Tài chính số giúp người dân tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng nhanh và thuận lợi hơn
Sự phát triển nhanh chóng và không ngừng của kỷ nguyên số đã tạo ra sự thay đổi vượt bậc trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện. Các sản phẩm dịch vụ tài chính trên nền tảng số đang giúp giảm bớt các rào cản chính trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện, qua đó giúp tăng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính có chất lượng cho người dân.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm “Tăng cường tài chính số - Thúc đẩy tài chính toàn diện cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam” do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp với Quỹ châu Á (TAF) tại Việt Nam vừa tổ chức, ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua, sự phát triển nhanh chóng và không ngừng của kỷ nguyên số đã tạo ra sự thay đổi vượt bậc trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện.
“Tài chính số hay là việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính trên các nền tảng số đã được chứng minh giúp giảm bớt các rào cản chính trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện, qua đó giúp tăng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính có chất lượng cho người dân”, ông Tô Huy Vũ nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vừa qua, tài chính số càng cho thấy tầm quan trọng trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện và hiệu quả, nhất là thời điểm giãn cách xã hội, thông qua các nền tảng số như: thiết bị di động, mạng internet, thẻ liên kết với các hệ thống thanh toán số... mà không cần đến tiền mặt cũng như các điểm giao dịch ngân hàng truyền thống.
Cũng theo ông Tô Huy Vũ, ở Việt Nam, kết quả phát triển tài chính số là một trong những thành công của chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số của Đảng và Chính phủ. NHNN đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với quan điểm lấy người dân làm trung tâm và cung cấp tiện ích, thuận tiện cho người dùng là thước đo hiệu quả chuyển đổi số.
Số liệu được bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN đưa ra tại buổi tọa đàm cho thấy, đến cuối tháng 12/2022, 82 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, đạt 1.404,4 triệu giao dịch với giá trị khoảng 55,2 triệu tỷ đồng; 52 ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động, đạt 4.983,3 triệu giao dịch với giá trị khoảng 48,8 triệu tỷ đồng; 27 ngân hàng và 22 tổ chức phát hành thẻ đã triển khai mở tài khoản thanh toán/phát hành thẻ cho khách hàng bằng phương thức điện tử (e-KYC), đạt hơn 8,7 triệu tài khoản đang hoạt động và khoảng 18,6 triệu thẻ (chiếm gần 5,8% tổng số lượng thẻ đang lưu hành trên thị trường).
Ngoài 48 tổ chức không phải ngân hàng được cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và 3 doanh nghiệp viễn thông được cấp giấy phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money, đã có hơn 8.800 điểm kinh doanh được thiết lập, hơn 15.000 đơn vị chấp nhận thanh toán; hơn 2,83 triệu tài khoản Mobile-Money được mở, đạt hơn 19 triệu giao dịch với tổng giá trị khoảng 1.268 tỷ đồng.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Hoàng Minh Tế, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết, trong những năm qua, NHCSXH đã tiến hành thực hiện các bước đi cần thiết để tăng cường phát triển tài chính toàn diện trong cộng đồng khách hàng của ngân hàng góp phần thực hiện vào quá trình thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020.
Với việc triển khai Dự án Mobile Banking, từ năm 2017, NHCSXH đã tiến hành triển khai công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, bắt đầu với dịch vụ tin nhắn SMS với nội dung nhắc lịch trả nợ, nhắc nợ và số dư tài khoản hàng tháng. Qua đó, nâng cao được tính minh bạch và hiệu quả hoạt động, giúp khách hàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính toàn diện, đồng thời cải thiện chất lượng tín dụng và tăng hiệu quả chi phí cho cả khách hàng và ngân hàng.
“Sau gần 4 năm triển khai dịch vụ tin nhắn SMS, tính đến tháng 6/2022, đã có gần 32 triệu tin nhắn được gửi thành công đến gần 5,9 triệu khách hàng có đăng ký số điện thoại di động với ngân hàng (chiếm 90% tổng số khách hàng của NHCSXH). Đối với khách hàng, nhận tin nhắn thông báo một tháng trước ngày trả nợ và đóng tiết kiệm đã giúp họ chủ động hơn và lập kế hoạch tốt hơn trong quản lý và tài chính và tiết kiệm”, ông Hoàng Minh Tế chia sẻ.
Nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ trên nền tảng công nghệ tiên tiến, tăng cường và cải thiện sự tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho người nghèo và các đối tượng yếu thế, NHCSXH đã ra mắt ứng dụng VBSP SmartBanking - dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động thông minh (Mobile banking) giúp khách hàng giao dịch với NHCSXH mọi lúc, mọi nơi.
Ông Hoàng Minh Tế cho biết, sau gần 3 tháng triển khai ứng dụng VBSP Smartbanking đã có 75.000 tài khoản, phát sinh hơn 642.000 giao dịch, tương ứng với số tiền hơn 5.400 tỷ đồng. Ứng dụng VBSP SmartBanking bước đầu hứa hẹn các tác động tích cực, giúp người dân, đặc biệt là phụ nữ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn nữa với các dịch vụ tài chính đa dạng và hiệu quả, góp phần kết nối người dân ở các địa bàn của NHCSXH với nền kinh tế số.
Bên cạnh nhiều kết quả đáng khích lệ đã đạt được nhờ có tài chính số, TS Nguyễn Thị Hiền cho biết, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra, đó là: Thách thức về quản lý, giám sát, bảo mật, minh bạch thông tin, an toàn hệ thống, chất lượng cơ sở hạ tầng, cũng như niềm tin, hiểu biết, năng lực của khách hàng vào hệ thống tài chính – ngân hàng; thách thức về bảo vệ người tiêu dùng tài chính; rủi ro về tính mới của sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp do khách hàng không quen thuộc với các sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp mới nên dễ bị khai thác và lạm dụng...
Cùng với đó là việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác còn chưa hoàn thiện. Người dân, doanh nghiệp còn thiếu kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính và không ít người e ngại khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến công nghệ.
Để vượt qua thách thức trên, TS. Nguyễn Thị Hiền kiến nghị, cần sớm hoàn thiện quy định pháp lý điều chỉnh các sản phẩm, dịch vụ tài chính số và các tổ chức cung ứng sản phẩm dịch vụ, tài chính số. Đồng thời nâng cao hiểu biết cho người tiêu dùng tài chính, và tạo lập thị trường cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính số lành mạnh, minh bạch.