Vấn đề - Nhận định

Cần đẩy nhanh giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công

T.H 26/05/2023 09:33

Theo một số đại biểu Quốc hội, giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng đồng nghĩa với việc không thực hiện được các mục tiêu để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội và tạo việc làm cho lao động. Vì vậy, Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ thực hiện nhanh việc giải ngân đầu tư công, kịp thời các giải quyết những vướng mắc về thủ tục hành chính...

dau-tu-cong.jpg
Hình minh họa. Nguồn: Internet

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023, do Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Minh Khái thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV cho biết, trong bối cảnh rất khó khăn, chúng ta vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch. Nhiều chỉ tiêu tốt hơn số đã báo cáo Quốc hội…

Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, khó khăn được chỉ ra. Một trong những hạn chế đó là vấn đề giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu….

Đồng thuận với kết quả thực kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023 như Chính phủ báo cáo, phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Khuất Việt Dũng - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, còn 2/15 chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng năng suất lao động và tỷ trọng công nghiệp, chế biến, chế tạo trong GDP (chỉ đạt 24,76% thấp hơn mục tiêu đề ra (25,5-25,8%). Cả hai chỉ tiêu này đều phản ánh chất lượng tăng trưởng và chất lượng nền kinh tế còn hạn chế.

Việc phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều điểm nghẽn chưa được giải quyết dẫn đến chính sách tài khóa chưa được phát huy. Chính sách, giải ngân các vốn đầu tư công còn chậm. Việc dự báo chưa sát, phản ứng của các Bộ ngành còn lúng túng trong giải ngân nguồn vốn.

Để khắc phục thực tế trên, đại biểu Khuất Việt Dũng yêu cầu Chính phủ cần đẩy nhanh giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Ngoài ra, các bộ, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết vướng mắc, khó khăn cho các địa phương.

250520231209-cqh01044(1).jpg
Đại biểu Phạm Đức Ấn – Đoàn đại biểu TP. Hà Nội, Chủ tịch HĐTV Agribank, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ, đại biểu Phạm Đức Ấn – Đoàn đại biểu TP. Hà Nội, Chủ tịch HĐTV Agribank, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, dù Chính phủ đã rất cố gắng nỗ lực nhưng kết quả đạt được lại không mấy khả quan. Từ đầu năm 2023, nhiều khó khăn đã lộ diện. Doanh nghiệp dù cố cầm cự sản xuất nhưng sản phẩm sản xuất ra cũng không bán được, vì lượng tồn kho quá lớn do xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, xuất phát từ lượng cầu giảm thấp.

Từ thực trạng này, đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, lúc này động lực tăng trưởng kinh tế phải xuất phát từ trong nước, nên giải pháp lớn nhất lúc này là tăng chi tiêu từ ngân sách cũng như tăng chi tiêu đầu tư công. Do vậy, cần đổi mới thể chế để giải ngân nhanh vốn đầu tư công.

Đưa ra quan điểm về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội chỉ ra rằng, năm 2022, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia tiếp tục giảm và trong giới hạn an toàn (tỷ lệ nợ công là 38% GDP; nợ Chính phủ là 34,7% GDP; nợ nước ngoài là 36,8% GDP). Bên cạnh đó, thu ngân sách Nhà nước tăng 12,5%. Đây là yếu tố rất có lợi để nước ta đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư công. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng mới đạt 15,65% kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ (18,48%).

“Nếu giải ngân đầu tư công chậm thì cũng đồng nghĩa là chúng ta đang làm lãng phí thời gian, kinh phí và cơ hội hưởng lợi của nhiều người dân. Ngoài ra, việc giải ngân chậm cũng đồng nghĩa với việc không thực hiện được các mục tiêu để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội và tạo việc làm cho lao động. Vì vậy, Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ thực hiện nhanh việc giải ngân đầu tư công, kịp thời các giải quyết những vướng mắc về thủ tục hành chính...”, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh nêu quan điểm.

Còn theo đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, nếu không có giải pháp quyết liệt để khai thông các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, trong nước và quốc tế thì việc triển khai thực hiện là rất khó khăn. Chưa kể đến các thủ tục hành chính, dưới quy hoạch cần có kế hoạch thực hiện, phương án thực hiện. Vì vậy, cần có các biện pháp tập trung tháo gỡ ngay, không sẽ rất khó khăn khi triển khai.

Trong khi đó, đại biểu Lê Văn Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, trong năm qua cũng như những tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản gần như “đóng băng”, việc giải ngân vốn đầu tư công tương đối chậm, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những người công nhân bị mất việc làm, giảm thu nhập. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ bị đình đốn, hoạt động kinh doanh sản xuất ở các nhà hàng, các điểm du lịch còn gặp nhiều thách thức.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, đại biểu cho rằng, một trong những lý do là bởi hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng nhà ở, quy hoạch có không ít mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, dẫn đến rất khó khăn trong việc áp dụng thực thi hiệu quả trong thực tiễn.

Chính việc chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không rõ ràng trong một số quy định đã dẫn đến tình trạng một số cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền đùn đẩy công việc, không dám chịu trách nhiệm, không dám quyết định, tạo khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những giá cả nguyên liệu đầu vào biến động tăng cao gây khó khăn cho quá trình sản xuất kinh doanh.

Để khắc phục những bất cập này, đại biểu Lê Văn Dũng đề xuất sớm sửa đổi, bổ sung các Nghị định, Thông tư, văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, bất cập để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt trong việc giải ngân vốn đầu tư, gia tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp.

Liên quan tới vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công thời gian vừa qua, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Nghiệm - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị, Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đồng thời chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải…

Theo Chương trình kỳ họp thứ 5, vào ngày 31/5, Quốc hội sẽ thảo luận ở Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.

T.H