Tạo nguồn lực cho bất động sản hồi phục
Các công ty đa quốc gia vẫn đang tìm cách đa dạng hoá khu vực hoạt động, thị trường bất động sản công nghiệp Việt đang nổi lên thành điểm sáng trong thu hút đầu tư.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong những năm qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được coi là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Các nhà đầu tư nước ngoài không ngừng tạo lập và củng cố niềm tin, tiếp tục mở rộng hợp tác đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực bất động sản (BĐS) vẫn luôn là ngành mũi nhọn với sức tăng trưởng ổn định và bền vững. Và hiện các phân khúc nhà ở, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe… cũng đang là "thỏi nam châm" thu hút các nhà đầu tư ngoại.
Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, BĐS là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút đầu tư, sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến cuối năm 2022, cả nước có 36.278 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 438,69 tỷ USD; vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 274 tỷ USD, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài chảy vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt gần 66,3 tỷ USD, chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, cả nước thu hút thêm được 8,88 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần), trong đó lĩnh vực kinh doanh bất động sản thu hút được gần 972 triệu USD, đứng thứ ba trong số các lĩnh vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Một số chuyên gia nhận định, FDI năm 2023 sẽ tăng trưởng chậm lại do suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, riêng đối với BĐS công nghiệp, Việt Nam có thể duy trì nguồn cầu từ nhà đầu tư nhờ các lợi thế về lao động, dân số, sự phát triển cơ sở hạ tầng, ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như những nỗ lực của Chính phủ trong việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông John Campbell, Phó Giám đốc kiêm Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp thuộc Savills Việt Nam phân tích, thị trường BĐS Việt Nam đang được hưởng lợi từ những ưu thế đến từ quá trình kiểm soát tốt dịch bệnh, tỷ giá ổn định và mức thuế doanh nghiệp hấp dẫn. Trước thực tế các công ty đa quốc gia vẫn đang tìm cách đa dạng hoá khu vực hoạt động, thị trường BĐS công nghiệp Việt đang nổi lên thành điểm sáng trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, thị trường còn cần những hỗ trợ bài bản và hiệu quả hơn nữa để thu hút sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia đến từ Mỹ và Châu Âu.
Để có thể hỗ trợ tốt nhất về nguồn cung nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường, các vấn đề về thủ tục đầu tư, pháp lý và quy trình phê duyệt dự án cần được đẩy nhanh hơn. Các chủ đầu tư cũng kỳ vọng tiến độ, quy trình bồi thường và giải phóng mặt bằng sẽ được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả hơn trong thời gian tới; đồng thời có thể được tạo điều kiện nhận giấy phép, bản đồ quy hoạch tổng thể, giấy chứng nhận xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… trong thời gian sớm nhất có thể. Do vậy, việc có thêm nguồn cung mới về BĐS công nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm chất lượng cao với các yếu tố “thông minh” và “xanh” làm nền tảng cốt lõi được kỳ vọng sẽ phần nào giải quyết “cơn khát” nguồn cung của thị trường.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, về thu hút FDI vào lĩnh vực BĐS, Việt Nam tiếp tục là 1 trong 5 điểm đến an toàn của các nhà đầu tư. Những yếu tố tác động tích cực có thể kể đến như chính trị ổn định, an toàn; vị trí địa lý chiến lược, thuận lợi, nằm ở trung tâm của khu vực, dễ dàng kết nối với các nền kinh tế lớn; hệ thống luật pháp, chính sách về BĐS thông thoáng và đang ngày càng được hoàn thiện. Nhất là hiện nay, Chính phủ đang triển khai quyết liệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư phục vụ phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, trong đó sẽ tập trung đầu tư phát triển nhiều công trình hạ tầng quan trọng như đường cao tốc, các trục ven biển, sân bay, cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành BĐS.
Mặc dù vậy, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, để thu hút FDI vào thị trường BĐS Việt Nam cần tiếp tục tập trung giải quyết một số vấn đề cấp bách như rà soát, hoàn thiện các quy định pháp lý về thị trường BĐS, đặc biệt là loại hình BĐS mới (thành phố thông minh, BĐS nghỉ dưỡng, BĐS kết hợp với chăm sóc sức khỏe, condotel, officetel..) phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Quan trọng là Việt Nam cần chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, đồng thời đề cao trách nhiệm đối với môi trường, xã hội trong quá trình hoạt động tại Việt Nam. Trên hết, Việt Nam phải thu hút FDI xanh và bền vững, đặt vấn đề an toàn môi trường và dư địa cho phát triển lên trên lợi nhuận, để từ đó duy trì vị thế điểm hấp dẫn, thu hút FDI trong khu vực.