Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Cần tương tác thông tin, phản ánh chính xác để xử lý kịp thời
Muốn những chính sách đưa ra được đảm bảo thực thi, ngoài sự chủ động từ phía ngành Ngân hàng, từ phía các tổ chức tín dụng (TCTD), thì việc tương tác thông tin, phản ánh khó khăn vướng mắc và phản hồi, phản biện chính sách là cần thiết.
Toàn hệ thống chính trị đang chung tay cùng phối hợp thực hiện các giải pháp đồng bộ: từ cơ chế chính sách, đến cải cách hành chính và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể… để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Trong quá trình đó, ngành Ngân hàng đã ban hành hệ thống cơ chế chính sách toàn diện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn; giảm áp lực trả nợ vay, hỗ trợ doanh nghiệp tạo thanh khoản, tạo dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định và tăng trưởng. Đây là giải pháp mạnh, trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp bằng cơ chế chính sách.
Để tổ chức triển khai thực hiện tốt những cơ chế chính sách này giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận thuận lợi, Ngân hàng Trung ương (NHTW) đã chỉ đạo cho các tổ chức tín dụng (TCTD), các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ: từ tổ chức thực hiện, xây dựng quy chế, quy trình nội bộ và hướng dẫn thực hiện; đến hoạt động kiểm tra giám sát, cũng như làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và tư vấn giúp doanh nghiệp, người dân nắm rõ chính sách; điều kiện, đối tượng thụ hưởng chính sách; nguyên tắc thực hiện và những yêu cầu về tuân thủ quy định pháp luật….
Tuy nhiên, muốn những chính sách đưa ra được đảm bảo thực thi, ngoài sự chủ động từ phía ngành Ngân hàng, từ phía các TCTD, thì việc tương tác thông tin, phản ánh khó khăn vướng mắc và phản hồi, phản biện chính sách là cần thiết. Những hoạt động này sẽ tạo thuận lợi không chỉ cho chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống và phát huy hiệu quả mà còn là kênh phản ánh, phản biện thông tin, tạo điều kiện công khai minh bạch, thực thi trách nhiệm chính sách và hoàn thiện chính sách.
Một số nội dung đáng chú ý ngành Ngân hàng tập trung thực hiện trong thời gian qua có thể kể tới:
Về vấn đề lãi suất: Chính sách lãi suất và điều hành lãi suất của NHTW, cùng với các chính sách tiền tệ tín dụng khác được ban hành và thực hiện với yêu cầu mang tính nguyên tắc phải đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ: ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ nói chung và chính sách lãi suất của NHTW trong suốt thời gian qua luôn gắn liền với yêu cầu này.
NHTW đã điều chỉnh giảm lãi suất (gồm cả lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi của TCTD). Việc điều chỉnh này tác động toàn diện cả thị trường liên ngân hàng và hoạt động huy động vốn của các TCTD, với mục tiêu chung là giảm lãi suất chung trên thị trường, cơ sở quan trọng để các TCTD giảm lãi suất cho vay.
Hiện nay lãi suất huy động vốn đã và đang tiệm cận dần mức lãi suất huy động thời điểm trước đại dịch, đây là nền tảng quan trọng để lãi suất cho vay diễn biến cùng xu hướng. Bên cạnh đó các TCTD, đặc biệt là ngân hàng thương mại nhà nước và cổ phần có vốn nhà nước đã chủ động giảm lãi suất cho vay đối với tất cả các khách hàng của ngân hàng, với mức giảm từ 0,5- 1,5%. Đó là nỗ lực rất lớn của ngành Ngân hàng. Vấn đề là các TCTD và doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện tốt chủ trương chính sách của Nhà nước, của ngành: thực hiện đúng quy định và trách nhiệm để hiệu quả chính sách sẽ phát huy nhanh hơn, song cần lưu ý các chính sách đều cần có thời gian để phát huy tác dụng và độ trễ của Chính sách cũng như tính chất thị trường của yếu tố lãi suất.
Về cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp: Đây là chính sách mạnh và trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, về thanh khoản, về vốn. Qua đó giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ vay, duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn và tăng trưởng. Hiện nay, các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đã và đang thực hiện hoạt động này theo Thông tư 02. Trong đó một số TCTD đã rà soát khách hàng của ngân hàng, đánh giá hoạt động doanh nghiệp và khó khăn doanh nghiệp. Trên cơ sở đó lập danh sách doanh nghiệp, tiếp xúc doanh nghiệp và thẩm định, hướng dẫn thực hiện để tiếp cận thuận lợi chính sách này của NHTW. Đây là cách làm cụ thể, thiết thực và phản ánh trách nhiệm trong việc thực thi chính sách của các TCTD trên địa bàn thành phố.
Về tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp: Nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, của doanh nghiệp luôn là chủ trương, định hướng xuyên suốt của Chính phủ và NHTW trong thời gian qua và yêu cầu về thực hiện luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó ngành Ngân hàng nói chung và trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng đã và đang làm tốt các nhiệm vụ, nội dung thuộc nội hàm hoạt động này như: cải cách hành chính, đổi mới quy trình thủ tục; ứng dụng công nghệ, tiết giảm chi phí hoạt động tạo thuận lợi cho người dân doanh nghiệp trong giao dịch với ngân hàng, cũng như tiết giảm chi phí về thời gian, chi phí giao dịch để hỗ trợ doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển dịch vụ, tạo nền tảng và khả năng đáp ứng vốn dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp; làm tốt công tác truyền thông chính sách. Thực tế, nhìn từ góc độ cung ứng dịch vụ, khách hàng và doanh nghiệp của ngân hàng hiện nay đã và đang được “phục vụ” tốt nhất, nhờ cạnh tranh và sự hài lòng của doanh nghiệp để thu hút doanh nghiệp để tăng trưởng và phát triển.
Nỗ lực của ngành Ngân hàng là vậy, nhưng để những nỗ lực đi vào thực tế phát huy hiệu quả cao nhất rất cần thông tin phản ánh, phản hồi kịp thời, chính xác từ phía doanh nghiệp, từ người dân, từ báo chí về khó khăn, về vướng mắc chính sách, về thủ tục hành chính… cũng như những vấn đề liên quan đến tiếp cận vốn tín dụng. Có như vậy, ngành Ngân hàng mới nắm được thông tin, đánh giá và nhận diện nguyên nhân để có biện pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và đưa nhanh chính sách đi vào thực tiễn, nhằm đạt hiệu quả trong hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thời gian qua, cơ chế chính sách của ngành Ngân hàng đưa ra đã khá toàn diện và trực tiếp, giải pháp hành động đã cụ thể và thiết thực. Điều này có thể thấy rõ ở các NHNN Chi nhánh, tỉnh thành phố nói chung và trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Các đơn vị này đã và đang phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, hiệp hội doanh nghiệp địa phương để nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, xử lý và tháo gỡ trực tiếp từng khó khăn vướng mắc và nhu cầu vốn cho doanh nghiệp (qua danh sách doanh nghiệp phản ánh được tổng hợp từ các sở ngành, quận huyện gửi đến). Hướng hành động cụ thể là cho vay được doanh nghiệp thì thực hiện; không cho vay được doanh nghiệp thì nêu rõ nguyên nhân. Cách làm này cụ thể, chi tiết và cần nhiều thời gian, nguồn lực, từ cơ quan quản lý, song kết quả mang lại có ý nghĩa quan trọng về cải cách hành chính và trách nhiệm thực thi. Đặc biệt, những thông tin về doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay cần phải được nhanh chóng làm rõ nguyên nhân để nhận diện vấn đề, để tháo gỡ và có giải pháp thực hiện.
Trong nỗ lực từ phía mình, ngành Ngân hàng xác định tiếp tục làm tốt công tác cải cách hành chính; phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ tín dụng…. Về phía doanh nghiệp, cần hoạt động minh bạch, hệ thống sổ sách kế toán rõ ràng và tuân thủ quy định pháp luật, đổi mới hoạt động quản lý, quản trị doanh nghiệp. Tạo lập uy tín và thương hiệu không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững mà còn là yếu tố quan trọng để tiếp cận thuận lợi các sản phẩm dịch vụ tín dụng: cho vay tín chấp, cho vay không có tài sản bảo đảm… Doanh nghiệp cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng từ chính nỗ lực và trách nhiệm của chính mình.