Vấn đề - Nhận định

Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành: Tích cực dài hạn

HUỲNH HOÀNG PHƯƠNG (*) 24/05/2023 14:59

Từ ngày 25/5/2023, 2 Quyết định hạ loạt lãi suất điều hành mà Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành sẽ có hiệu lực.

Theo đó, ngày 23/5/2023 NHNN đã ban hành 2 Quyết định số 950 và 951 về các mức lãi suất điều hành và lãi suất huy động tối đa. Mức lãi suất mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 25/5/2023 (thứ 5 tuần này).

tien.jpeg
Tín dụng hấp thụ kém liệu sẽ thay đổi khi lãi suất thay đổi?

Sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi

Với Quyết định điều chỉnh giảm 0,5% đối với các lãi suất: (1) trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; (2) lãi suất tái cấp vốn; (3) lãi suất liên ngân hàng qua đêm; có thể thấy khi có hiệu lực, mức lãi suất điều hành và trần lãi suất sau 25/05 gần tương đương mức giảm hỗ trợ nền kinh tế lúc ban đầu do ảnh hưởng COVID - 17/3/2020.

Nhìn dài hơi hơn trong lịch sử của các lãi suất điều hành thì đây là giai đoạn chính sách tiền tệ hỗ trợ cho nền kinh tế và thấp hơn đa phần chính sách áp dụng theo diễn biến gần 15 năm của các loại lãi suất này.

nhnn-ha-lai-suat-dieu-hanh(1).jpg
Diễn biến lãi suất điều hành của NHNN từ 2008-nay

Tuy nhiên, cần lưu ý các lãi suất điều hành theo Quyết định 950 là dành cho thị trường 2 (giữa các tổ chức tín dụng và NHNN). Chúng tôi đánh giá việc tác động đủ mạnh tới nền kinh tế qua thị trường 1 sẽ chưa quá lớn nếu tính việc giảm lãi suất này là riêng lẻ, vì:

Thứ nhất, hệ thống NHTM Việt Nam phụ thuộc nhiều vào cung tiền và room tín dụng nhiều hơn là lãi suất điều hành.

Thứ hai, khi nền kinh tế đang trong đà suy giảm thì khả năng hấp thụ vốn sẽ kém hơn.

Thứ ba, khi rủi ro gia tăng thì các điều kiện tín dụng của các tổ chức tín dụng cũng tương đối khắt khe hơn.

Do đó, chính sách sẽ cần đồng bộ với việc tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và mở các điều kiện tín dụng (Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong Công văn 439 gần đây) và kết hợp với việc NHNN tiếp tục mua USD, tăng cung VND ra thị trường 1 (đây cũng là biện pháp NHNN đang tiến hành).

Nên xét tổng thể chính sách thì các nhà điều hành đang nỗ lực hỗ trợ cho nền kinh tế chuẩn bị đầu giai đoạn phục hồi.

Tăng khả năng tiếp cận vốn chi phí thấp hơn

Theo Quyết định NHNN quy định, trần lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm xuống mức 5,0%. Chúng tôi cho rằng điều này sẽ giúp kéo mặt bằng lãi suất huy động xuống trong thời gian sắp tới khi đa số ngân hàng thương mại vẫn còn huy động tiết kiệm quanh mức 5,0%-5,5% cho các kỳ hạn 1 hoặc 3 tháng. Do đó, các ngân hàng sẽ điều chỉnh các mức lãi suất này từ ngày 25/05/2023.

muc-giam-lai-suat.jpg
Chi tiết về các mức lãi suất điều hành được áp dụng theo các Quyết định

Tuy nhiên, NHNN vẫn quyết định không can thiệp vào trần lãi suất huy động kỳ hạn dài hơn (cụ thể là từ 6 tháng đến dưới 12 tháng) vốn được nhiều bên kỳ vọng sẽ tác động mạnh hơn đến lãi suất cho vay toàn thị trường.

Loại trần lãi suất này vốn được NHNN giới thiệu tháng 10/2011 khi quyết định can thiệp mạnh vào lãi suất huy động thị trường 1 nhằm "giải cứu" nền kinh tế khi đó.

Dù vậy, chúng tôi cho rằng việc NHNN không áp dụng quá nhiều chính sách mang tính "hành chính" là điều tốt hơn trong giai đoạn hiện nay lẫn dài hạn; vì lúc này đã có nhiều điểm nhau lớn so với thời điểm 2011, và nhà điều hành cũng đang sử dụng các chính sách mang tính thị trường hơn.

Về tác động đến thị trường và các kênh đầu tư, trong dài hạn các quyết định hiện nay sẽ mang đến hiệu ứng tích cực tương tự giai đoạn cuối 2012. Tuy nhiên trong ngắn hạn sẽ khá khó dự báo Nguyên do: Các thông tin dự báo về việc hạ lãi suất đợt này đã lan khá rộng trên thị trường từ tuần trước nên khó tạo yếu tố quá bất ngờ.

Ngoài ra, nhiều biến số kinh tế Mỹ trong tuần này có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường như (1) đàm phán về trần nợ công vẫn chưa có nhiều tiến triển quá tích cực (2) FOMC họp trong tuần (3) PCE và số liệu việc làm Mỹ cũng sẽ ra trong tuần.

Đối với nền kinh tế, các quyết định sẽ mang đến cơ hội vốn cho các doanh nghiệp với chi phí thấp hơn (kỳ vọng), trong bối cảnh áp lực lãi vay và thanh toán của doanh nghiệp khá lớn; cùng với đó nhiều khu vực doanh nghiệp vẫn đang phụ thuộc/ trông chờ nguồn vốn tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

(*) TP Nghiên cứu & Phân tích Đầu tư FIDT.

HUỲNH HOÀNG PHƯƠNG (*)