Hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động phá sản doanh nghiệp
Luật Phá sản năm 2014 được ban hành đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường pháp chế Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp… Tuy nhiên, đến nay có không ít quy định đã không còn theo kịp với sự phát triển của thực tiễn, đòi hỏi cần tiếp tục có những giải pháp khắc phục kịp thời.
Sáng 26/5, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về hoàn thiện pháp luật phá sản doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay”. TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì Hội thảo.
Từ thực tiễn áp dụng pháp luật, TS. Nguyễn Hải An, Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Tòa án các cấp vẫn có sự không thống nhất quan điểm áp dụng pháp luật khi đánh giá, xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Để khắc phục thực trạng nêu trên, có ý kiến cho rằng: “Đề nghị sửa Điều 4 Luật Phá sản 2014 theo hướng tăng thời hạn không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 6 tháng hoặc 1 năm, tức là chỉ được yêu câu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời gian 6 tháng hoặc 01 năm kể từ ngày đến hạn thanh toán”.
Ý kiến khác cũng cho rằng: “Cần xem xét quy định lại tiêu chí để đánh giá “doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán” theo hướng tăng lên thời gian để doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ thời gian cần thiết thực hiện nghĩa vụ thanh toán đã đến hạn theo yêu cầu của chủ nợ cũng như thực hiện việc xoay vòng vốn nhằm phục vụ cho kế hoạch kinh doanh.
Theo đó, TS.Nguyễn Hải An kiến nghị sửa đổi: “doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán” là hoàn toàn phù hợp.
Quy định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán vẫn chưa cụ thể, dẫn đến việc Tòa án các cấp đánh giá doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, mất khả năng thanh toán có phải do làm ăn thua lỗ hay không để từ đó ra quyết định mở hay không mở thủ tục phá sản còn chưa thống nhất. Do đó, TS.Nguyễn Hải An cho rằng, cần quy định về tiêu chí xác định thật rõ ràng, cụ thể mất khả năng thanh toán là xác định các khoản nợ đến hạn và giá trị cụ thể của khoản nợ mà không phụ thuộc vào nhiều khoản nợ hay ít khoản nợ, cũng như xác định thời hạn quá hạn phù hợp với thực tế là bao nhiêu để xác đinh doanh nghiệp, hợp tác xã có bị coi là lâm vào tình trạng phá sản hay không.
Vì vậy, căn cứ xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 có thể được sửa đổi, bổ sung như sau: Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán bất kỳ khoản nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần có giá trị lớn hơn tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp và bị chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần đòi trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán hoặc đến thời điểm Tòa án quyết định việc mở thủ tục phá sản.
Theo Ths.Trần Trọng Đại - Giảng viên Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, qua việc tìm hiểu pháp luật phá sản của một số nước trên thế giới, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay như: Việc quản lý tài sản và thanh lý tài sản trong quá trình phá sản nên nghiên cứu chỉ giao cho các cá nhân hành nghề độc lập (quản tài viên), chứ không nên trao thẩm quyền cho nhiều chủ thể như quy định của Luật Phá sản năm 2014 hiện nay. Đồng thời, cần xây dựng đội ngũ quản tài viên theo các tiêu chí và chuẩn mực nhất định để phù hợp với hoạt động của họ.
Thủ tục giải quyết phá sản, kể cả thủ tục thi hành quyết định tuyên bố phá sản chỉ nên trao thẩm quyền cho một đại diện của nhà nước tham gia, quyết định đó là thẩm phán của Tòa án. Có thể thấy pháp luật phá sản của hầu hết các nước trên thế giới đều quy định thẩm phán là người trực tiếp giải quyết phá sản kể từ khi thụ lý cho đến khi chấm dứt thủ tục phá sản.
Về vấn đề này Luật Phá sản năm 2014 đang có sự cắt khúc gián đoạn. Theo đó, trước khi có quyết định tuyên bố phá sản thì thẩm phán là người giải quyết việc phá sản. Còn sau khi có quyết định tuyên bố phá sản thì cơ quan thi hành án, chấp hành viên lại được trao quyền thi hành quyết định này. Điều này đã gây ra không ít khó khăn, bất cập cho cả quá trình giải quyết việc phá sản.
Ngoài ra, trình tự, thủ tục thanh lý tài sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản cần được quy định và áp dụng thống nhất bằng những quy định mang tính đặc thù của thủ tục phá sản để đảm bảo hiệu quả của việc giải quyết phá sản nói chung và việc thi hành quyết định tuyên bố phá sản nói riêng.
Để hoàn thiện pháp luật phá sản Ths.Hoàng Thị Kim Nhung, Bộ Tư pháp cho rằng, Luật phải bảo đảm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng nhất có thể để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) (ký kết vào 30/6/2019)... do vậy, các yêu cầu đối với cải cách thể chế nhằm thúc đẩy quá trình hội nhập được đặt ra ngày càng cấp thiết. Một trong những yêu cầu của cải cách là đảm bảo sự tương thích của pháp luật Việt Nam với các thông lệ quốc tế, trong đó có những quy tắc liên quan đến phá sản doanh nghiệp.
Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự hiện diện ngày càng nhiều của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng sẽ khiến các vấn đề pháp lý phát sinh từ các trường hợp phá sản ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp hơn. Các trường hợp phá sản liên quan đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đòi hỏi phải áp dụng các quy định mà các vụ việc thông thường không phát sinh như vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của toà án, trọng tài nước ngoài, xác định người phải thi hành trong nước, nước ngoài, xác định pháp luật áp dụng, xác định thẩm quyền của quản tài viên trong việc quản lý giám sát tài sản của doanh nghiệp bị phá sản khi doanh nghiệp bị phá sản ở nước ngoài có công ty con tại Việt Nam...
“Những vấn đề pháp lý trên vừa đòi phải nâng cao năng lực của thẩm phán, vừa đòi hỏi pháp luật về phá sản phải có những hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng về những vấn đề có thể phát sinh; đồng thời phải tăng cường việc ký kết các hiệp định về hỗ trợ và tương trợ tư pháp, thực hiện phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn giữa các cơ quan nhà nước trong và ngoài nước để đảm bảo giải quyết một cách thích hợp các tình huống giải thể, phá sản doanh nghiệp. Việc hoàn thiện pháp luật về phá sản doanh nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả thực thi các quy định này trên thực tề cần đảm bảo các yêu cầu này”, Ths.Hoàng Thị Kim Nhung nhấn mạnh.