3 vấn đề cốt lõi quyết định bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN
Ba vấn đề cốt lõi quyết định bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN, đó là giữ vững độc lập, tự chủ chiến lược, vươn mình bứt phá trở thành tâm điểm tăng trưởng của khu vực và toàn cầu và thích ứng ngày càng tốt hơn trước những biến động bên ngoài.
Năm 2022 đánh dấu bước ngoặt của kinh tế khu vực khi các nước tái mở cửa, từng bước phục hồi và nâng cao tự cường, với sự đóng góp lớn của sản xuất, vận tải và du lịch. Tăng trưởng khu vực cơ bản giữ vững, dự báo tăng trưởng đạt 4,7%. Trước tác động biến động trong địa chính trị, cùng nhiều thách thức, rủi ro tiềm ẩn, ASEAN đã chuyển hướng chiến lược, tận dụng các động lực mới, thông qua nhiều sáng kiến, như: Khung kinh tế tuần hoàn, Chiến lược trung hòa carbon, Hiệp định Khung kinh tế số ASEAN, Sáng kiến một sức khỏe ASEAN…
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 vừa khai mạc sáng nay (10/5/2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định: ASEAN vẫn là điểm sáng kinh tế song thách thức với ASEAN ngày càng phức tạp, cả từ bên trong và bên ngoài.
Theo đó, Thủ tướng đã nêu ra 3 vấn đề cốt lõi quyết định bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN, đó là giữ vững độc lập, tự chủ chiến lược, vươn mình bứt phá thành tâm điểm của tăng trưởng và thích ứng ngày càng tốt hơn trước những biến động bên ngoài.
Thủ tướng nhấn mạnh, đoàn kết là sức mạnh vô địch, thể hiện qua ý chí và hành động cụ thể:
Thứ nhất, củng cố đoàn kết và thống nhất là nhiệm vụ căn cốt cho một ASEAN độc lập và tự cường.
Thứ hai, mở rộng thị trường nội khối là yêu cầu cấp thiết để thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững; nỗ lực đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, triển khai đồng bộ và quyết liệt các dự án kết nối khu vực cả về thể chế, hạ tầng và con người, tạo bước chuyển về chất cho môi trường đầu tư, kinh doanh và du lịch.
Thứ ba, hợp tác kinh tế số, chính phủ số, kinh tế tuần hoàn cần được quan tâm đẩy mạnh cùng với kết nối mạng lưới điện, phát triển năng lượng tái tạo; sớm xây dựng các chiến lược dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua triển khai thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động trong một số ngành nghề và xem xét mở rộng áp dụng thỏa thuận trong những ngành nghề mới.
Thứ tư, lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu và động lực của xây dựng Cộng đồng; thu hẹp khoảng cách phát triển, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và các tiểu vùng. Hợp tác tiểu vùng cần gắn kết với các chương trình hợp tác ASEAN trên tất cả các lĩnh vực, mở ra không gian rộng lớn hơn và bảo đảm cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Thủ tướng chia sẻ, khó khăn, thách thức luôn hiện hữu, nhưng khó khăn không làm ASEAN nhụt chí và mạnh mẽ hơn. Để hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng, Thủ tướng đề nghị các thành viên ASEAN chung tay khơi dậy ý chí tự cường, đoàn kết, khơi thông các nguồn lực phát triển và khởi tạo các ý tưởng đột phá cho xây dựng Cộng đồng, giúp ASEAN bứt phá trở thành tâm điểm tăng trưởng của khu vực và toàn cầu.
Lãnh đạo các nước cũng bày tỏ ủng hộ và nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của chủ đề "Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng", thể hiện sức sống và vị thế của ASEAN, động lực cho tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu. Đồng thời cam kết đẩy mạnh hội nhập kinh tế ASEAN, tăng cường thương mại và đầu tư nội khối, củng cố kết nối chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực bảo đảm ổn định tài chính, an ninh lương thực, an ninh năng lượng…