Tin hội viên

OCB đầu tư hệ thống quản lý gian lận trong ngân hàng số đa kênh

Song Anh 17/05/2023 07:19

Vừa qua, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) hợp tác với IBM triển khai hệ thống quản lý gian lận trên nền tảng IBM® Safer Payments. IBM và đối tác Seatech ứng dụng nền tảng IBM® Safer Payments hỗ trợ OCB giám sát, ngăn chặn và quản lý các hành vi gian lận trong hoạt động ngân hàng đa kênh kỹ thuật số của ngân hàng này.

IBM Safer Payment cung cấp năng lực phòng chống rủi ro và gian lận trong thời gian thực. Giải pháp này đã được Tập đoàn công nghệ IBM triển khai tại nhiều tổ chức ngân hàng lớn trên thế giới. Với hoạt động này, OCB hướng đến cam kết là đơn vị chủ động và tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động quản lý rủi ro.

Nền tảng này giúp ngân hàng phát hiện, phòng ngừa, giảm thiểu gian lận chủ động với giao diện thân thiện, dễ tùy chỉnh để đáp ứng sự thay đổi thường xuyên của các tình huống gian lận trên thị trường. Cụ thể, nền tảng sử dụng học máy và trí tuệ nhân tạo để phân tích hành vi, mô hình gian lận, cho phép ngân hàng ngăn chặn hoạt động gian lận trước khi nó xảy ra, đồng thời đảm bảo các giao dịch chính xác của khách hàng không bị dừng lại do lỗi.

Ngoài ra, nền tảng này còn giúp OCB xây dựng và ứng dụng các mô hình để ngăn chặn những mối đe dọa gian lận mới xuất hiện, từ đó đề xuất các giải pháp phản ứng phòng chống hữu hiệu.

dai-dien-ocb-ibm-va-seatech-tien-hanh-ky-ket-hop-tac-trien-khai-he-thong-fraud-management.jpg
Đại diện OCB, IBM và Seatech tiến hành ký kết hợp tác triển khai hệ thống Fraud Management

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc OCB cho biết, xu hướng gian lận trong hoạt động ngân hàng trên thế giới cũng như Việt Nam đang gia tăng với chiều hướng phức tạp. Việc ngân hàng áp dụng các nền tảng công nghệ vào phát triển sản phẩm, dịch vụ là cần thiết để đảm bảo lợi ích của khách hàng và ngân hàng. Bên cạnh việc bảo vệ người dùng, đưa lại trải nghiệm tối ưu, an toàn khi sử dụng sản phẩm dịch vụ, OCB còn tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước về giám sát giao dịch, phòng chống gian lận.

“Việc chú trọng đầu tư công nghệ vào công tác phát hiện, phòng chống gian lận sẽ góp phần giúp OCB trở thành một trong những ngân hàng top đầu hoạt động bền vững, hiệu quả trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần”, ông Nguyễn Đình Tùng nhấn mạnh.

IBM đã có kinh nghiệm triển khai thành công hệ thống Fraud management tại nhiều ngân hàng ở châu Úc, New Zealand, châu Âu. Là đối tác của OCB lần này, IBM mong muốn cùng Seatech triển khai thành công Safer Payments, qua đó, giúp ngân hàng thích nghi với các mối đe dọa mới nhanh hơn và phát hiện gian lận với tốc độ và độ chính xác cao hơn, mà không phụ thuộc vào nhà cung cấp hoặc các chuyên gia dữ liệu.

Ông Nguyễn Tuấn Khang, Giám đốc Khối Phần mềm, IBM Việt Nam cho biết: “Chúng tôi tự tin khi được hợp tác cùng ngân hàng OCB triển khai IBM Safer Payments nhằm giúp ngân hàng thích ứng với các mối đe dọa mới nhanh hơn để có thể phát hiện gian lận theo thời gian thực với độ chính xác cao hơn mà không phụ thuộc vào nhà cung cấp giải pháp hoặc các chuyên gia dữ liệu”.

“Với bộ giải pháp phòng ngừa và phát hiện gian lận toàn diện được thiết kế để bảo vệ các ngân hàng và khách hàng của họ khỏi nguy cơ gian lận ngày càng gia tăng trong bối cảnh thanh toán kỹ thuật số ngày nay, OCB có thể đặt yếu tố quản lý rủi ro lên hàng đầu mà không phải hy sinh trải nghiệm khách hàng”, ông Khang nói thêm.

Thời gian qua, OCB ưu tiên đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản trị rủi ro. Năm 2018, OCB đã hoàn thành các hạng mục quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II. Đến năm 2022, OCB tiếp tục nằm trong nhóm các ngân hàng đi đầu về triển khai Basel III.

Ngày 12/4 vừa qua, ngân hàng cũng công bố hoàn thành triển khai và áp dụng nền tảng tính vốn điện toán đám mây theo Basel II nâng cao (phương pháp tiếp cận nội bộ - IRB), trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam hoàn thành tất cả các yêu cầu tiên tiến của Basel trong chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế.

Thời gian qua, OCB ưu tiên đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản trị rủi ro. Năm 2018, OCB đã hoàn thành các hạng mục quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II. Đến năm 2022, OCB tiếp tục nằm trong nhóm các ngân hàng đi đầu về triển khai Basel III. Ngày 12/4 vừa qua, ngân hàng cũng công bố hoàn thành triển khai và áp dụng nền tảng tính vốn điện toán đám mây theo Basel II nâng cao (phương pháp tiếp cận nội bộ - IRB), trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam hoàn thành tất cả các yêu cầu tiên tiến của Basel trong chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế.

Song Anh