Lựa chọn mã cổ phiếu nào cho "Sell in May"?
Như thường lệ, cứ đầu tháng 5, các nhà đầu tư thường nhắc đến câu ngạn ngữ nổi tiếng trong giới tài chính "Sell in May and go away”, ám chỉ nên bán hết cổ phiếu trong tháng 5 và đi chơi, chờ thời điểm tốt hơn để quay trở lại. Liệu câu ngạn ngữ này có tiếp tục ám ảnh nhà đầu tư, hay đây lại là cơ hội để gom hàng?
Thị trường tìm điểm cân bằng
Mùa báo cáo quý I/2023 đã gần như đã đi qua, theo thống kê của SSI Research, tăng trưởng lợi nhuận chung trên HOSE được công bố giảm 18% và giảm 32% so với cùng kỳ nếu không tính đóng góp của nhóm ngân hàng.
Diễn biến này không nằm ngoài dự đoán khi lợi nhuận đi xuống mạnh ở các nhóm thực phẩm đồ uống, xây dựng và vật liệu xây dựng, tài nguyên cơ bản, hóa chất, bán lẻ, dịch vụ tài chính ngoài việc do cơ sở so sánh cao trong cùng kỳ còn phản ánh khó khăn của các doanh nghiệp niêm yết trong bối cảnh kinh tế có những thách thức và mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao.
Nhìn chung, lợi nhuận đi xuống phù hợp với dự đoán và không có yếu tố bất ngờ nên việc điều chỉnh của thị trường diễn ra trong tháng 4 không quá mạnh. Điểm sáng trong thời gian tới là kỳ vọng vào sự hồi phục nhanh hơn của nền kinh tế trong bối cảnh Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã liên tục ra các chính sách nhằm tháo gỡ phần nào những nút thắt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản và những nỗ lực nhằm hạ nhiệt mặt bằng lãi suất trên thị trường.
“Những điểm sáng này là yếu tố quan trọng kích hoạt sự tham gia trở lại của nhóm nhà đầu tư cá nhân trên thị trường và giảm bớt áp lực bán ròng từ khối ngoại trong tháng 4”, chuyên gia SSI Research đánh giá.
Xét trong bối cảnh quốc tế, phân bổ dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu ở mức thận trọng và tập trung vào các nhóm phòng vệ và do vậy dòng tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng khó có thể đứng ngoài xu hướng.
“Trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng áp lực rút ròng vẫn có thể còn, tuy nhiên bất kì điều chỉnh lớn nào trên thị trường sẽ là cơ hội để dòng tiền các quỹ đầu tư đảo chiều vào ròng trở lại trên thị trường”, nhóm chuyên gia nhận định.
Do thị trường chứng khoán thường nhìn nhiều hơn vào tương lai, khi nền kinh tế đang dần chạm đáy khó khăn, chúng tôi cho rằng thị trường chứng khoán đang dần tìm điểm cân bằng và hình thành rõ nét hơn các cơ hội đầu tư dài hạn.
Theo góc nhìn kỹ thuật, SSI Research cho rằng, thị trường vẫn sẽ tiếp tục dao động rung lắc trong biên độ từ cận trên 1.060 - 1.070 điểm đến cận dưới 1.017 – 1.020 điểm. Trong quá trình đi ngang của thị trường ở chu kỳ tháng 5, sẽ có những nhịp rung lắc mạnh và đây là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy dần cổ phiếu khi chỉ số VN-Index tiệm cận vùng biên dưới 1.020. Đồng thời, gia tăng tỷ trọng danh mục những cổ phiếu tốt, có nền tích lũy chắc chắn trên vùng hỗ trợ của chính cổ phiếu đó hoặc áp lực giảm nhẹ hơn so với thị trường.
Gợi ý đầu tư cho tháng 5
Với quan điểm đầu tư thận trọng trên, các chuyên gia đưa ra 6 cổ phiếu là gợi ý đầu tư cho tháng “Sell in May”, bao gồm: PVT, VTP, KBC, VRE, QNS, FPT. Đây là các cổ phiếu có yếu tố dẫn dắt tăng trưởng rõ ràng trong năm 2023.
Với Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (HOSE: PVT), lợi nhuận trước thuế quý I/2023 tăng trưởng mạnh 28% so với cùng kỳ, lợi nhuận cốt lõi từ mảng vận tải cũng tăng mạnh 30% do cước thuê tàu trung bình tăng cao so với mức thấp cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận cốt lõi năm 2023 dự kiến tăng trưởng 20%, dựa trên kỳ vọng thị trường vận tải dầu tiếp tục giữ ở mức cao trong 2023. Định giá cổ phiếu hấp dẫn.
Trong khi đó, với Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (UPCoM: VTP), dù lãi trước thuế quý đầu năm của doanh nghiệp chỉ ghi nhận 95 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ song tăng mạnh từ mức 1 tỷ đồng của quý IV/2022 và mức 70 tỷ đồng vào quý II/2022. Điều này có thể báo hiệu lợi nhuận của VTP đã tạo đáy trong quý IV/2022 và có thể tăng trưởng trở lại từ các quý sau.
“Công ty đang đi đúng hướng để dành lại thị phần chuyển phát bằng chiến lược cải thiện chất lượng dịch vụ cốt lõi. Chúng tôi kỳ vọng thị phần của VTP sẽ tăng lên mức 17% trong năm 2023 (từ mức trung bình 15%) và do đó lợi nhuận trước thuế 2023 có thể tăng trưởng 11% so với cùng kỳ”, các chuyên gia cho biết.
Áp lực rút ròng vẫn có thể vẫn còn, tuy nhiên bất kì điều chỉnh lớn nào trên thị trường sẽ là cơ hội để dòng tiền các quỹ đầu tư đảo chiều vào ròng trở lại trên thị trường.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) trong năm nay được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực. Với các hợp đồng đã ký với khách thuê từ năm trước đến nay, KBC dự kiến sẽ bàn giao ghi nhận 250 ha đất khu công nghiệp chủ yếu tại các dự án Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu, Tân Phú Trung và 10 ha đất khu đô thị. Doanh nghiệp cũng đã mua lại sớm các trái phiếu sắp đến hạn giúp giảm áp lực nợ vay.
CTCP Vincom Retail (HOSE: VRE) là chủ đầu tư - đơn vị vận hành hệ thống trung tâm thương mại lớn nhất cả nước. Trong năm 2023, VRE đặt kế hoạch khai trương thêm 2 trung tâm thương mại và dự kiến bổ sung hơn 800.000 m2 diện tích sàn bán lẻ vào danh mục dự án trong ba năm tiếp theo.
Kết quả kinh doanh quý I/2023 của VRE tăng trưởng ấn tượng với doanh thu thuần đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ và lãi ròng của công ty mẹ đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 171,3%.
CTCP Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) ghi nhận kết quả tích cực trong quý I/2023 với doanh thu và lãi sau thuế tăng trưởng lần lượt 17% và 80% so với cùng kỳ, nhờ sản lượng đường sản xuất và tiêu thụ cao hơn trong năm 2023.
Giá đường thế giới đang đạt mức đỉnh 10 năm do lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ, Brazil. Đồng thời, giá đường nội địa từ nửa cuối tháng 4 đã tăng sau 4 tháng đi ngang. Do đó, trong năm 2023 tác dụng của chính sách áp dụng thuế phòng vệ cho ngành đường của Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát huy tác dụng cụ thể hơn, khi lượng tồn kho đường nhập khẩu giá thấp giải phóng hết.
Ngoài ra, tỷ suất chi trả cổ tức của doanh nghiệp rất hấp dẫn. QNS có dòng tiền hoạt động kinh doanh tích cực và có tỷ suất cổ tức năm 2023 kỳ vọng ở mức 6,8% hàng năm.
Với CTCP FPT (HOSE: FPT), kỳ vọng tăng trưởng lãi ròng của doanh nghiệp trong năm 2023 được giữ nguyên ở mức 18% so với cùng kỳ. Trong buổi gặp gỡ với nhà đầu tư mới đây, ban lãnh đạo cũng đặt ra một số chỉ tiêu tăng trưởng khá bất ngờ. Cụ thể, ban lãnh đạo vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng dương hơn 10% so với cùng kỳ đối với hai mảng CNTT trong nước và mảng quảng cáo trực tuyến dù trước mắt vẫn còn nhiều thách thức. Nếu có thể đạt được kế hoạch này, mức tăng trưởng lợi nhuận chung của FPT có thể sẽ cao hơn ước tính và sẽ khá bất ngờ đối với kỳ vọng của thị trường.