Thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển vượt bậc
Ngày 25/5, Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) phối hợp cùng nhóm nghiên cứu tổ chức Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu Dự án khoa học và công nghệ cấp Bộ “Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) cho biết, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đóng vai trò quan trọng, giúp luân chuyển hiệu quả các nguồn vốn trong xã hội một cách an toàn, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro.
Vai trò này hiện nay ngày càng thể hiện rõ nét hơn trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. TTKDTM là một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp và nhiều thách thức trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh, cũng như xu hướng thanh toán trên thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Tại Việt Nam, hoạt động TTKDTM thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và công nghệ, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, phương tiện mới an toàn, tiện lợi...
Tính đến nay, có 11,9 triệu tài khoản được mở bằng phương thức eKYC, trong đó có 10,8 triệu tài khoản đang hoạt động; thanh toán bằng phương thức QR Code tăng trưởng trong suốt giai đoạn 2020 - 2023; 90% giao dịch khách hàng của một số ngân hàng được thực hiện qua kênh số, nhiều dịch vụ của ngân hàng đã 100% số hoá hoàn toàn. Hiện nay, 3 nhà mạng được thí điểm triển khai Mobile Money và đã có 2,835 triệu tài khoản được mở, 71% số tài khoản và hơn 62% điểm giao dịch được mở ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hiền cho biết, trên thực tế việc phát triển TTKDTM vẫn đang là một thách thức lớn đối với Chính phủ và các cơ quan hoạch định chính sách nhằm đảm bảo mục tiêu tài chính toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển của các phương tiện, dịch vụ TTKDTM, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, do đó các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao cần tiếp tục được tăng cường.
Do đó, việc nghiên cứu Dự án “Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030” để xác định định hướng, giải pháp phát triển TTKDTM tại Việt Nam trong thời gian tới là hết sức cấp bách.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN trình bày kết quả nghiên cứu của Dự án. Theo đó, dựa trên kết quả triển khai Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhóm nghiên cứu nhận thấy, sau 5 năm triển khai hoạt động TTKDTM tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, về cơ bản đã đạt được các mục tiêu tổng quát đề ra.
Cụ thể, khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động TTKDTM đã cơ bản được bổ sung, hoàn thiện. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về TTKDTM được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán tuy chưa được như kỳ vọng, nhưng có xu hướng giảm dần qua các năm.
Cùng với đó, công tác đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả hoạt động của các hệ thống thanh quyết toán, các dịch vụ, phương tiện TTKDTM được coi trọng và tăng cường. Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM (nhất là thanh toán điện tử) tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TTKDTM cũng ngày được quan tâm, đẩy mạnh.
Ngoài ra, thanh toán điện tử có sự phát triển mạnh mẽ; số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua Internet Banking, Mobile Banking tăng trưởng mạnh; các hệ sinh thái thanh toán số đang dần được hình thành và phát triển, tạo cơ sở và tiền đề cho sự phát triển ngân hàng số.
Thanh toán thẻ, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ tăng trưởng nhanh; tỷ lệ người dân có tài khoản tại ngân hàng ở mức khá cao. Các dịch vụ, phương tiện thanh toán được phát triển mạnh và đa dạng.
Hoạt động quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực thanh toán, trung gian thanh toán được quan tâm và tăng cường, góp phần bảo đảm sự hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả của hoạt động thanh toán trong nền kinh tế, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm kinh tế.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra một số vướng mắc, hạn chế trong việc phát triển TTKDTM liên quan đến hành lang pháp lý; về cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động thanh toán; thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển; việc triển khai TTKDTM trong lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội còn khá khiêm tốn.
Bên cạnh đó, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu, cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát cần được tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng tình hình thực tế.
Thời gian tới, để phát triển hoạt động TTKDTM trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhóm nghiên cứu Dự án xác định tập trung vào xây dựng 07 nhóm giải pháp quan trọng và toàn diện bao gồm: Hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách về TTKDTM; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0; đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong TTKDTM và tăng cường cơ chế phối hợp thúc đẩy TTKDTM.