Tin Hiệp hội Ngân hàng

Giảm thiểu rủi ro rửa tiền từ buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật

Minh Ngọc 19/05/2023 07:30

Trong khuôn khổ dự án Bảo vệ  động vật hoang dã nguy cấp do USAID tài trợ, ngày 18/5, tại Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) tổ chức Hội thảo tập huấn “Tăng cường năng lực, giảm thiểu rủi ro rửa tiền từ buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật”.

dsc05199.jpg
Quang cảnh Hội thảo tập huấn

Tiếp nối thành công của hội thảo năm 2022, mục đích của hội thảo tập huấn năm 2023 tập trung vào 3 mục tiêu chính:

(1) Nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho các ngân hàng, các công ty Fintech về rủi ro rửa tiền liên quan đến buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật;

(2) Tuyên truyền thông điệp về nỗ lực phòng chống buôn bán động vật hoang dã, khuyến khích các tổ chức tài chính, công ty Fintech có lập trường không khoan nhượng đối với buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật;

(3) Tiếp tục vận động các ngân hàng trở thành Đại sứ chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và ủng hộ việc áp dụng các biện pháp phòng chống rửa tiền (PCRT) đối với tội phạm về động vật hoang dã và tuân thủ theo Quy tắc Ứng xử của doanh nghiệp về chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật thông qua các trường hợp kinh doanh cụ thể.

vnba.jpg
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, VNBA phát biểu khai mạc Hội thảo tập huấn

Tổng quan tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã tại Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội thảo tập huấn, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, VNBA cho biết, tội phạm liên quan đến động vật hoang dã đang là một vấn đề rất phức tạp và Việt Nam được nhận định là một trong những điểm đến, điểm trung chuyển chính, trong chuỗi cung ứng động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã.

Buôn bán trái phép động vật hoang dã là một loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và rất nghiêm trọng, có liên quan tới các loại tội phạm khác như: rửa tiền, trốn thuế, tham nhũng.

Các tổ chức tội phạm này thường lợi dụng các điểm yếu trong lĩnh vực tài chính để vận chuyển, cũng như che dấu các khoản tiền bất chính. Do đó, điều tra tài chính là công tác quan trọng để đánh giá và ngăn chặn tội phạm rửa tiền trong buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.

picture1.jpg

Bảo vệ môi trường, trong đó có bảo vệ các loài động vật hoang dã mang tính cấp thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trên toàn cầu.

ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, VNBA

Đặc điểm buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã là thông qua nhiều khâu, với nhiều đối tượng tham gia vào chuỗi cung ứng, bao gồm cả vận chuyển xuyên quốc gia. Do đó, việc theo dõi dòng tiền của các đối tượng tham gia vào đường dây này gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều đơn vị như: Hải quan, công an, ngân hàng, các công ty tài chính...

Về hình thức chuyển tiền, các đối tượng sử dụng cả hình thức phi chính thức và chính thức như: Chuyển tiền qua ngân hàng, qua các trung tâm chuyển tiền, chuyển qua di động...

Trong hoạt động ngân hàng, đại diện VNBA cho biết, hoạt động ngân hàng tiềm ẩn rủi ro rửa tiền cao, như: hoạt động chuyển tiền/thanh toán; thanh toán quốc tế/tài trợ thương mại; các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số.

nhnn.jpg
Bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, với sự nỗ lực của các cơ quan Chính phủ, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, sự tham gia của các hiệp hội ngành nghề, thời gian vừa qua, nhiều hoạt động nhằm phòng, chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật đã được tổ chức, trong đó nhiều chương trình tuyên truyền, đào tạo đã được triển khai góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của các cơ quan nhà nước, của các khu vực ngành nghề có liên quan và của cả cộng đồng trong công tác phòng, chống buôn bán động vật hoang dã.

"Trong bối cảnh hoạt động rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp, ở quy mô toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các quốc gia và đặc biệt nghiêm trọng đối với những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đảng, Quốc hội và Chính phủ cũng đã và đang có nhiều hành động thiết thực nâng cao hiệu quả công tác PCRT", đại diện NHNN chia sẻ.

wwf.jpg
Bà Michelle Owen, Giám đốc VPDA, Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, WWF chia sẻ tại Hội thảo

Đối với tình trạng buôn bán động vật hoang dã trên thế giới, bà Michelle Owen, Giám đốc VPDA, Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp WWF cho biết, việc buôn bán động vật hoang dã được kiểm soát thông qua các Công ước quốc tế và luật pháp quốc gia.

Hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và buôn bán động vật hoang dã qua biên giới được công nhận là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia rất lớn, tạo ra hàng tỉ đô la lợi nhuận phi pháp mỗi năm, thúc đẩy tham nhũng, phá hủy đa dạng sinh học và có thể có những tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng cũng như nền kinh tế.

picture11.jpg
Tội phạm sử dụng bẫy để săn bắt động vật hoang dã

Tội phạm buôn bán động vật hoang dã đã khai thác những điểm yếu trong lĩnh vực tài chính và phi tài chính, tạo điều kiện cho tội phạm về động vật hoang dã gia tăng, gây tổn hại đến liêm chính tài chính.

Bà Michelle Owen -  Giám đốc VPDA, Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, WWF

Hoạt động tửa tiền của loại hình tội phạm này xảy ra ở khắp các quốc gia được coi là địa bàn cung cấp đầu mối chung chuyển và đích đến trong chuỗi cung ứng thương mại trái pháp luật. Trong nhiều trường hợp, số tiền thu được sẽ vận chuyển đến quốc gia tiêu thụ hoặc những nước giáp ranh với nước đó. Việt Nam được coi là địa bàn cung cấp đầu mối chung chuyển và là điểm đến chính của hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật nên có nguy cơ cao là các tổ chức tài chính của Việt Nam có thể bị rửa tiền bởi hoạt động của tội phạm này.

Từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về PCRT

Thời gian qua, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao năng lực cho các định chế tài chính tham gia đấu tranh PCRT nói chung và PCRT từ buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật nói riêng.

Về khuôn khổ pháp lý liên quan đến PCRT nói chung, mới nhất có Luật PCRT số 14 ban hành ngày 15/11/2022; Nghị định số 19 ban hành ngày 28/4/2023 quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật phòng, chống rửa tiền năm 2022; Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số quy định về PCRT hiện cũng đang được NHNN lấy ý kiến, hoàn thiện và sắp ban hành.

Về khuôn khổ pháp lý chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã, có Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định rõ về các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; Nghị định số 06 năm 2019 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 84 năm 2021) quy định chi tiết về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước CITES; Nghị định số 35 năm 2019 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 07 năm 2022) quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Có thể nói, về cơ bản, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động PCRT nói chung và chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam đã tương đối đầy đủ, góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia.

Vai trò của ngành Ngân hàng đối với đấu tranh PCRT

Theo một cuộc điều tra gần đây do Học viện Ngân hàng thực hiện cho thấy, đến nay, có trên 60% cán bộ NHTM có hiểu biết cơ bản về các biện pháp và hoạt động PCRT liên quan đến buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã đang được triển khai. 84% cán bộ NHTM tham gia khảo sát nhận định buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật là một hoạt động tiềm ẩn rủi ro rửa tiền cao và trung bình cao. 73% cán bộ NHNN nhận định buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật là một hoạt động tiềm ẩn rủi ro rửa tiền cao và trung bình cao.

picture4.png

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, dù đã có nhận thức về các nguy cơ rửa tiền thông qua buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã, tuy nhiên, các quy định về PCRT liên quan tới buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã đã có nhưng chưa đầy đủ. Các quy định về PCRT hiện nay chỉ đề cập tới việc PCRT nói chung, chưa có quy định cụ thể liên quan tới buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã, do đó, chưa có hiệu quả cao trong công tác PCRT liên quan tới buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.

Đối với các ngân hàng, rủi ro về buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã phải được xem xét và ghi nhận là một phần trong khuôn khổ về rủi ro của ngân hàng và đánh giá chống rửa tiền. Các ngân hàng cần theo dõi để đảm bảo các loại giao dịch khớp với hồ sơ là bước đầu tiên để kiềm chế hoạt động buôn bán động vật bất hợp pháp.

Thêm vào đó, các ngân hàng cũng cần thẩm định chắc chắn khách hàng để đảm bảo các công ty không dùng vỏ bọc để che giấu hoạt động trái phép như buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã cũng là điều cần thiết.

picture7.png

Về mối liên hệ giữa công tác phòng, chống buôn bán động vật hoang dã và PCRT, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, đại diện NHNN thừa nhận, đây vẫn là vấn đề khá mới đối với lĩnh vực ngân hàng cũng như khu vực tư và khu vực công của Việt Nam. Trên cơ sở đó, được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, thời gian qua ngành Ngân hàng đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến khá hiệu quả nhằm giảm thiểu rủi ro rửa tiền từ buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Việc tổ chức Hội thảo ngày hôm nay là hành động hết sức thiết thực, chứng minh cho các hành động và quyết tâm của các tổ chức tài chính. 

picture9.jpg

Hội thảo tập huấn năm 2023 được tổ chức tại Vườn quốc gia Cúc Phương, đã thu hút sự tham dự của hơn 60 đại biểu đại diện tổ chức tài chính, bao gồm: ngân hàng, công ty dịch vụ, tổ chức tài chính, công ty Fintech khu vực Bắc, Bắc Trung Bộ. 

Sau hội thảo là chuyến thăm quan trải nghiệm thực tế tại các khu nuôi động vật hoang dã tại Vườn quốc gia để học viên tận mắt chứng kiến và nhận biết được các loại động vật hoang dã quý, hiếm, cần phải được bảo vệ.

luu-niem.jpg
Các đại biểu và học viên chụp hình lưu niệm tại Hội thảo tập huấn
qua-tang.jpg
Quà tặng cho các học viên trả lời đúng câu hỏi mini-game tại Hội thảo tập huấn

Thuật ngữ chuyên môn “giám sát và kiểm soát rủi ro” quá quen thuộc trong doanh nghiệp ngân hàng. Xu hướng PCRT, khuynh hướng chuyển đổi mô hình tuân thủ để đấu tranh với tội phạm rửa tiền, xây dựng kịch bản giám sát trên cơ sở rủi ro, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)/máy học (ML) vào hoạt động giám sát giao dịch đáng ngờ hỗ trợ cho các phương pháp thủ công... Tất cả cùng nhằm mục đích mang lại lợi nhuận phát triển bền vững.

Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến của VPDA, VNBA và Cục PCRT đã tổ chức Hội thảo tập huấn này ngay sau 2,5 tháng khi Luật PCRT 2022 đi vào hiệu lực. Đây là cơ hội tốt để các bên cùng chia sẻ thông tin nhằm giảm thiểu rủi ro rửa tiền từ buôn bán động vật hoang dã trái phép. "Hiểu đúng và làm trúng cần bắt đầu từ nhận thức".

Bà Trần Thị Nam Hà, Phó Giám đốc, Ban quản lý dự
án Trung ương/Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp (CPMU/MBFP)

Đối với ngành Tài chính - ngân hàng, sự phát triển về sản phẩm, dịch vụ và công nghệ thông tin thời gian qua đã giúp cho các ngân hàng, các trung gian thanh toán, các công ty dịch vụ, tổ chức tài chính, công ty Fintech phát triển mạnh, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho tội phạm lạm dụng để rửa tiền. Theo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, ngành Ngân hàng là một trong số ít các lĩnh vực ở Việt Nam bị đánh giá là có rủi ro cao về rửa tiền.

Theo quy định của pháp luật, chúng ta cần xây dựng và tổ chức triển khai quy định về PCRT trong nội bộ đơn vị, trong đó điển hình là các nghĩa vụ liên quan đến đánh giá rủi ro, rà soát, phát hiện và báo cáo giao dịch đáng ngờ, báo cáo giao dịch tiền mặt có giá trị lớn, báo cáo chuyển tiền điện tử cho Cục PCRT. Theo đó, ngành Ngân hàng cũng đã và đang có rất nhiều nỗ lực để triển khai ngày càng có hiệu quả hơn công tác PCRT.

Bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng
chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước

Dự án bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp rất vui khi được hợp tác với VNBA để nâng cao nhận thức về những lo ngại về rửa tiền liên quan đến tội phạm về động vật hoang dã. Chúng tôi mong muốn, lĩnh vực tài chính sẽ hỗ trợ việc xác định, đánh giá và tăng cường hiểu biết về rủi ro rửa tiền, đặc biệt liên quan đến buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật để có thể áp dụng các hành động và biện pháp giảm thiểu rủi ro phù hợp.
Tôi hy vọng thông tin ngày hôm nay là hữu ích và đây là bước đầu tiên trong việc xác định các cách để đảm bảo rằng việc rửa tiền và tội phạm thông qua các tổ chức tài chính ở Việt Nam bị ngăn chặn.

Bà Michelle Owen, Giám đốc VPDA, Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, WWF

Minh Ngọc