Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam
Ngày 11/5, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) do ông Martijn Regelink - Chuyên gia tài chính cao cấp WB - dẫn đầu, nhằm tìm hiểu và trao đổi về tình hình triển khai các hoạt động tín dụng xanh, thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Thông tin với đoàn công tác WB, ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo VNBA - cho biết, liên quan đến tăng trưởng xanh, các chính sách của Chính phủ đã tương đối đầy đủ, như: Luật Bảo vệ Môi trường (2020); Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26...
Về phía ngành Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã xây dựng và ban hành một số văn bản quy định về tín dụng phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải carbon, hướng tới tăng trưởng xanh như Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; Quyết định số 1731/QĐ-NHNN về ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD;... Bên cạnh đó, NHNN cũng tích cực huy động, vận động các nguồn tài trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế để triển khai hoạt động tài chính xanh và ngân hàng xanh, đồng thời tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng đặc thù góp phần sử dụng tài nguyên tiết kiệm, có hiệu quả, tăng trưởng xanh...
Đến ngày 31/12/2022, dư nợ tín dụng xanh của ngân hàng đạt khoảng hơn 500.000 tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm hơn 31% tổng dư nợ tín dụng xanh), năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (46,7%). Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường xã hội đạt hơn 2.359 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế. Điều đó cho thấy, các TCTD đang tham gia tích cực vào tiến trình chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, thể hiện trách nhiệm xã hội cao, đặc biệt là trách nhiệm cho vay.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng nêu ra 3 khó khăn, thách thức lớn trong quá trình triển khai tín dụng xanh, tài chính xanh đối với các TCTD. Cụ thể: khuôn khổ pháp lý đối với tín dụng xanh còn chưa hoàn thiện, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, gây cản trở thu hút dòng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư và tổ chức tài chính quốc tế. Chưa có phân loại ngành, lĩnh vực tín dụng xanh (green taxonomy) để các TCTD có thể xác định rõ tiêu chí làm cơ sở cấp tín dụng xanh. Bên cạnh đó là vấn đề mất cân đối về nguồn vốn, gây ra rủi ro lớn cho các TCTD nếu như không có sự hỗ trợ từ NHNN hay nguồn vốn rẻ từ các tổ chức quốc tế.
Cũng theo ông Sơn, để thúc đẩy tăng trưởng xanh, cần có khuôn khổ pháp lý để phát triển thị trường trái phiếu xanh, hỗ trợ các TCTD về các vấn đề liên quan đến thuế, phí, nhân lực... Đồng thời cần đẩy mạnh quản trị rủi ro môi trường – xã hội để có thể tiếp cận dòng vốn đầu tư; nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ trong đánh giá rủi ro và năng lực thiết kế sản phẩm xanh, đặc biệt là những kiến thức mới về thị trường carbon, thị trường trái phiếu xanh,...
Tại buổi làm việc, hai bên cũng trao đổi về mô hình quỹ xanh, quỹ bảo lãnh xanh, ngân hàng phát triển xanh - các mô hình đang được vận hành khá phổ biến trên thế giới, là những tham khảo tốt để nghiên cứu, xem xét và lựa chọn mô hình phát triển phù hợp nhất với Việt Nam.
Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ mong muốn sẽ có thêm những buổi làm việc chuyên sâu hơn với WB về các chủ đề liên quan tới tăng trưởng xanh, tín dụng xanh. Bên cạnh đó, WB có thể hỗ trợ các TCTD - thông qua VNBA - tổ chức các hội thảo, tọa đàm thường niên/định kỳ nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ nhân viên về tăng trưởng xanh. VNBA sẵn sàng kết nối, tổ chức trao đổi và làm việc giữa các tổ chức hội viên với WB, giúp WB hiểu rõ hơn về thực trạng của các ngân hàng tham gia vào tăng trưởng xanh tại Việt Nam.