Doanh nghiệp

Tìm kiếm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài

Quỳnh Lê 15/05/2023 18:55

Dù vẫn được nhìn nhận như một điểm đến đầu tư rất hấp dẫn và đầy tiềm năng, song dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời gian gần đây có sự chững lại. Vậy Việt Nam phải làm gì để cạnh tranh thành công trong thu hút những dòng vốn mới, đặc biệt là dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao?

Môi trường đầu tư hấp dẫn

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tính đến cuối tháng 4/2023, Việt Nam đã thu hút được gần 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; trong đó, gần 280 tỷ USD đã được giải ngân. Nhiều tập đoàn đa quốc gia với công nghệ hiện đại đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.

Với việc tham gia 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước không ngừng đổi mới, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, kịp thời nắm bắt cơ hội, cũng như phát huy ngoại lực, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư, tạo động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Thông tin tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 15/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên gặp gỡ với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hiệp hội nước ngoài. Gần đây nhất, tại lễ ra mắt Hiệp hội Thương mại của Tây Ban Nha, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tranh thủ trao đổi, gặp gỡ và thảo luận với rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài đến từ các châu lục khác nhau ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ…

“Nhìn chung, các nhà đầu tư đều bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Vượt qua những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kinh tế Việt Nam tiếp tục có sự phục hồi và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.

thu-truong-mpi-do-thanh-trung.jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung phát biểu tại Hội thảo

Cụ thể như năm 2022, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế cao trên 8,02% và được quốc tế đánh giá là một trong những điểm sáng. Và trong cả 3 năm đại dịch, chúng ta tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao cho nền kinh tế. Với những kết quả này, vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng đã có những mức độ tiến bộ đáng kể.

Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao triển vọng, tính ổn định, khả năng phát triển cũng như tiếp tục nâng hạng tín nhiệm và dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 cũng như những năm tiếp theo.

Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá cao về điểm đến đầu tư Việt Nam. Các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, khi trả lời câu hỏi khảo sát của JETRO, có đến 60% cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Tỷ lệ này là cao nhất trong khối ASEAN.

Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam đánh giá, thị trường Việt Nam có nhiều yếu tố hấp dẫn, nhiều cơ hội hơn là thách thức và thu hút đầu tư đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Cụ thể, Việt Nam có nhiều tiềm năm phát triển kinh tế khi là một trong những quốc gia đứng đầu về tăng trưởng GDP liên tục trong 42 năm, nằm trong top 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á; quy mô dân số đạt 100 triệu người (+8%/ năm); tầng lớp trung lưu tăng trưởng 10,1%/năm, dự đoán đạt 26% vào năm 2026; Chính phủ hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

“Là một doanh nghiệp Nhật Bản, chúng tôi nhận thấy nhiều cơ hội và mong muốn hợp tác, chung tay đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam trong tương lai. Tôi tin rằng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn đầu tư vào Việt Nam”, ông Furusawa Yasuyuki nói.

Trong khi đó, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam thì cho biết, Việt Nam và Samsung đã viết nên một câu chuyện thành công đáng nhớ về việc đôi bên cùng thắng.

“Nhiều nhà lãnh đạo phải thốt lên rằng: ‘Thành công của Samsung là thành công của Việt Nam’”, ông Choi Joo Ho nói.

Theo ông Choi Joo Ho, giờ đây các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên toàn thế giới đang nghiêm túc dõi theo Việt Nam - một cứ điểm trọng tâm của điện thoại di động, để tìm hiểu những biến đổi chính sách công nghiệp của Việt Nam.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Mặc dù Việt Nam đang là một trong những quốc gia đi đầu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài song tình hình thế giới và những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh đang gây ra không ít những rào cản trên con đường đi tới thành công này.

Những yếu tố địa chính trị phức tạp, những biến cố chưa từng có tiền lệ như đại dịch COVID-19, những thách thức đa phương như biến đổi khí hậu hay những vấn đề mới nảy sinh như chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu… làm ảnh hưởng không chỉ đến đà phục hồi mà còn thúc đẩy sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài diễn ra nhanh, mạnh mẽ hơn trên toàn thế giới, mang đến nhiều sự thay đổi trong các quyết sách đầu tư. 

Theo báo cáo của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) về vốn đầu tư toàn cầu, cạnh tranh giữa các nước đang phát triển trong thu hút đầu tư nước ngoài sẽ diễn ra quyết liệt, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài được dự báo suy giảm trong năm 2023 trong khi nhu cầu thu hút vốn đầu tư cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau COVID-19 tăng cao. 

c18f1ae9efb531eb68a4.jpg
Các diễn giả tham gia thảo luận

Bên cạnh đó, cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu mà OECD áp dụng với các doanh nghiệp đa quốc gia cũng gây ảnh hưởng cho khoảng 100 doanh nghiệp toàn cầu đầu tư tại Việt Nam. Theo đó, chính sách ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp Chính phủ Việt Nam đang triển khai hiện nay sẽ bị mất đi hiệu quả thực tế. Thêm vào đó, sự thay đổi về cơ chế đánh thuế sẽ khiến cho Việt Nam và các doanh nghiệp FDI gặp phải những xáo trộn lớn.

“Do vậy, năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam cũng bị đe dọa”, ông Choi Joo Ho nói.

Để tăng cường năng lực cạnh tranh, xa hơn nữa là vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp FDI, đại diện Samsung đề xuất 3 nội dung lớn.

Thứ nhất là việc cải thiện môi trường đầu tư. Ông Choi Joo Ho cho rằng, từ sau khi thực hiện chính sách Đổi mới năm 1986, Việt Nam đã liên tục cải thiện môi trường đầu tư, qua đó thu hút các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, việc cải thiện môi trường đầu tư phải được thực hiện liên tục, dựa trên những biến đổi của môi trường bên ngoài để triển khai những cải cách phù hợp.

180b8b551109cf579618.jpg
Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Nhắc lại vấn đề cơ thuế thuế tối thiểu toàn cầu, ông Choi Joo Ho cho biết, các công ty tư vấn toàn cầu đang hoạt động ở Việt Nam như Deloite, PwC và các chuyên gia kinh tế cũng đang tích cực khuyến nghị Việt Nam áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) và chính sách ưu đãi dựa trên chi phí để đối ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, đặc biệt là nhấn mạnh tính cần thiết của việc luật hóa trong năm nay.

“Samsung cũng đồng ý với quan điểm này, chúng tôi mong rằng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra môi trường kinh doanh có thể dự đoán được, phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu và sự thay đổi môi trường đầu tư gần đây”, ông nói.

Thứ hai là việc thực hiện cam kết và xây dựng lòng tin giữa Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp.

Lấy chính câu chuyện của Samsung làm dẫn chứng, ông Choi Joo Ho khẳng định, “Chính phủ Việt Nam đã thực hiện đúng những chính sách hỗ trợ đã cam kết sau khi Samsung đầu tư, và kết quả là Samsung đã liên tục được cung cấp một môi trường kinh doanh tuyệt vời nhất”.

Sau khi đầu tư tại Việt Nam, Samsung cũng đã thực hiện đầy đủ những cam kết như tạo công ăn việc làm ổn định, phát triển đồng thịnh vượng cùng các doanh nghiệp Việt Nam. Gần đây, Samsung cũng đã hiện thực hóa cam kết xây dựng trung tâm R&D, không chỉ sản xuất mà còn triển khai các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin công nghệ cao.

“Việc thực hiện cam kết một cách nghiêm túc giữa Chính phủ Việt Nam và Samsung dựa trên nền tảng của mối quan hệ tin cậy sâu sắc lẫn nhau, và hai bên đã hình thành một mối quan hệ mang tính phát triển theo một vòng tuần hoàn tích cực”, ông khẳng định.

Cuối cùng, vị lãnh đạo Samsung Việt Nam đề xuất các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài liên tục thực hiện các hoạt động cống hiến xã hội tại Việt Nam.

“Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không thể chỉ hưởng lợi ích tại Việt Nam rồi rời đi, mà cần phải cùng đồng hành và phát triển với người dân Việt Nam. Chúng ta cần một tinh thần ‘lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’”, ông Choi Joo Ho đề nghị.

Trong khi đó, đại diện AEON cho biết, tùy thuộc vào từng lĩnh vực kinh doanh, nhà đầu tư sẽ có các kỳ vọng và những thách thức khác nhau.

“Là một nhà bán lẻ, chúng tôi hiểu rằng mỗi quốc gia đều sẽ có sự khác biệt trong quy định. Do đó, để có thể tăng tốc mở rộng đầu tư tại Việt Nam, chúng tôi cũng mong muốn các thủ tục liên quan có thể được đơn giản hóa. Đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, như AEON, chúng tôi sẽ luôn nỗ lực và tích cực hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chính quyền địa phương, khách hàng và cộng đồng. Việc phối hợp và đưa ra các quyết định nhanh chóng với địa phương/khu vực đóng vai trò rất quan trọng”, ông Furusawa Yasuyuki nói.

Quỳnh Lê