Hội An không bán vé vào thành phố, chỉ bán vé vào khu di sản
Việc bán vé tham quan khu phố cổ Hội An đã có từ lâu. Nếu không kiểm soát việc bán vé, Hội An sẽ trở thành điểm đến miễn phí. Lúc đó, không còn nguồn để trùng tu di sản...
Chiều 11/5, tại cuộc gặp gỡ báo chí để thông tin về công tác tổ chức quản lý hoạt động tham quan khu phố cổ Hội An, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, từ ngày 15/5, tất cả du khách trong nước và quốc tế phải mua vé khi vào khu phố cổ, giá vé là 120.000 đồng/vé dành cho khách quốc tế và 80.000 đồng/vé dành cho khách Việt Nam.
"Đây là quan điểm chính thức của tập thể lãnh đạo TP. Hội An, đã được Ban Thường vụ Thành ủy thẩm định và thông qua", ông Sơn nói.
"Không bán vé thì lấy tiền đâu để đầu tư cho di sản"
Ông Sơn khẳng định: Việc bán vé tham quan khu phố cổ Hội An đã được triển khai từ năm 1995 đến nay. Từ năm 2012, giá vé là 120.000 đồng/vé dành cho khách quốc tế và 80.000 đồng/vé dành cho khách Việt Nam.
Giá vé chênh lệch như vậy là do hơn 1.000 kiến trúc, di sản của Hội An có nhiều loại hình: hội quán, nhà cổ, giếng, nhà thờ tộc, bảo tàng… Qua khảo sát, khách quốc tế muốn tham quan nhiều loại hình, còn khách Việt Nam có nhu cầu tham quan ít điểm hơn. Vì vậy, việc chia thành 2 mức giá là phù hợp.
Theo ông Sơn, giá vé tham quan khu phố cổ Hội An là rẻ nhất trong 8 Di sản Văn hóa thế giới ở Việt Nam và những di sản đó đều bán vé tham quan, chứ không riêng Hội An.
Có ý kiến nêu rằng, Hội An là "di sản sống" thì có nên bán vé tham quan hay không. Thật ra, nhiều "di sản sống" trên thế giới tổ chức bán vé, chẳng hạn Phượng Hoàng Cổ Trấn (Trung Quốc), làng cổ Hahoe ở thành phố Andong (Hàn Quốc) đều có người dân sinh sống và tổ chức bán vé tham quan; hay Cù lao Chàm cũng có 3.000 người dân sinh sống.
"Những "di sản sống" đó tổ chức bán vé thì không ai phàn nàn gì. Cái khó của Hội An là có quá nhiều đường vào khu di sản nên không dễ bán được một tấm vé. Nhưng không bán vé thì lấy tiền đâu để đầu tư cho di sản", ông Sơn nêu quan điểm.
Trong gần 30 năm qua, việc bán vé giúp Hội An từ một di sản bên bờ sụp đổ (nhiều ngôi nhà cổ bị sụp) đến nay đã được trùng tu cơ bản, an toàn và ngày càng đẹp hơn. Cũng từ vé tham quan, thành phố đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, các lễ hội… để nâng tầm thương hiệu du lịch cho Hội An, đồng thời hỗ trợ cho di tích tư nhân. Trong khi đó, việc trùng tu mỗi di tích rất tốn kém, chẳng hạn công trình đầu tư Chùa Cầu đang được tiến hành tốn 20 tỷ đồng, Đình Ông Voi tốn hơn 10 tỷ đồng…
Hội An ngày càng đông đúc, xô bồ, nhếch nhác
Về việc tăng cường kiểm soát vé tham quan khu phố cổ Hội An, ông Sơn lý giải: Thứ nhất là bảo đảm yêu cầu về bảo tồn di sản. Hội An ngày càng quá đông đúc, xô bồ, nhếch nhác. Cách đây khoảng 10 năm, Hội An được du khách đánh giá cao về sự vừa phải, vắng vẻ và yên bình, nhưng hiện nay lượng du khách đổ về quá đông.
"Đợt nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, tôi cùng anh, chị em vào khu phố cổ mà lắc đầu ngán ngẩm, nhất là từ 17-21 giờ thì không có chỗ chen chân. Quá đông!", ông Sơn bày tỏ.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hội An, áp lực từ sự quá tải đè nặng lên di sản, làm di sản mau xuống cấp và các sản phẩm du lịch dù được đầu tư chăm chút cũng không thể làm vừa lòng du khách vì sự đông đúc, xô bồ.
Thứ hai là bảo đảm công bằng giữa người mua vé và không mua vé, giữa các hãng lữ hành chân chính và không chân chính.
Ông Sơn dẫn chứng: Tất cả các hãng lữ hành đều biết Hội An là điểm đến phải mua vé. Tuy nhiên, qua 2 năm COVID-19, do sự cạnh tranh khốc liệt trong giá tour, nhiều hãng lữ hành lợi dụng sự tử tế của Hội An, đưa khách đi "chui", không đưa khách đi vào các di tích, mà chia nhỏ đoàn khách, đi loanh quanh rồi trốn mua vé.
Hơn nữa, thời gian gần đây có tình trạng quảng bá để thu hút khách đi tour rằng "Hội An là điểm đến không cần mua vé". "Đó là cách đối xử không công bằng với Hội An", ông Sơn nói.
Nguồn thu của Hội An nếu không kiểm soát thì chắc chắn sụt giảm nhiều. Năm 2019, Hội An thu được hơn 300 tỷ đồng từ vé tham quan phố cổ (nộp ngân sách hơn 200 tỷ đồng), nhưng năm 2022 thu chỉ 32 tỷ đồng. Năm nay, dù khách đông, nhưng 3 tháng đầu năm chỉ thu được gần 40 tỷ đồng từ việc bán vé, nghĩa là còn lâu mới quay trở lại giai đoạn trước năm 2019.
"Hội An nếu không kiểm soát thì sẽ trở thành điểm đến miễn phí. Lúc đó, không còn nguồn để trùng tu di sản, hỗ trợ di tích tư nhân, tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch, dọn vệ sinh môi trường… Nhiều lúc tôi chứng kiến cảnh tượng rất buồn và đau lòng. Cứ 22 giờ, sau khi du khách rời khu phố cổ thì rác ngập đường phố, lực lượng dọn vệ sinh môi trường làm việc đến 1-2 giờ sáng mới xong", ông Sơn cho hay.
Cái khó của Hội An là có quá nhiều đường vào khu di sản nên không dễ bán được một tấm vé. Nhưng không bán vé thì lấy tiền đâu để đầu tư cho di sản”
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP. Hội An
Vị lãnh đạo Hội An nêu cách làm: Không bán vé vào thành phố, chỉ bán vé vào khu di sản văn hóa thế giới. Theo đó, việc kiểm soát sẽ góp phần nâng cao ý thức của người tham quan. Nếu du khách trải qua hành trình hàng ngàn km để đến khu phố cổ Hội An thì cũng nên bỏ ra 80.000 đồng, 120.000 đồng góp phần trùng tu di sản. Điều đó là hết sức công bằng!
Tổ chức bán vé chặt chẽ, văn minh, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân
Nói thêm về phương án sắp tới, ông Sơn cho biết, sẽ tập trung kiểm soát khách theo đoàn; khách đi lẻ sẽ được mời mua vé, nếu mua thì tốt, không mua thì thôi. Còn khách vào khu phố cổ với mục đích khác như uống cà-phê, chụp ảnh cưới, ăn uống… thì không phải mua vé.
Hơn nữa, không tổ chức nhận diện người dân Hội An; tạo điều kiện cho những người nước ngoài sống ở Hội An hay những người thường trú ở Hội An mua vé 1 lần, dùng cuống vé ra vào phố cổ. Tại các chốt sẽ có người hướng dẫn, có biển hướng dẫn rõ ràng.
Các điểm bán vé từ xa cũng được đặt tại bãi xe 332 Lý Thường Kiệt và bãi xe Thanh Hà, từ đó tổ chức trung chuyển vào phố cổ.
"Yêu cầu đặt ra là quá trình thực hiện phải chặt chẽ, nhân văn, gắn với việc mở rộng phố đi bộ Phan Châu Trinh, không ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân", ông Sơn nói; đồng thời cho biết, chính quyền Hội An đã tổ chức họp người dân trong khu phố cổ thuộc địa bàn phường Cẩm Phô và phường Minh An, người dân đều đồng tình, ủng hộ việc bán vé. Thành phố cũng đã họp, nghe ý kiến của hội lữ hành và nhận được sự đồng tình. Các doanh nghiệp khách sạn, du lịch trên địa bàn cũng ủng hộ phương án bán vé và tình nguyện làm công tác tuyên truyền cho du khách.
"Chúng tôi tổ chức bán vé nhẹ nhàng, văn minh. Sẽ có người mời chào thân thiện khi người dân và du khách vào khu phố cổ", ông Sơn khẳng định.
Hội An tính phương án "mua lại nhà ở phố cổ"
Có ý kiến rằng việc bán vé tham quan sẽ làm các hộ kinh doanh trong khu phố cổ chết dần. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Sơn khẳng định: "30 năm qua, Hội An chưa bao giờ khuyến khích vào khu phố cổ kinh doanh, chúng tôi luôn muốn giãn kinh doanh ra ngoài phố cổ".
Theo ông, trong khu phố cổ có 30% chủ các ngôi nhà đang sống ở TP.HCM, Hà Nội, họ không có mặt ở đây mà chỉ mua nhà để cho thuê. Khoảng 40% chủ các ngôi nhà cổ là người Hội An nhưng họ cũng cho thuê di tích và ra phía bên ngoài khu phố cổ sinh sống. Hiện chỉ hơn 30% người dân gốc Hội An sống ở khu phố cổ. Như vậy, phố cổ đã mất đi "phần hồn". Một ngôi nhà cổ trước đây có 3 chức năng: ở, thờ cùng và buôn bán, nay chỉ còn chức năng buôn bán.
"Trước đây, chúng tôi xây dựng đề án đưa người dân ra phố cổ, nay phải ngược lại, từng bước đưa người dân vào sinh sống trong khu phố cổ", ông Sơn nói.
Ông Sơn lý giải thêm: Chính quyền TP. Hội An sẽ có đề án phục hồi hồn phố cho khu phố cổ, đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc khuyến khích người dân Hội An vào sinh sống khu phố cổ bằng nhiều cách: giảm tiền thuê nhà, giảm tiền thuế đất… Tuy nhiên, chính quyền Hội An chỉ đề xuất lên tỉnh Quảng Nam, chứ không thể quyết định được.
"Nếu có tiền thì thành phố sẽ mua lại những ngôi nhà cổ rồi bố trí cho người dân gốc Hội An thuê ở", ông Sơn cho hay.