Thu hút vốn FDI giảm do đâu?
Các thủ tục về đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan,... còn tồn tại một số khâu gây khó khăn cho doanh nghiệp; e ngại thuế tối thiểu toàn cầu; hay sự thiếu đồng bộ trong hệ thống quy phạm pháp luật dẫn đến cách hiểu, áp dụng khác nhau… là những nguyên nhân ảnh hưởng đến thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong những tháng đầu năm 2023.
E ngại thuế tối thiểu toàn cầu, các tập đoàn lớn trì hoãn kế hoạch đầu tư mới
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến ngày 20/5/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt gần 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài dù đã cải thiện so với các tháng đầu năm nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2022 và ước đạt khoảng 7,65 tỷ USD.
Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI và chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư châu Á. 6 đối tác đầu tư truyền thống là Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm tới 76,6% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 5 tháng.
Các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD, chiếm tới gần 70% số dự án mới, song tổng vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 5 tháng năm 2023.
Tính lũy kế đến ngày 20/5/2023, cả nước
có 37.238 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 447,67 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 281,65 tỷ USD, bằng gần 62,9% tổng vốn đầu tư đăng ký
còn hiệu lực.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mới. Còn các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
“Việc triển khai quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu làm các tập đoàn lớn trì hoãn kế hoạch đầu tư mới, mở rộng đối với các dự án quy mô lớn, để quan sát phản ứng chính sách của các nước tiếp nhận đầu tư, nhằm lựa chọn địa điểm tối ưu và có tính cạnh tranh nhất”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói khi giải đáp vấn đề đại biểu Quốc hội hỏi về FDI.
Còn tình trạng né tránh, chậm xử lý ảnh hưởng việc mở rộng đầu tư
Chỉ ra những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng tới thu hút FDI, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm: Tình trạng mất giá của đồng nội tệ tại các quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, làm chậm quá trình ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư các khu vực này (tháng 10/2022, đồng Yên Nhật mất giá gần 27%, đồng won Hàn Quốc mất giá 22%).
Đồng thời, do tình hình kinh tế thế giới khó khăn nên các đối tác lớn có xu hướng giảm hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Nhiều nước châu Âu quy định hàng hóa nhập khẩu phải có tín chỉ carbon và phải sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc tiếp cận tín chỉ carbon và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn nên nhiều đơn hàng phải chuyển sang các nước khác, do đó chưa phát huy được lợi thế của các hiệp định FTA.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu thẳng những nguyên nhân chủ quan tác động đến thu hút đầu tư. Bộ trưởng nói: “Môi trường đầu tư, kinh doanh đang bị đánh giá là “trước mở, sau thắt”. Thủ tục đầu tư và doanh nghiệp thì đơn giản, thuận lợi; nhưng các thủ tục về đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan,... còn tồn tại một số khâu gây khó khăn cho doanh nghiệp”.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã xuất hiện tình trạng né tránh, ngại xử lý các vấn đề khó, phức tạp của một số bộ, ngành và địa phương. Tình trạng gửi hồ sơ, văn bản lấy ý kiến để “cộng đồng trách nhiệm”, gây kéo dài thủ tục. Sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong hệ thống quy phạm pháp luật dẫn đến cách hiểu, áp dụng khác nhau cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thực thi còn nhiều bất cập, chậm xử lý.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao, thiếu nguyên vật liệu cục bộ tại một số ngành, địa phương chưa được giải quyết triệt để dẫn đến nguy cơ gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ trong ngắn hạn. Thêm vào, đó giấy phép lao động có thời hạn ngắn, thủ tục cấp, gia hạn giấy phép lao động kéo dài cũng gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang tập trung chuyển đổi sang mô hình tự động hóa, hiện đại hóa, cải tiến dây chuyền, hệ thống để tăng hiệu quả, hiệu suất. Vì vậy, đòi hòi công nhân, lao động tay nghề cao đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, lao động Việt Nam chủ yếu là lao động phổ thông, tay nghề thấp. Vì vậy, thị trường Việt Nam sẽ thiếu tính cạnh tranh và sức thu hút với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tại một số địa phương, việc cung cấp điện năng chưa đảm bảo. Nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng cắt điện đột ngột. Nhiều doanh nghiệp muốn tiếp cận điện tái tạo nhưng thực tế khả năng cung cấp vẫn chưa sẵn sàng.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết, sức mua của thị trường giảm do khó khăn chung của nền kinh tế và được dự đoán sẽ tiếp diễn ít nhất đến giữa năm 2023, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng.
Định vị các tập đoàn đa quốc gia tiềm năng
Để tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa FDI, thu hút chọn lọc vốn FDI chất lượng cao, nhất là các dự án giá trị gia tăng cao, kết nối, lan tỏa trong nước và nước ngoài, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư đưa ra một số giải pháp chủ yếu, có thể kể đến như:
Trước hết, tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu, trong đó đặc biệt quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số như: năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, phát triển đô thị xanh, nông nghiệp sạch, nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan,…
Thực hiện nghiêm công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.
Giải pháp tiếp theo là nghiên cứu, xây dựng cơ chế đột phá liên quan đến các chính sách về tài chính, chứng khoán, tiền tệ. Tập trung xây dựng và hoàn thiện đề án Trung tâm tài chính tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng để tạo động lực đột phá và phát triển kinh tế xã hội.
Đẩy mạnh việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đón đầu xu hướng để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong thời gian tới.
Bên cạnh đó cần có sự hỗ trợ đồng bộ cho việc thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá như công nghệ cao, bán dẫn, đổi mới sáng tạo; Tạo điều kiện tối đa và khuyến khích các doanh nghiệp triển khai hoạt động R&D hoặc hợp tác chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.
Sớm ban hành các chính sách phù hợp để thích ứng hiệu quả, linh hoạt trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư, duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về hạ tầng, đất sạch, năng lượng, nguồn nhân lực để thu hút những dự án đầu tư lớn, thực sự có ý nghĩa cho phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, đặc biệt các dự án trong lĩnh vực hạ tầng giao thông để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Giải pháp cuối cùng là chọn những lĩnh vực đột phá như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trung tâm tài chính, sản xuất chip bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo,... từ đó, định vị các tập đoàn đa quốc gia tiềm năng có công nghệ, có nguồn lực tài chính trong các lĩnh vực nên trên thông qua các kênh có tầm ảnh hưởng đến người ra quyết định đầu tư để chủ động tiếp cận, trao đổi và mời gọi đầu tư vào Việt Nam.