Các ngân hàng trung ương đang gia tăng dự trữ vàng
Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới công bố cuối tuần qua, trong quý đầu tiên của năm 2023, 228,4 tấn vàng đã được bổ sung vào kho dự trữ toàn cầu.
Dù điều này đánh dấu mức suy giảm 40% so với quý IV/2022, song lại tăng tới 176% so với một năm trước đó.
Lượng vàng dự trữ gia tăng này cũng đánh dấu mức cao kỷ lục mới trong ba tháng đầu tiên của bất kỳ năm nào, vượt qua kỷ lục quý đầu tiên của một năm được thiết lập vào năm 2013.
Báo cáo cho biết: “Điều này càng ấn tượng hơn khi xét đến tốc độ phá kỷ lục của nhu cầu trong năm ngoái”.
Những người mua vàng hàng đầu trong quý I/2023 phần lớn là ở châu Á. Ngân hàng trung ương Singapore dẫn đầu với lượng mua 69 tấn, tiếp theo là Trung Quốc với 58 tấn, Thổ Nhĩ Kỳ với 30 tấn và Ấn Độ với 7 tấn.
Trong khi đó, thông tin cập nhật từ ngân hàng trung ương Nga cho thấy lượng vàng dự trữ giảm 6 tấn trong quý, có thể do hoạt động đúc tiền xu, mặc dù tổng số cao hơn 28 tấn so với năm ngoái. Các dấu hiệu riêng biệt gần đây đã chỉ ra rằng vàng của Nga tràn vào UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và Hồng Kông (Trung Quốc).
Đồng đô la Mỹ theo truyền thống là thành phần chủ yếu trong dự trữ của ngân hàng trung ương. Nhưng sự gia tăng nhu cầu về vàng gần đây được coi là dấu hiệu của quá trình phi đô la hóa sau khi đồng bạc xanh trở thành vũ khí để gây áp lực tài chính lên Nga trong cuộc chiến với Ukraine.
Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, việc mua vàng của ngân hàng trung ương vẫn mạnh mẽ và có rất ít dấu hiệu cho thấy xu hướng sẽ thay đổi trong ngắn hạn. Hội đồng cũng nhắc lại quan điểm của mình khi cho rằng vàng sẽ tiếp tục được mua nhiều hơn bán.
Trong khi đó, giá vàng đã đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới, mặc dù đã giảm xuống gần 2.000 đô la vào cuối tuần trước. Vàng đã tăng giá 11% từ đầu năm đến nay và tăng 25% so với mức thấp trong tháng 11.
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures cho rằng, giá vàng tăng là kết quả của sự chuyển dịch sang tài sản an toàn của các nhà đầu tư.
Theo quan điểm của ông, điều này xảy ra khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gặp khó khăn trong việc kiềm chế lạm phát cao, trong khi việc tăng lãi suất mạnh tay đã gây ra tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng và làm tăng khả năng xảy ra khủng hoảng tín dụng.
“Vì vậy, về cơ bản, mua vàng ngay bây giờ gần như là một sự đánh cược chống lại FED,” ông nói, sau đó nói thêm rằng “FED không còn ở vị trí có thể mạnh tay hơn nữa trong thời gian dài về vấn đề lãi suất.”
(Nguồn: Business Insider)