Chuyên gia: Giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Ngày 25/5, các quyết định giảm lãi suất được NHNN công bố chính thức có hiệu lực. Trong bối cảnh hiện nay, giới chuyên môn cho rằng, giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thay vào đó cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Ngày 23/5/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành một loạt các Quyết định về việc điều chỉnh các mức lãi suất áp dụng từ 25/5/2023, cụ thể:
Quyết định số 950/QĐ-NHNN ngày 23/05/2023 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng. Theo đó, giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng giảm từ 6,0%/năm lên 5,5%/năm.
Quyết định số 951/QĐ-NHNN ngày 23/05/2023 về mức về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 háng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Đánh giá về các quyết định này, Công ty chứng khoán (CTCK) ACB (ACBS) cho rằng, việc NHNN giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bởi, sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam đều đang đối mặt với sự suy giảm hoạt động. Do đó, người dân sẽ không có nhu cầu vay nợ để chi tiêu thêm và doanh nghiệp cũng không có ý định vay vay nợ để mở rộng hoạt động sản xuất.
Theo ACBS, giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng. Bởi, ngành sản xuất của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.
“Vì vậy, chúng ta có thể phải đợi sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đó. Bên cạnh đó, khi ngành sản xuất hồi phục, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng phục hồi. Những tác động trên mới là điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023”, ACBS nhận định.
Bên cạnh đó, ACBS cũng cho biết, gần đây Chính phủ đã can thiệp để hỗ trợ kích thích tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách khác như Nghị định 12/2023/N-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và phí thuê đất trong năm 2023 và đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% cho tất cả các hàng hóa và dịch vụ.
ACBS kỳ vọng những chính sách này sẽ giúp bù đắp cho sự suy giảm tiêu dùng nội địa. Hơn nữa, Chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng và giải phóng dòng vốn.
Cuối cùng, Chính phủ dự định đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2023, đây cũng là một động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023.
Trong một báo cáo vừa công bố, CTCK BIDV (BSC) cho rằng việc hạ lãi suất điều hành tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ xuống, giúp chi phí sử dụng dòng vốn thấp. Từ đó, các doanh nghiệp có thể cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh. Đồng thời, người dân có thể quyết định tiêu dùng nhiều hơn chi chi phí vay vốn thấp. Hiện tượng này sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng khối lượng đơn hàng cho doanh nghiệp.
Dưới góc nhìn của chuyên gia phân tích, ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, tính đến ngày 27/4, tăng trưởng tín dụng đạt 3,04% cho thấy nhu cầu tín dụng nền kinh tế thấp với dự báo nền kinh tế đặc biệt là hoạt động sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.
Cùng lúc, lãi suất huy động tại hệ thống ngân hàng trong các tháng gần đây cũng đã nhanh chóng hạ nhiệt với mức giảm trung bình 80-100 điểm tuỳ từng kỳ hạn, cá biệt mức điều chỉnh tại một số ngân hàng vừa và nhỏ lên tới 150 điểm-180 điểm. Đây là điều kiện cần thiết để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay vốn có độ trễ từ 3-6 tháng so với lãi suất huy động.
"Như vậy, có thể kỳ vọng giai đoạn tới đây mặc dù có độ trễ, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ được cải thiện đặc biệt trong các tháng cuối năm. Đi cùng với các biện pháp quyết liệt từ các chính sách tài khoá như giảm thuế, tăng lương, tích cực tháo gỡ khó khăn trong hoạt động giải ngân đầu tư công, cơ quan quản lý đang cho thấy quyết tâm trong việc hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng", ông Trần Minh Hoàng nhận định.