Tin tức

Bảo hiểm “hâm nóng” nghị trường Quốc hội

T.H 06/06/2023 16:01

Phiên chất vấn đầu tiên trong 4 nhóm vấn đề được chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã diễn ra sôi nổi, nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội đã được các đại biểu chất vấn. Trong đó, bảo hiểm xã hội đã nhận được nhiều sự quan tâm từ các đại biểu Quốc hội.

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, sáng ngày 6/6, ngay sau phát biểu mở đầu phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

060620230821-z4407931140598_0171f6a4be22f2113cbda0f467d6a4bd.jpg
Quang cảnh phiên chất vấn đầu tiên tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Phát biểu trước khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, những vẫn đề đặt ra tại phiên chất vấn là những vấn đề lớn, liên quan trực tiếp đến đời sống, miếng ăn, giấc ngủ hàng ngày của hàng triệu người dân, người lao động và lực lượng hưu trí cả nước. Thời gian qua, trong bối cảnh nhiều thay đổi nhanh chóng và phức tạp, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội.

“Chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn để cơ bản đảm bảo các chính sách an sinh xã hội và đời sống nhân dân, triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả nhiều chính sách xã hội, nhằm hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động trong khắc phục khó khăn do đại dịch gây ra”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Giải pháp căn cơ cho “làn sóng” rút bảo hiểm một lần

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong phiên họp sáng ngày 6/6 có liên quan đến “làn sóng” rút bảo hiểm một lần.

Phát biểu chất vấn tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh nêu thực trạng làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần trong công nhân lao động thời gian qua không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tăng cao khi có thông tin Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội phương án sửa Luật Bảo hiểm xã hội.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng quan trọng nhất là sự bất an đối với đối với sự ổn định của chính sách. Đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ giải pháp xử lý vấn đề này?”, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đề nghị.

060620231022-z4408449960365_8f6bac0bd8fb33ae10f02b929a901768(1).jpg
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Thị Diệu Thúy và nhiều đại biểu khác liên quan đến rút bảo hiểm một lần, Bộ trường Đào Ngọc Dung cho biết, trước năm 2019, số rút bảo hiểm bình quân một năm khoảng 500.000, đến năm 2023, con số này tăng lên thành gần 900.000.

Bộ trưởng cho rằng, nếu tình trạng rút bảo hiểm một lần không giảm, thì có nguy cơ khó đảm bảo an sinh xã hội cho người già, người đến tuổi về hưu, hệ thống chính sách an sinh xã hội khó đảm bảo tính bền vững.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nguyên nhân của tình trạng này là do thu nhập của người lao động ở mức thấp, cơ chế rút bảo hiểm xã hội một lần còn quá dễ dàng, quyền lợi khi rút bảo hiểm xã hội một lần ở mức cao, công tác tuyên truyền về vấn đề này cũng chưa được thực hiện hiệu quả.

Do vậy, xử lý vấn đề trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: “Cần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng không hạn chế quyền, tăng quyền lợi cho người đóng. Tại Kỳ họp tới, Quốc hội sẽ bàn các phương án khác nhau để có những quy định xử lý vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần hiệu quả nhất”.

Chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đã “bấm nút” tranh luận. Đại biểu cơ bản thống nhất với Bộ trưởng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác tuyên truyền chưa tốt. Tuy nhiên, mong muốn của người lao động TP Hồ Chí Minh nói riêng đó là chính sách về bảo hiểm xã hội phải nhất quán và tính ổn định lâu dài. Người lao động là cần làm rõ về quyền lợi của họ để an tâm hơn, suy nghĩ lại khi muốn rút bảo hiểm xã hội một lần.

Trả lời tranh luận, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần tính tổng thể các chính sách liên quan đến bảo hiểm, nếu tiếp tục đóng 20 năm thì người lao động không đợi được mà nhất là ở những ngành lĩnh vực ngành thâm dụng lao động. Do vậy, quan điểm của Bộ là giảm xuống 15 năm hoặc 10 năm theo thông lệ quốc tế, tương ứng là đóng ít hưởng ít, bên cạnh đó nguyên tắc chia sẻ có nguyên tắc đóng hưởng và bình đẳng.

“Việc dừng rút bảo hiểm một lần là vấn đề khó khăn nhưng có quy định về điều kiện, trường hợp nào được rút, mức độ rút như thế nào, trong thời gian tới Quốc hội sẽ xem xét quyết định”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

060620230852-z4407904066621_2ce43e2ac67e1d9bd73db10014c42108.jpg
Các đại biểu tham dự phiên họp

Thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với hộ kinh doanh cá thể là sai về chủ trương

Trả lời chất vấn đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với hộ kinh doanh cá thể là sai về chủ trương. Thời gian qua, cơ quan bảo hiểm xã hội có thu sai với một tỷ lệ không nhỏ các chủ hộ kinh doanh cá thể. Đây không phải là đối tượng được quy định đóng bảo hiểm bắt buộc. Việc thu sai này đã diễn ra từ năm 2003 đến năm 2016.

“Trách nhiệm này thuộc về cơ quan tổ chức thực hiện là Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đặc biệt là bảo hiểm xã hội của các địa phương”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin đến đại biểu và cho biết: “Vấn đề này đã được phát hiện, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và có văn bản chấn chỉnh việc này”.

Bộ trưởng cho biết thêm, phần lớn các vướng mắc đã được các địa phương linh hoạt xử lý với chủ hộ kinh doanh, nhiều trường hợp đồng ý chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện, nhiều trường hợp đề nghị thoái thu, có những trường hợp đề nghị chuyển sang bảo hiểm bắt buộc.

Về câu hỏi có tình trạng tiêu cực trong thu bảo hiểm xã hội hay không?. Bộ trưởng cho biết chưa phát hiện được tiêu cực nhưng việc thu này là sai về chủ trương, cần phải xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Về giải pháp căn cơ cho vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong chương trình xây dựng pháp luật đề xuất đưa các đối tượng này vào đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc khi sửa Luật bảo hiểm xã hội. Nếu được Quốc hội cho phép trong Nghị quyết chất vấn tại Kỳ họp này, Bộ kiến nghị cho phép Chính phủ thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, như cộng nối thời gian đóng bảo hiểm nếu như người lao động có nhu cầu.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2003, chúng ta có chủ trương mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn cho một số tỉnh về đóng bảo hiểm xã hội. Có 54 tỉnh thu của 4.240 đối tượng từ năm 2003 đến năm 2016, đến năm 2016 thì có chủ trương dừng lại, nhưng có một số đối tượng vẫn nộp tiếp đến năm 2020 thì dừng hẳn.

"Về bản chất và đạo lý không có gì sai, nhưng vẫn bị vướng về quy định pháp luật", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói và cho biết: cụ thể, quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội là phải có hợp đồng về giao kết bảo hiểm, nhưng ở đây, các chủ hộ kinh doanh không có hợp đồng giao kết, mà chỉ có hợp đồng của họ với nhân viên, những nhân viên của họ được nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng đối với các chủ hộ thì không có hợp đồng với ai cả, nên không được nộp bảo hiểm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về bản chất, những đối tượng này vừa là chủ hộ, vừa là người lao động, vừa có thu nhập, nên việc được tham gia bảo hiểm có thể coi là chấp nhận được, nhưng pháp luật lại không quy định, nên có thể kết luận là sai đối tượng. Bộ trưởng cho rằng, tới đây, khi tiến hành sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sẽ cho phép chủ hộ kinh doanh được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm

Về vấn đề chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng cho biết, đến hết năm 2022, khối lượng chậm đóng, trốn đóng tăng 2,69% so với mức của năm 2021, có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng, quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt. Bộ đã triển khai các biện pháp cụ thể, thực hiện nguyên tắc người lao động thu đến đâu thì thực hiện chính sách tới đó.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội, các nội dung này cũng được trình bày trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10, trong đó sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế.

Về hồ sơ giả, thu gom sổ bảo hiểm, trục lợi chính sách, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua Bộ đẩy mạnh thanh tra xử lý và kết quả về cơ bản tình trạng đã giảm đi.

Để chấm dứt tình trạng hồ sơ giả, thu gom sổ bảo hiểm, trục lợi chính sách, giải pháp được Bộ trưởng đưa ra là, tập trung tuyên truyền chính sách pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành của người sử dụng lao động; tập trung sửa đổi quy phạm pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở dữ liệu của bảo hiểm với dữ liệu dân cư; minh bạch cho người lao động biết tình hình đóng bảo hiểm của mình.

Phát biểu kết luận về nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, có 99 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn. Trong phiên chất vấn đã có 46 đại biểu tham gia chất vấn, trong đó 35 đại biểu trực tiếp đặt câu hỏi và 11 đại biểu phát biểu tranh luận.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, đi thẳng vào những vấn đề người dân, cử tri, doanh nghiệp quan tâm.

T.H