Hoạt động ngân hàng

Hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời và hiệu quả

Nguyễn Đức Lệnh 24/04/2023 15:05

Có thể nói, việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN nhằm hỗ trợ cho khách hàng vay vốn gặp khó khăn thông qua cơ chế cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ trong bối cảnh hiện nay, cùng với các cơ chế chính sách về lãi suất, về tín dụng ưu đãi sẽ trực tiếp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình khai thác và sử dụng vốn vay ngân hàng hiệu quả, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, ở góc độ chính sách và thực hiện chính sách, Thông tư 02 có những điều chỉnh nhỏ ấn tượng và sẽ mang lại hiệu quả có ý nghĩa rất lớn trong khâu tổ chức triển khai thực hiện. Đó là:

Thứ nhất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng của tổ chức tín dụng (TCTD), nhằm hỗ trợ cho khách hàng vượt qua khó khăn. Trong đó, NHNN giao trách nhiệm cho TCTD được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của TCTD và đáp ứng các quy định có liên quan. Quy định này tạo sự chủ động cho các TCTD, gắn với quyền và trách nhiệm trong hoạt động tín dụng của TCTD, rất thuận lợi để triển khai thực hiện. Đặc biệt, Thông tư có hiệu lực ngay, chỉ 1 ngày sau khi ban hành (ngày 24/4/2023), sẽ có tác dụng ngay và kịp thời. Đây là điều chỉnh nhỏ song được đánh giá có tính hiệu quả cao khi tổ chức triển khai thực hiện một chính sách.

Thứ hai, cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ là chính sách không mới, song rất ý nghĩa và mang lại hiệu quả cao với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp. Kết quả này được minh chứng thực tế trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ nền kinh tế và doanh nghiệp gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế, do thiên tai dịch bệnh… Song điểm thuận lợi lần này là các TCTD vừa mới hoàn thành thực hiện chính sách hỗ trợ khách hàng bị tác động ảnh hưởng của đại dịch lịch sử COVID-19 (mới chấm dứt ngày 30/6/2022). Vì vậy, việc triển khai thực hiện Thông tư 02 lần này sẽ nhanh chóng và mất ít thời gian hơn trong khâu xây dựng quy định nội bộ; quy trình tác nghiệp; công tác hướng dẫn, ban hành và thực thi. Nhờ đó, Thông tư sẽ được triển khai kịp thời và chính sách phát huy hiệu quả nhanh.

Thứ ba, đối tượng được mở rộng, với quy định về phạm vi điều chỉnh đó là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Như vậy, chính sách này sẽ tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, đến các thị trường và đến toàn bộ nền kinh tế.

Với những ý nghĩa mang lại như đã phân tích, có thể nói, một chính sách lớn được ban hành và thực thi để hỗ trợ cho doanh nghiệp, đã phản ánh tinh thần trách nhiệm cao của ngành Ngân hàng, sự linh hoạt trong phản ứng chính sách trước yêu cầu từ thực tiễn khách quan của nền kinh tế, trước khó khăn và yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chính sách được ban hành đúng thời điểm chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả, khi trách nhiệm của mỗi tổ chức, mỗi đơn vị trong ngành ngân hàng đã được định vị cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, người dân, doanh nghiệp – là khách hàng của Ngân hàng, cũng cần thực hiện tốt trách nhiệm của người vay vốn: sử dụng vốn vay hiệu quả, đồng hành cùng ngân hàng để hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nguyễn Đức Lệnh