EVN tăng giá điện tác động thế nào đến đời sống người dân và nền kinh tế
EVN cho biết, theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá điện tăng 5% sẽ kéo theo CPI tăng 0,17%. Do đó, mức tăng giá điện là 3% tác động lên CPI sẽ rất nhỏ. Đối với hộ gia đình sử dụng từ 50 - 400kWh sẽ có mức tăng từ 2.500 - 27.200 đồng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa tổ chức buổi gặp mặt báo chí để trao đổi thêm thông tin về việc điều chỉnh giá điện.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, ngày 31/3/2023, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Kết quả kiểm tra cho thấy, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.
Để đảm bảo chỉ ảnh hưởng tối thiểu đến nền kinh tế và đời sống người dân, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Trả lời các câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo về tác động của việc tăng giá điện 3% tới các hộ dân, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có tính toán kỹ lưỡng về mức ảnh hưởng tới từng nhóm hộ dân, cụ thể:
Sau khi tăng giá điện từ ngày 4/5/2023, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ dưới 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện dưới 50 kWh toàn EVN năm 2022 là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 51-100 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là 11.100 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 101-200 kWh toàn EVN năm 2022 là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt - đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỉ trọng lớn nhất).
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng là 18.700 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 201-300 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 301-400 kWh toàn EVN năm 2022 là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).
Đối với 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân mỗi tháng khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 141.000 đồng/tháng.
Có 1,822 triệu hộ sản xuất, thì bình quân mỗi tháng mỗi hộ sản xuất trả tiền điện 10,6 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 307.000 đồng/tháng.
Có 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi tháng mỗi khách hàng hành chính sự nghiệp trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả tăng thêm là 40.000 đồng/tháng.
Về tác động của việc tăng giá điện đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá điện tăng 5% sẽ kéo theo CPI tăng 0,17%. Hiện nay, mức tăng giá điện là 3%, tác động lên CPI sẽ rất nhỏ. Nếu tính tác động tới giá thành các ngành sản xuất dùng nhiều điện như sản xuất thép, xi măng, giấy thì giá thành thép tăng khoảng 0,18%, giá thành xi măng tăng khoảng 0,45% và giá thành sản xuất giấy tăng khoảng 0,4%.
Nhận định về việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện ở mức 3%, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, cho rằng, mức tăng 3% là thấp. Dẫu vậy, việc điều chỉnh này cũng có những tác động nhất định đến CPI.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, với mức tăng giá bán lẻ bình quân 3% sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng vòng 1 trực tiếp là 0,099% và vòng 2 tăng 0,18%. Nếu tính tác động tới giá thành các nhà sản xuất dùng điện nhiều như với sản xuất thép, giá thành tăng 0,18%; giá thành sản xuất xi măng tăng 0,45%; giá thành sản xuất giấy tăng 0,4%. Đối với 25 triệu hộ tiêu dùng điện hiện nay, với mức bình quân dùng 200 kW/tháng sẽ chịu mức tăng 12.000 đồng/tháng.
Để hạn chế việc “té nước theo mưa”, một số doanh nghiệp lợi dụng việc tăng giá điện để tăng giá hàng hóa, gây tác hại đến kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ông Nguyễn Tiến Thỏa kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách tổng thể bình ổn mặt bằng giá.
“Nhà nước cần yêu cầu doanh nghiệp đăng ký giá, ổn định giá, kê khai chi tiết giá thành sản xuất kinh doanh khi giá điện tăng 3% để tránh tình trạng giá điện tăng bao nhiêu thì giá thành sản phẩm cũng tăng lên bấy nhiêu”, ông Nguyễn Tiến Thỏa kiến nghị.