Sửa đổi, bổ sung quy định cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại.
Lý giải việc sửa đổi, bổ sung này, NHNN cho biết, Thông tư số 40/2016/TT-NHNN được ban hành nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHTM) trên thị trường trong nước và quốc tế đảm bảo an toàn, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa, đồng thời góp phần cung cấp công cụ cho khách hàng nhằm hạn chế rủi ro phát sinh do sự biến động giá cả hàng hóa.
Thời gian qua, NHNN đã nhận được một số ý kiến của các tổ chức tín dụng (TCTD) phản ánh về các khó khăn vướng mắc và đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2016/TT-NHNN.
Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan, NHNN nhận thấy cần xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với tình hình hiện nay để tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện quy định cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của NHTM.
Tại dự thảo, NHNN đề xuất mở rộng danh mục hàng hóa cơ sở NHTM được cung ứng phái sinh giá cả hàng hóa cho khách hàng gồm tất cả các loại hàng hóa, trừ hàng hóa cơ sở là vàng và các hàng hóa cấm kinh doanh và cấm xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định hiện hành của pháp luật.
NHNN cho biết, việc mở rộng danh mục hàng hóa để phù hợp với thực tế triển khai của NHTM cũng như quy định của Bộ Công thương.
Trong lần sửa đổi này, NHNN cũng đề xuất cho phép NHTM được nhận ký quỹ, ký quỹ bổ sung, thanh toán, báo giá và phí, định giá và phí, ghi giá và phí trong hợp đồng phái sinh giá cả hàng hóa bằng VND hoặc bằng ngoại tệ theo thỏa thuận giữa NHTM và khách hàng.
Quy định này hỗ trợ các NHTM về mặt kỹ thuật trong việc đưa ra những giải pháp bảo hiểm giá cả và quản lý rủi ro khi thực hiện cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa đối với khách hàng qua sàn giao dịch hàng hóa ở nước ngoài và thực hiện đối ứng trên thị trường quốc tế.
Về việc mua/bán ngoại tệ liên quan đến giao dịch phái sinh giá cả hàng hóa, NHNN đề xuất bổ sung quy định trường hợp khách hàng không có hoặc không có đủ ngoại tệ để ký quỹ, ký quỹ bổ sung hoặc thực hiện nghĩa vụ thanh toán phát sinh khi thực hiện hợp đồng phái sinh giá cả hàng hóa, thì khách hàng được mua ngoại tệ tại chính NHTM cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa hoặc tại tổ chức tín dụng khác được phép hoạt động ngoại hối.
Việc mua, bán ngoại tệ thực hiện theo quy định của NHNN về hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các TCTD được phép hoạt động ngoại hối; trường hợp khách hàng mua ngoại tệ có kỳ hạn thì kỳ hạn của giao dịch này bằng hoặc ngắn hơn thời hạn giao dịch còn lại của hợp đồng phái sinh giá cả hàng hóa.
Việc bổ sung quy định này nhằm quy định cụ thể việc mua, bán ngoại tệ để ký quỹ, ký quỹ bổ sung hoặc thanh toán các nghĩa vụ phát sinh khi thực hiện giao dịch phái sinh giá cả hàng hóa.
Bên cạnh đó, NHNN cũng bổ sung quy định trường hợp khách hàng được nhận ngoại tệ từ giao dịch phái sinh giá cả hàng hóa, thì nguồn ngoại tệ này được sử dụng để thanh toán cho các nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch gốc của khách hàng hoặc khách hàng phải bán nguồn ngoại tệ này cho NHTM cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa.
Mục đích của việc bổ sung quy định này nhằm làm rõ trường hợp khách hàng nhận ngoại tệ thì chỉ được sử dụng ngoại tệ đó để phục vụ cho các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng gốc của khách hàng hoặc phải bán cho ngân hàng, phù hợp với quy định về hạn chế giao dịch bằng ngoại tệ trong nước.
Bổ sung quy định NHTM cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa bằng phương tiện điện tử phải xây dựng quy trình cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa bằng phương tiện điện tử phù hợp với quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử và các quy định pháp luật liên quan, đảm bảo an toàn bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của NHTM.
Đồng thời, NHTM phải lưu trữ, bảo quản thông tin, dữ liệu liên quan đến việc cung ứng sản phẩm sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa bằng phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, bảo mật và được sao lưu dự phòng đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của hợp đồng cho phép truy cập, sử dụng khi cần thiết hoặc để phục vụ công tác kiểm tra, đối chiếu, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Mục đích của quy định này nhằm tạo thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ số trong việc thực hiện sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa, phù hợp với kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Bổ sung khái niệm thanh toán ròng là việc xác định và thanh toán một khoản tiền ròng được tính theo giá thị trường của các hợp đồng phái sinh giá cả hàng hóa theo thỏa thuận giữa các bên và sau khi thực hiện bù trừ các khoản tiền phải trả của các hợp đồng phái sinh giá cả hàng hóa giữa các bên giao kết hợp đồng để xác định thành một khoản phải thu hoặc khoản phải trả của một bên;
Đồng thời cho phép NHTM có thể thỏa thuận với khách hàng về việc thanh toán ròng các hợp đồng phái sinh giá cả hàng hóa đã giao kết với khách hàng, các giao dịch đối ứng thực hiện với đối tác nước ngoài theo thỏa thuận giữa các bên nhằm giảm thiểu rủi ro biến động giá cả hàng hóa, tăng tính thanh khoản, tạo điều kiện cho thị trường phái sinh giá cả hàng hóa phát triển ổn định.
Dự thảo Thông tư cũng bổ sung quy định cho phép NHTM có quyền giải ngân cho vay bắt buộc đối với khách hàng trong trường hợp sau khi tất toán khách hàng vẫn còn nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng phái sinh giá cả hàng hóa.
Việc giải ngân cho vay bắt buộc chỉ xảy ra trong trường hợp sau khi tất toán, khách hàng vẫn còn nghĩa vụ phải thanh toán với ngân hàng nên không ảnh hưởng đến nguyên tắc không cấp tín dụng cho khách hàng trong quá trình cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa.
Quy định này hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho ngân hàng trong việc theo dõi và thu hồi các khoản phát sinh khách hàng vẫn còn nghĩa vụ phải thanh toán với ngân hàng sau khi tất toán.
Quý độc giả có thể xem toàn văn dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2016/TT-NHNN tại đây.
Thông tư 40/2016/TT-NHNN quy định: Sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa là công cụ tài chính được ngân hàng thương mại cung ứng nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hóa cho khách hàng.
Hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa là việc ngân hàng thương mại thực hiện một trong các hình thức dưới đây:
a) Ngân hàng thương mại giao kết và thực hiện hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hàng hóa với khách hàng trên thị trường không tập trung nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro giá cả hàng hóa cho khách hàng; ngân hàng thương mại phải thực hiện giao dịch đối ứng với đối tác nước ngoài để cân bằng rủi ro từ hợp đồng không tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa đã giao kết và thực hiện với khách hàng;
b) Ngân hàng thương mại giao kết và thực hiện hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hóa với khách hàng.