Luật Các TCTD (sửa đổi): Nâng cao hiệu quả quản lý và bảo đảm hiệu quả và phát triển hoạt động ngân hàng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội
Cơ sở và sự cần thiết ban hành dự án Luật các TCTD (sửa đổi) lần này không ngoài mục đích khắc phục những tồn tại hạn chế, bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn hiệu quả; nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển hoạt động ngân hàng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước trong tình hình mới.
Với ý nghĩa đó, những chỉnh sửa, bổ sung và ban hành mới một số quy định liên quan đến tổ chức quản trị điều hành và hoạt động của TCTD cũng như xử lý nợ xấu, cảnh báo sớm và hoạt động kiểm soát đặc biệt TCTD sẽ góp phần quan trọng trong việc đạt mục tiêu và yêu cầu đặt ra về việc tạo môi trường pháp lý trong hoạt động ngân hàng để tăng trưởng và phát triển hiệu quả, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Việc hoàn thiện Luật các TCTD sẽ tác động và mang lại hiệu quả phản ánh trên 4 phương diện chính sau:
Thứ nhất, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả trên cơ sở nâng cao chất lượng về tổ chức, quản trị điều hành của TCTD. Trong đó bổ sung, điều chỉnh và quy định cụ thể về người quản lý, người điều hành của TCTD; quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông; quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu… được điều chỉnh, bổ sung theo hướng nâng cao trách nhiệm, cũng như biện pháp xử lý sai phạm liên quan đến hoat động này.
Thứ hai, bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả trên cơ sở sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động của TCTD (về thực hiện hoạt động kinh doanh bằng phương tiện điện tử, cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử, cho vay tiêu dùng, thư tín dụng…). Đồng thời điều chỉnh, bổ sung các quy định về đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD nhằm hạn chế rủi ro từ việc tập trung tín dụng, hạn chế sở hữu chéo… theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan; cũng như những điều chỉnh kỹ thuật liên quan đến hệ thống chỉ số bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng để phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả công xử lý nợ xấu, trách nhiệm của người vay vốn. Theo đó, dự thảo luật đưa vào các quy định nhằm luật hóa một số quy định tại Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu. Việc kế thừa các quy định về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; mua, bán khoản nợ xấu có TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; kê biên tài sản của bên phải thi hành án; thu giữ tài sản… sẽ tạo điều kiện phát triển thị trường mua bán nợ; xử lý TSBĐ nợ vay công khai minh bạch và nâng cao nhận thức trách nhiệm trả nợ của người vay vốn ngân hàng…
Thứ tư, dự thảo luật nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động ngân hàng và thực hiện các nhiệm vụ về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, phá sản, giải thể TCTD. Trong đó, việc ban hành mới các quy định về quy trình can thiệp sớm, bổ sung thẩm quyền của NHNN tại giai đoạn can thiệp sớm trong việc hạn chế quyền quyết định trong hoạt động kinh doanh của người quản lý, người điều hành hoặc đình chỉ người quản lý, người điều hành của TCTD có hành vi vi phạm pháp luật… cho phép xử lý từ sớm, từ xa khi tình trạng yếu kém của TCTD chưa đến mức nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi một số quy định liên quan đến cấp phép nội dung hoạt động (thay đổi hoạt động) cho phù hợp với tinh thần cải cách hành chính và phù hợp, thống nhất với các quy định khác của pháp luật hiện hành.
Trên đây là một số nội dung mà dự thảo đề án Luật các TCTD (sửa đổi), bổ sung, sửa đổi. Ở góc độ đánh giá tác động và môi trường pháp lý, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD phát triển an toàn, hiệu quả phù hợp với xu hướng phát triển chung của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như thông lệ quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và góp phần thực hiện tốt yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn tới.