Cải thiện cuộc sống nhờ vốn Agribank
Bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, Agribank chi nhánh Mường La đã triển khai nhiều giải pháp giúp các tổ̉ chức, cá nhân trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng, thuận tiện nhất để đầu tư sản xuất - kinh doanh.
Những năm qua, nhờ sử dụng vốn vay Agribank Mường La (Sơn La) đúng mục đích, hiệu quả nên nhiều hộ dân đã có điều kiện mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao thu nhập.
Bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, Agribank chi nhánh Mường La đã triển khai nhiều giải pháp giúp các tổ̉ chức, cá nhân trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng, thuận tiện nhất để đầu tư sản xuất - kinh doanh. Nhờ đó, thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của người dân Mường La đã dần được xoá bỏ.
Những ngày cuối tháng 4/2023, chúng tôi có dịp cùng cán bộ Agribank Mường La đến thăm mô hình nuôi trâu bò vỗ béo của anh Tòng Văn Lả, bản Nà Lốc, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La. Anh là một trong những khách hàng thân quen của Agribank Mường La trong hàng chục năm qua. Dẫn chúng tôi thăm trang trại nuôi trâu bò vỗ béo, anh Lả phấn khởi cho biết, để có được đàn trâu, bò và chuồng trại rộng rãi như thế này, tất cả là nhờ Agribank Mường La đã tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ gia đình về vốn vay. Anh Lả nhớ lại, trước đây, cũng như nhiều người khác, do thiếu kiến thức và vốn sản xuất nên gia đình gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế.
Để mưu sinh, những năm 1996, chàng thanh niên dân tộc Thái Tòng Văn Lả đã cùng người thân, bạn bè săn mua trâu bò khắp nơi. Theo ông Lả, người dân mình nuôi trâu bò theo hình thức nhỏ lẻ, chủ yếu để cày cấy, chưa biết tăng đàn để sản xuất hàng hoá. Sau một thời gian chu du khắp nơi làm thương lái buôn trâu bò, năm 2002, Lả có mối làm ăn quen biết với thương lái ở Cao Bằng buôn trâu sang Trung Quốc. Nhận thấy nghề buôn trâu bò đem lại hiệu quả kinh tế cao nên Lả quyết định mua gom trâu bò gầy về nuôi vỗ béo xuất bán sang tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Để có vốn mua trâu bò gầy với số lượng lớn, Lả đã tìm đến Agribank Mường La. Sau khi được tạo điều kiện vay 200 triệu đồng, Lả mua hàng chục con trâu bò gầy khoảng 2, 3 tuổi về nuôi nhốt. Để vỗ béo đàn trâu bò, một ngày anh cho ăn 3 bữa, chủ yếu là cỏ. Đến tối, lại cho ăn thêm bột ngô, sắn. Bên cạnh đó là tiêm phòng đầy đủ vaccine. "Khoảng 4 - 5 tháng nuôi vỗ béo, đàn trâu bò đạt trọng lượng khoảng 4 - 6 tạ/con, tôi chở sang Cao Bằng để xuất sang Trung Quốc. Lần gần nhất, tôi vừa bán được 50 con trâu bò sang Trung Quốc và thu về hơn 1 tỷ đồng. Với cách làm này, trung bình mỗi năm, gia đình tôi lãi khoảng 200 - 300 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng khá giả", anh Lả nói.
Rời thị trấn Ít Ong, chúng tôi lại đến xã Mường Bú thăm mô hình trồng xoài của ông Lò Văn Toản ở bản Mường Bú. Nhìn vườn xoài Úc, Đài Loan rộng hàng nghìn mét vuông cho quả sai trĩu cành, chúng tôi càng thấy rõ hơn hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn Agribank Mường La đúng mục đích.
Ông Toản chia sẻ: “Trước kia, gia đình trồng cây lương thực nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2017 - 2018, thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh, huyện, gia đình tôi cùng nhiều hộ khác được cán bộ khuyến nông, phòng nông nghiệp, Hội Nông dân huyện tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả. Cùng với đó, chúng tôi được cán bộ dẫn đi thăm quan các mô hình trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn tỉnh. Nhận thấy, trồng cây ăn quả đem lại giá trị kinh tế cao, năm 2018, gia đình đã vay 200 triệu đồng từ Agribank Mường La để chuyển đổi cơ cấu cây trồng…”. Đến nay, gia đình ông Toán đã trồng được 400 cây xoài và 20 cây nhãn trên diện tích gần 1 ha. Hiện, vườn xoài, nhãn của ông đã cho thu hoạch quả. Bình quân, mỗi năm xuất bán ra thị trường gần chục tấn quả và thu về hàng chục triệu đồng. Nhờ đó, gia đình đã thoát được nghèo và từng bước nâng cao thu nhập.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Thuỷ, Phó Giám đốc Agribank Mường La thông tin, đến nay, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank Mường La đạt 365 tỷ đồng, với hơn 2.700 khách hàng. Hiện, đơn vị có 62 tổ vay vốn, số lượng khách hàng là 1,345 hội viên. Trong đó, Hội Liên hiệp phụ nữ có 2 tổ, dư nợ 1,3 tỷ đồng, 18 hội viên; Hội Nông dân có 8 tổ, dư nợ 7 tỷ, 173 hội viên; còn lại thông qua các tổ chức hội khác có 52 tổ, dư nợ 66 tỷ đồng và 1.154 hội viên.
Theo chia sẻ của ông Thuỷ, trong thời gian tới để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh gọn, thuận tiện nhất, Agribank Mường La sẽ tiếp tục củng cố lại chất lượng tín dụng, cho vay qua Tổ vay vốn, tập trung vốn cho vay vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, vay tiêu dùng đời sống đối với khách hàng có nguồn thu nhập ổn định từ lương. Tập trung chiếm lĩnh thị trường, đặt biệt là khu vực thị trấn, thị tứ; triển khai đồng bộ các giải pháp cho vay thu nợ tại điểm giao dịch. Đối với các khách hàng tại khu vực thị trấn, thị tứ chưa thành lập tổ vay vốn thực hiện gom khách hàng thành tổ để thống nhất và đăng ký trả lãi vào một ngày nhất định; qua đó giảm khối lượng công việc cho cán bộ và giảm tải khối lượng khách hàng đến giao dịch tại trụ sở. Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, kiểm tra, giám sát quy trình, nghiệp vụ đối với hoạt động tín dụng, chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng thẩm định và kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay...