằm giúp Việt Nam hiện thực hóa các cơ hội, đón đầu xu hướng và trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ sạch, ông Jaime Ruiz-Cabrero, Tổng giám đốc BCG khu vực Đông Nam Á đưa ra 4 khuyến nghị chính, gồm: Hoàn thiện thể chế chiến lược xanh và đẩy mạnh xây dựng nền móng khuôn khổ pháp lý; tăng cường xây dựng hệ thống tài chính xanh ổn định, giúp giảm chi phí vốn đầu tư; phát triển hệ thống hạ tầng lưới điện, tạo nền móng để phát triển các nguồn năng lượng sạch và tái tạo; tăng tốc phát triển hệ sinh thái hydro sạch.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đã đưa ra những hành động về thúc đẩy tài chính cho tăng trưởng xanh và nhấn mạnh, Việt Nam có nền kinh tế vĩ mô phát triển bền vững, ổn định. Mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19, Việt Nam đạt kết quả phát triển hơn nhiều so với quốc gia trong khu vực, đây là điều rất tuyệt vời.

Về nguồn lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, ông Andrew Jeffries cho rằng, cần xem xét đến các nguồn tài chính phi truyền thống; ban hành phân loại dự án xanh của quốc gia, khu vực; cung cấp tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ; nguồn tài chính hỗ trợ cho doanh nhân nữ làm chủ…

Tại Hội nghị, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ KH&ĐT đã trình bày một số nội dung về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và cho biết, Bộ KH&ĐT sẽ ưu tiên đẩy mạnh triển khai Chiến lược này thông qua xây dựng cơ chế chính sách đầu tư, hoàn thiện chính sách, khuôn khổ pháp lý và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn lực đầu tư.

Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 gồm 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Tại kế hoạch này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh; hướng dẫn, giám sát, đánh giá, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xác định và phân bổ nguồn tài chính trong nước và điều phối các nguồn tài trợ của nước ngoài, cơ chế chính sách thúc đẩy thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh.

Nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 bao gồm: Ngân sách nhà nước: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, chính sách ưu đãi về thuế. Hỗ trợ quốc tế: vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn hỗ trợ và vay ưu đãi cho tăng trưởng xanh. Nguồn vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân: tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho tăng trưởng xanh, thu từ trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon. Nguồn vốn cộng đồng và xã hội khác: vốn huy động công - tư cho các dự án xanh, các quỹ trong nước nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ban ngành và địa phương để triển khai xây dựng danh mục các dự án tăng trưởng xanh trọng điểm cũng như xây dựng và triển khai các công cụ tài chính xanh phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và bối cảnh quốc tế mới.

H.V