Tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất 2%
Ngày 19/5, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị trực tuyến về “Tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ".
Phát biểu khai mạc hội nghị Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, việc triển khai hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP (Nghị định 31) luôn là vấn đề nóng được xã hội quan tâm.
Ngay từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết, ngành Ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt, truyền thông rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức nhiều hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai… “Có thể nói, chưa có chính sách nào lại được triển khai nhiều hội nghị như Nghị định 31”, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chia sẻ.
Mặc dù ngành Ngân hàng đã quyết liệt triển khai, tuy nhiên, Phó Thống đốc cho biết, kết quả đạt được đến nay chưa như mong muốn. Theo tính toán, sẽ có hàng triệu doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách, cùng hàng triệu dư nợ tín dụng được thực hiện, tuy nhiên, đến nay con số hỗ trợ còn nhỏ.
Báo cáo tóm tắt tình hình triển khai hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cũng khẳng định, kể từ khi Nghị định 31 được ban hành (ngày 20/5/2022), ngành Ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và khẩn trương để đưa chính sách vào cuộc sống.
Cụ thể, NHNN đã tổ chức 4 hội nghị toàn quốc, trong đó có 1 hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành, địa phương và các NHTM do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì để quán triệt, phổ biến, thống nhất triển khai chính sách...
Cùng với đó, NHNN cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo các TCTD thực hiện chính sách. Các bộ, ngành cũng đã phối hợp tích cực với NHNN để tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM trong quá trình thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất.
Dù ngành Ngân hàng đã vào cuộc tích cực, cùng với sự hỗ trợ của các bộ, ngành nhưng bà Hà Thu Giang cho biết, kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng. Theo số liệu tạm tính, đến cuối tháng 4/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 105.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 52.000 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng lũy kế từ đầu chương trình đến nay đạt khoảng 409 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,02% nguồn lực bố trí để thực hiện chính sách (40.000 tỷ đồng).
Phát biểu tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các ngân hàng đều cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 31 và NHNN ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN, các ngân hàng đã lập tức triển khai xây dựng quy trình hỗ trợ lãi suất ban hành và triển khai trong toàn hệ thống. Trong quá trình thực hiện, các ngân hàng cũng dành nhiều buổi tập huấn cho nhân viên, đồng thời tổ chức nhiều hội nghị/hội thảo để tuyên truyền và giải đáp thắc mắc cho khách hàng....
Mặc dù đã tích cực triển khai nhưng lãnh đạo các ngân hàng đều cho biết, kết quả chưa đạt kỳ vọng.
Cụ thể, tại VietinBank, đến nay có 96/155 chi nhánh đã triển khai thực hiện hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng theo Nghị định 31. Tuy nhiên, mới chỉ có 224 khách hàng vay, quy mô dư nợ hỗ trợ lãi suất là 12.300 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng là 96 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt khoảng 24.000 tỷ đồng.
Đại diện lãnh đạo BIDV cho biết, tính đến ngày 30/4, doanh số cho vay đạt khoảng 12.903 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt 4.960 tỷ đồng, tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng là 52,2 tỷ đồng, trong đó tập trung vào các ngành: công nghiệp chế biến chế tạo; nông, lâm, thủy sản, hàng không; kho bãi…
Tại Agribank, lãnh đạo ngân hàng cho biết, đến ngày 18/5, ngân hàng đã hỗ trợ được 879 khách hàng, doanh số cho vay đạt 9.500 tỷ đồng, dư nợ là 4.800 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất đạt 44 tỷ đồng.
Với Vietcombank, đại diện lãnh đạo ngân hàng cho biết, doanh số hỗ trợ lãi suất kể từ đầu chương trình đến nay đạt khoảng 11.300 tỷ đồng, tổng số tiền hỗ trợ lãi suất là 59 tỷ đồng. Riêng 4 tháng đầu năm 2023, số tiền sử dụng để hỗ trợ lãi suất là 46 tỷ đồng, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt 6.400 tỷ đồng.
Đại diện cho khối ngân hàng nước ngoài, đại diện HSBC Việt Nam cho biết, doanh số hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đến nay đạt gần 19.400 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 9.700 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng là 56 tỷ đồng.
Lý giải kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, có một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, đó là: Bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi so với khi xây dựng chương trình; khách hàng không đáp ứng điều kiện hỗ trợ lãi suất; khách hàng đáp ứng được điều kiện hỗ trợ lãi suất nhưng lại có tâm lý e ngại công tác thanh kiểm tra, hậu kiểm; khó đánh giá về khả năng “phục hồi” trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, bất định…
Do đó, để triển khai chương trình đạt hiệu quả cao, đại diện các ngân hàng đề nghi, Chính phủ, NHNN tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, sớm có các tiêu chí hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ công tác truyền thông để khách hàng hiểu hơn về ý nghĩa của chương trình.
Từ thực tế các ngân hàng đang triển khai, bà Hà Thu Giang cho biết, với các khó khăn vướng mắc và đánh giá khả năng giải ngân hỗ trợ lãi suất, các NHTM dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất trong năm 2023 khoảng 2.435 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kết quả thực tế triển khai trong 4 tháng đầu năm 2023 (bình quân 1 tháng đạt khoảng 69 tỷ đồng) thì khả năng đạt được số dự kiến như đánh giá trên là rất khó.
Kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đánh giá, đây là giai đoạn hết sức khó khăn đối với nền kinh tế, rất nhiều doanh nghiệp đình đốn, có nhiều doanh nghiệp phải sa thải công nhân… Do đó, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành.
Trong bối cảnh hiện nay áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ là rất lớn. Điều hành chính sách tiền tệ đang gặp áp lực từ cả bên trong lẫn bên ngoài, nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu nhưng nếu lãi suất vẫn cứ tăng thì không có tăng trưởng, ngân hàng không có doanh nghiệp cũng không thể “sống” được. Tuy nhiên, nếu nới lỏng, thì tương lai nợ xấu ngành Ngân hàng sẽ phải gánh chịu rất nặng nề.
“Các ngân hàng cần suy nghĩ làm gì để đảm bảo an toàn hoạt động nhưng vẫn hỗ trợ được doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú gợi mở.
Trên cơ sở đó, Phó Thống đốc đề nghị, toàn hệ thống tập trung vào một số nhiệm vụ như: Các ngân hàng phải coi trọng công tác tín dụng, tập trung tối đa vào công tác tín dụng, đánh giá nhận định, phân tích thị trường, để hỗ trợ khách hàng.
Về vấn đề hạ lãi suất, bản thân ngân hàng phải thấy được hỗ trợ khách hàng bản chất là hỗ trợ ngân hàng lâu dài. Đề nghị các ngân hàng tiếp tục thực hiện chính sách giãn hoãn nợ. Phó Thống đốc cho biết, sắp tới sẽ có Chỉ thị của Thống đốc để ngân hàng triển khai cơ cấu nợ một cách có trách nhiệm.
Về cho vay bất động sản, cho vay nhà ở xã hội, cũng cần triển khai tốt, mạnh dạn nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng. 4 NHTM nhà nước tiếp tục đẩy mạnh triển khai gói 120.000 tỷ đồng.
Về triển khai Nghị định 31, Phó Thống đốc nhấn mạnh, Nghị định 31 là chính sách rất quan trọng và cần tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt. Xác định triển khai đúng tinh thần, tiếp tục coi đây là nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm. Các ngân hàng phải có trách nhiệm, chủ động tiếp cận hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ lãi suất theo quy định, không bị động ngồi chờ khách hàng đến.
Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông về chính sách, đẩy mạnh hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để tăng cường nắm bắt thông tin của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. “Nếu như có khách hàng thuộc đối tượng ngân hàng không hỗ trợ thì ngân hàng chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN và pháp luật”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Đối với các chi nhánh NHNN, Phó Thống đốc yêu cầu, tăng cường giám sát, kiểm tra, phát hiện trường hợp ngân hàng từ chối hỗ trợ khách hàng, báo cáo lãnh đạo NHNN để có biện pháp xử lý.
Còn đối với các bộ, ngành, địa phương, Phó Thống đốc đề nghị tiếp tục phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31.