Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số
Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ và đạt được những kết quả tích cực: Tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, tỷ lệ dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4; nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số….
Phát biểu khai mạc Sự kiện “Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng ngày 18/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nằm trong ưu tiên phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội 10 năm 2021-2030 của Đại hội XIII đã nhấn mạnh “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm của Quốc hội cũng đã đề ra nhiệm vụ “đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số”.
“Tiếp tục bám sát, triển khai định hướng, chỉ đạo và các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư (Đề án 06) và chủ đề “năm dữ liệu số 2023” đề ra tại Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Ngân hàng Nhà nước đã lựa Chủ đề thông điệp “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng – động lực thúc đẩy chuyển đổi số” cho sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023 hôm nay”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Sau 2 năm triển khai Kế hoạch chuyển đổi số (Quyết định 810/QĐ-NHNN), hoạt động chuyển đổi số của ngành Ngân hàng đã đạt được thành tựu trên nhiều mặt. Ngân hàng Nhà nước đã quán triệt chỉ đạo triển khai tích cực Đề án 06, ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai số 01/KHPH-NHNN-BCA với Bộ Công an gồm 11 nhóm nhiệm vụ lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể hướng tới việc ứng dụng dữ liệu dân cư để đem lại các tiện ích, lợi ích mới cho khách hàng.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm sạch 25 triệu khách hàng thông tin về tín dụng và phục vụ cho nhiều hoạt động nghiệp vụ khác.
Trong hoạt động chuyển đổi sô, các tổ chức tín dụng đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các công nghệ số tiên tiến như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo/học máy.... nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm – dịch vụ mang tính cá nhân hóa cao, phù hợp với nhu cầu, hành trình khách hàng.
Đến nay, nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư;…
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, những kết quả này đã được minh chứng qua những thông tin nổi bật như:
(i) Nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới;
(ii) Khoảng 74,63% người trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng;
(iii) 3,71 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở, trong đó hơn 70% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Bên cạnh đó, một số chỉ số đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng như tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, tỷ lệ dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4,...
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tại sự kiện “Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng 2023”, Phó Thủ tướng và các đại biểu cùng lắng nghe những phát biểu chia sẻ, tham luận của các đơn vị về kết quả chuyển đổi số ngành Ngân hàng sau 2 năm thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số, các tiết mục trình diễn về sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo...
"Sau khi kết thúc phần trình bày của các đơn vị, Ban lãnh đạo NHNN và tập thể, cán bộ ngành Ngân hàng rất mong nhận được những định hướng, chỉ đạo của Phó Thủ tướng đối với công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng, qua đó giúp ngành Ngân hàng tự hoàn thiện, đóng góp tích cực và ý nghĩa hơn nữa vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Ngày 11/5 được chọn là “Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng” với các lý do:
Đây là ngày Thống đốc NHNN, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Ngân hàng ký ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (tại Quyết định 810/QĐ-NHNN).
Việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng có thể xem là cột mốc đánh dấu rõ ràng nhất về kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, có ý nghĩa quan trọng giúp xác định rõ định hướng, kế hoạch triển khai của ngành Ngân hàng trong xu thế chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, tháng 5 cũng là tháng có nhiều sự kiện như thành lập ngành ngân hàng (ngày 6/5) và các hoạt động chuyển đổi số, do đó, việc lựa chọn ngày 11/5 là “Ngày chuyển đổi số” sẽ giúp cho việc tổ chức các hoạt động được thuận lợi và tạo hiệu ứng lan tỏa.