Văn hóa

Ra mắt ấn phẩm chuyên sâu về đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài

Thanh Thanh 01/06/2023 - 19:09

Ngày 31/5, Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế và Hội Hữu nghị Việt Nam – Myanmar đã công bố “Báo cáo đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam và tại Myanmar” do TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) làm Chủ tịch Hội đồng biên soạn.

ra-mat-bao-cao.png

Báo cáo có 4 chương phân tích, đánh giá đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) của các nước trên thế giới và thực trạng đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài và đầu tư tại Myanmar trên bình diện tổng thể và tại các nước, vùng lãnh thổ đến đầu tư; Nêu lên kinh nghiệm và đánh giá kết quả của nhiều doanh nghiệp (DN) điển hình đại diện cho từng lĩnh vực ngành nghề, đại diện khu vực đến đầu tư; Phân tích hệ thống luật pháp chính sách của các nước tiếp nhận đầu tư, hệ thống luật pháp chính sách của Việt Nam về ĐTRNN và thông lệ đầu tư quốc tế. Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị về hoàn thiện luật pháp chính sách về ĐTRNN của Việt Nam hiện nay, đưa ra các bài học kinh nghiệm thực tế của các DN Việt Nam đã và đang ĐTRNN.

Theo TS. Phan Hữu Thắng, mục đích xuất bản “Báo cáo ĐTRNN của Việt Nam và tại Myanmar” nhằm cung cấp những thông tin cần thiết để các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, cộng đồng DN Việt Nam, nhất là các DN đã và đang có kế hoạch ĐTRNN nhận thức rõ hơn về vai trò quan trọng của đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (OFDI) đối với các nước đang phát triển như Việt Nam và thực trạng ĐTRNN của Việt Nam trong 24 năm qua (1999-2022); đưa ra các khuyến nghị với Chính phủ về định hướng và giải pháp thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từ nay đến năm 2030.

“Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu toàn diện về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, với góc nhìn từ một nước đang phát triển. Trong điều kiện dữ liệu về OFDI toàn cầu năm 2022 chưa được công bố chính thức bởi các tổ chức quốc tế có uy tín, dữ liệu về OFDI của Việt Nam còn bất cập và chưa đầy đủ, các tác giả đã thu thập và sử dụng dữ liệu công bố chính thức bởi nhiều nguồn khác nhau như: Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Báo cáo Đầu tư thế giới của UNCTAD, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổng cục Thống kê, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) và thông tin, số liệu khảo sát thực tế tại Myanmar. Các thông tin, dữ liệu được cập nhật theo từng nội dung đến mức cao nhất có thể…”, TS. Phan Hữu Thắng cho biết.

Thanh Thanh