Hoạt động ngân hàng

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng, lãi suất

T.H 15/05/2023 - 08:03

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng, lãi suất, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật… nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các TCTD cũng như của người dân, doanh nghiệp.

Ngày 11/5, tại TP Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị “Giải pháp tín dụng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ.”

Hội nghị do ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; ông Phan Văn Mãi - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; bà Nguyễn Thị Hồng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN; ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN đồng chủ trì. 

Tham gia hội nghị còn lãnh đạo các Vụ, Cục NHNN; đại biểu đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ (ĐNB); Đoàn đại biểu Quốc hội; đại diện một số Sở, Ngành các địa phương; các tổ chức chính trị - xã hội, đại diện Hội sở chính và chi nhánh TCTD; đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp trung ương và địa phương, Hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ.

web.jpeg.jpg
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị

Theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, khu vực ĐNB là vùng kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp hơn 30% GDP, 45% tổng thu ngân sách và 40,4% vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài; là khu vực mà kinh tế tư nhân phát triển mạnh với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước.

Thời gian qua thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN, đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất… để góp phần từng bước khơi thông các điểm nghẽn trong nền kinh tế, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Việc tổ chức hội nghị lần này nhằm mục tiêu trao đổi, chia sẻ kết quả đạt được của các doanh nghiệp trong khu vực, đồng thời nhận diện, tìm hiểu khó khăn, vướng mắc, nắm bắt nhu cầu vốn của doanh nghiệp và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cả ngân hàng, doanh nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng vốn vay dễ dàng và hiệu quả hơn.

Thông tin tại hội nghị, tính đến 27/4/2023, trên toàn quốc huy động vốn của các TCTD đạt 12,4 triệu tỷ đồng, bằng 101% tín dụng) thanh khoản hệ thống dồi dào và chưa bị giới hạn chạm trần tăng trưởng tín dụng; theo đó, các TCTD có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,28 triệu tỷ đồng, tăng 3,04% so với cuối năm 2022, tăng 9,92% so với cùng kỳ năm trước. 

Tại khu vực Đông Nam Bộ, đến hết quý I/2023, huy động vốn đạt trên 4,1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 huy động toàn quốc, giảm 0,75% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I là 1,24%); tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I là 2,61%).

539075-03.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Ông Phan Văn Mãi - Uỷ viên Trung ương Đảng – Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đồng tình với báo cáo của NHNN, ghi nhận nỗ lực của ngành Ngân hàng và các TCTD trên địa bàn trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh của doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phản ánh những ghi nhận từ hiệp hội DN mong muốn phản ánh với Thống đốc về những khó khăn liên quan về vốn, thời hạn vay và vấn đề lãi suất. 

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng nêu các kiến nghị đến ngành Ngân hàng trong đó có nhấn mạnh về việc cần có giải pháp về vốn, tín dụng để giải quyết vốn lưu động, thanh toán ngắn hạn cho các DN; Tiếp tục nghiên cứu, có thêm chính sách để hỗ trợ DN trong việc hoãn, giãn, giữ nguyên nhóm nợ đối với; Đối với các khoản vay mới, đề nghị các ngân hàng nghiên cứu các điều kiện phù hợp (vấn đề định giá tài sản thế chấp, tỷ lệ giải ngân/tài sản…), mở rộng áp dụng cho vay tín chấp đối với các khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, có đơn hàng, hợp đồng rõ ràng.

Cũng tại hội nghị đại diện lãnh đạo UBND một số tỉnh thuộc vùng ĐNB, đoàn đại biểu quốc hội, Hiệp hội, doanh nghiệp, các TCTD đã nêu các ý kiến thực tế về thực tế tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn vùng ĐNB, các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp, địa phương phải đối mặt trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch.

Đặc biệt, các Hiệp hội, doanh nghiệp phản ánh khó khăn mà doanh nghiệp phải đang phải đối mặt về lãi suất, những vướng mắc trong quan hệ tín dụng với các TCTD. Các bên đã có những trao đổi, trực tiếp đối thoại, giải đáp và nêu các giải pháp cụ thể tháo gỡ những vướng mắc được nêu.

Các TCTD cũng chia sẻ những nỗ lực thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Thanh Tùng Tổng Giám đốc Vietcombank, trong 4 tháng đầu năm Vietcombank đã giảm 0,5% lãi suất cho vay đối với hơn 100.000 khách hàng có dư nợ hiện hữu tại Vietcombank. Quy mô dư nợ được giảm hơn 600.000 tỷ đồng. 

Vietcombank thực hiện giảm lãi suất hàng loạt không cần đề xuất kiến nghị từ khách hàng, khách hàng. Tất cả khách hàng có dư nợ và đáp ứng đủ điều kiện là Vietcombank sẽ thực hiện giảm. Trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, từ 1/5 Vietcombank đã công bố thông tin giảm tiếp tục 3 tháng nữa lãi suất 0,5% cho tất cả các khách hàng có dư nợ hiện hữu tại Vietcombank.

Bà Nguyễn Tô Phương Thảo, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng MB Đông Sài Gòn cho biết, MB thực hiện hàng loạt các chính sách và các gói giảm lãi suất cho doanh nghiệp với mức giảm 0,5%.

Với tinh thần đồng hành, chia sẻ với người dân, doanh nghiệp và mong muốn được người dân doanh nghiệp thấu hiểu chia sẻ với ngành ngân hàng. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh hoạt động điều hành CSTT của NHNN mang nhiều tính đặc thù khi phải cùng lúc đảm bảo nhiều mục tiêu, vừa giảm lãi suất vừa mở rộng tín dụng, vừa ổn dịnh tỷ giá vừa đảm bảo an toàn của các TCTD, nên việc thực hiện các giải pháp để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng cần sự cân nhắc rất kĩ lưỡng.

Thời gian tới để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế bền vững mà vẫn đảm bảo hiệu quả hoạt động và an toàn hệ thống; đồng thời, thực hiện Nghị quyết 24/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐNB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, NHNN sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng, lãi suất, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách tín dụng,… nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các TCTD cũng như của người dân, doanh nghiệp. 

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các đơn vị trong ngành ngân hàng điêu hành chính sách tiền tệ bám sát diễn biến của thị trường.

Theo đó, về lãi suất, Thống đốc ghi nhận ý kiến kiến nghị của các đại biểu tại hội nghị, giao các đơn vị chức năng xem xét, trong bối cảnh FED tăng lãi suất chậm lại, tình hình thanh khoản cải thiện, đánh giá tình hình thị trường tỷ giá, nếu như giảm được thì sẽ giảm các mức lãi suất điều hành. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD phải đồng hành cùng DN và người dân, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất.

Về tín dụng tiếp tục hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nhưng không hạ chuẩn cấp tín dụng nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống

Tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; triển khai với quyết tâm cao nhất chính sách HTLS 2% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị định 31 của Chính phủ;

Triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN; Đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng;

Về cải cách thủ tục hành chính, duy trì kết quả năm thứ 7 đứng đầu các bộ ngành về chỉ số Par index Thống đốc yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cải cách quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt vay vốn; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng nhưng không hạ chuẩn tín dụng nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống;

Thống đốc cũng đề cao vai trò quan trọng từ phía UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐNB, các Sở, ban ngành, chính quyền các cấp quan tâm, chia sẻ đồng hành phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng trong triển khai các chính sách để cùng tháo gỡ khó khăn giúp người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển trong thời gian tới.

T.H