Kết nối

Tăng cường thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc 

Minh Ngọc 02/06/2023 07:30

Ngày 1/6/2023, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Xúc tiến Thương mại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc (CCPIT Sơn Đông) tổ chức “Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc (Sơn Đông)” nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc theo tinh thần kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 11/2022.

z4395354034136_f6b451ccafcf62acbb4878b2aecbe33c.jpg
Quang cảnh Hội nghị 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương thông tin: Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã và đang chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việc gia nhập cộng đồng kinh tế toàn cầu, tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho sự phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2022 tổng sản phẩm trong nước  (GDP) tăng 8,02%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 đạt 732,5 tỷ USD, kim ngạch xuất siêu của Việt Nam ra thị trường nước ngoài đạt 11,2 tỷ USD, cao gấp gần 4 lần mức xuất siêu của năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2022 đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Những kết quả nêu trên đã khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam sau khi đại dịch COVID-19 dần được kiểm soát và nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục trở lại với quỹ đạo tăng trưởng ổn định, bền vững trong thời gian tới.

Về quan hệ hợp tác giữa hai nước, ông Hoàng Minh Chiến cho biết, dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19 nhưng hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc vẫn tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường nhập
khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Cũng tại Hội nghị, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương bày tỏ, Trung Quốc nói chung và các địa phương của Trung Quốc nói riêng luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong chính sách phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp của Chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, kim ngạch thương mại giữa các địa phương Việt Nam và tỉnh Sơn Đông hiện vẫn còn khiêm tốn, chiếm chưa tới 6% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Việt Nam, chưa tương xứng với tiềm năng, tính bổ trợ lẫn nhau của nền kinh tế và nhu cầu hợp tác thực tế của doanh nghiệp hai bên. 

Thông qua Hội nghị này, doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Sơn Đông có cơ hội trao đổi, kết nối và đẩy mạnh hợp tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc đã chính thức mở cửa cho phép nhiều loại nông, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong năm 2023, đón đầu tận dụng cơ hội Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 8/1/2023, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Đây cũng là dịp mở ra những cơ hội mới, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc (Sơn Đông) tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực thương mại, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại Việt Nam, Trung Quốc ổn định, cân bằng, tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ song phương.

"Những hoạt động như Hội nghị lần này cũng như các Đoàn công tác của phía Việt Nam tới Trung Quốc sẽ góp phần quan trọng trong việc tìm kiếm thị trường mới, khai thác tiềm năng hợp tác, kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai bên", Phó Vụ trưởng Tô Ngọc Sơn chia sẻ.

Trên tinh thần đó, đại diện Cục Xúc tiến thương mại đề nghị, các doanh nghiệp hai bên cần chủ động trao đổi, kết nối thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định, chính sách thương mại của hai nước; tích cực tham dự các Hội chợ triển lãm quốc tế để kết nối trực tiếp, đẩy mạnh các hoạt động giao thương, hợp tác kinh tế, thương mại ổn định, lâu dài, hiệu quả. Đồng thời, các doanh nghiệp Trung Quốc cần hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cũng như đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường Trung Quốc.

2023_06_01_11_25_513_09183.jpg
Lễ ký kết 7 Thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Sơn Đông

Tại Hội nghị,  7 Thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Sơn Đông đã được ký kết. Điểm nhấn của Hội nghị là chương trình giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc (Sơn Đông) với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực chính: nông sản– thực phẩm, thiết bị máy móc, lốp cao su– phụ tùng ô tô, xây dựng – vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác.

Minh Ngọc