Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Luật Các TCTD (sửa đổi) hướng đến bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng ngày 5/6, tại hội trường Diên Hồng, Quốc hội nghe Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Nâng cao năng lực quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi), Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định và xử lý những vướng mắc, bất cập của pháp luật về TCTD; luật hóa để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD.
Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật Các TCTD (sửa đổi) nhằm tăng cường phòng ngừa rủi ro, tăng cường năng lực tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của TCTD; xây dựng công cụ để quản lý các TCTD; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành TCTD; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.
Luật Các TCTD (sửa đổi) cũng hướng đến bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng
Luật Các TCTD (sửa đổi) cũng hướng đến bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo; xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Về quan điểm xây dựng Luật, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho biết, việc xây dựng Luật Các TCTD (sửa đổi) cần bám sát quan điểm của Đảng và Nhà nước nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại TCTD bảo đảm an toàn hệ thống, tăng cường tính minh bạch, công khai và phù hợp với nguyên tắc thị trường và thông lệ quốc tế tốt nhất, tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng. Việc xây dựng dự án Luật Các TCTD (sửa đổi) cần khắc phục các vướng mắc, bất cập hiện tại; tham khảo thông lệ, kinh nghiệm quốc tế và phù hợp chiến lược phát triển ngành Ngân hàng.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật Các TCTD hiện hành và bổ sung việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật bổ sung thêm đối tượng áp dụng là tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán xử lý nợ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu rõ, dự thảo Luật về cơ bản kế thừa các quy định tại Luật Các TCTD hiện hành, có điều chỉnh một số nội dung như sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ, sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng luật hóa các quy định mang tính nguyên tắc áp dụng chung cho các ngân hàng chính sách…
Về tổ chức, quản trị, điều hành của TCTD, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm nâng cao năng lực quản trị, điều hành của các TCTD như tăng cường trách nhiệm của thành viên HĐQT, sửa đổi, bổ sung các quy định về thành viên Hội đồng quản trị độc lập để tách bạch chức năng quản trị, điều hành cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cổ đông nhỏ lẻ; mở rộng nguồn nhân lực cho vị trí thành viên HĐQT độc lập; bổ sung quy định xử lý việc khuyết người đại diện theo pháp luật, sửa đổi, bổ sung các quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ; sửa đổi, làm rõ nội dung yêu cầu về kiểm toán độc lập; sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu của TCTD để thống nhất với pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp…
Đối với TCTD là hợp tác xã, dự thảo Luật bổ sung quy định về trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ đối với người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó Giám đốc; bổ sung yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn đối với người quản lý, người điều hành của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân (QTDND); sửa đổi, bổ sung quy định về số lượng thành viên ban kiểm soát QTDND để phù hợp với quy mô của loại hình này.
Cùng với đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về người có liên quan, sửa đổi, bổ sung quy định những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ; giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan để tăng tính đại chúng của TCTD cổ phần; bổ sung quyền, nghĩa vụ của người quản lý, người điều hành TCTD; bổ sung trường hợp Ngân hàng Nhà nước đình chỉ, tạm đình chỉ chức danh thành viên thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát; Tổng giám đốc (Giám đốc) đối với người không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện đảm nhiệm chức vụ, vi phạm việc thực hiện các chỉ đạo của NHNN theo quy định...
Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về cấp tín dụng nhằm Tạo điều kiện mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, với mục tiêu tạo điều kiện để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về cấp tín dụng, trong đó đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cho vay tiêu dùng, các khoản cho vay nhỏ lẻ phục vụ đời sống; tạo lập hành lang pháp lý cho việc cung ứng dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng như bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử; bổ sung quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng; quy định về yêu cầu bảo đảm an toàn giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng...
Về hoạt động của ngân hàng thương mại, dự thảo Luật làm rõ bản chất của thư tín dụng, bổ sung hoạt động dịch vụ ngân quỹ, giao đại lý trong lĩnh vực thanh toán…
Với mục tiêu tạo điều kiện để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về cấp tín dụng, trong đó đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cho vay tiêu dùng, các khoản cho vay nhỏ lẻ phục vụ đời sống.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Về hoạt động của TCTD là hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô: để tạo cơ sở pháp lý giúp khách hàng của các tổ chức tài chính vi mô, QTDND được tiếp cận với những dịch vụ có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt, dự thảo Luật bổ sung quy định về hoạt động làm đại lý cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng của QTDND, tổ chức tài chính vi mô. Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng hợp tác xã để nâng cao vai trò của ngân hàng hợp tác xã đối với hệ thống các QTDND.
Đối với các hạn chế để đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, để hạn chế rủi ro từ tập trung tín dụng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan. Đồng thời, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định điều chỉnh giới hạn góp vốn, mua cổ phần của TCTD nhằm tăng cường tính đại chúng trong hoạt động của TCTD.
Ngoài ra, về tài chính, hạch toán, báo cáo, bên cạnh việc kế thừa các quy định về tài chính, việc hạch toán, kế toán,… dự thảo Luật sửa đổi theo hướng luật hóa một số nội dung đã được áp dụng ổn định, lâu dài như: quy định về kiểm toán nội bộ, về kiểm toán độc lập, về việc trích lập dự phòng rủi ro; về quản lý tài chính, sử dụng vốn, doanh thu, chi phí; về trích lập và sử dụng các quỹ; Mua, đầu tư vào tài sản cố định...