Cần thúc đẩy hoạt động cho vay và nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng dành cho SME do phụ nữ làm chủ
Ngày 7/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Tọa đàm kỹ thuật “Khuyến nghị chính sách và thảo luận về thúc đẩy cho vay dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) do nữ làm chủ tại Việt Nam”
Trình bày tại Tọa đàm, ông Reuben Jessop, Chuyên viên Tài chính Quốc tế, Công ty Palldium cho biết, phụ nữ và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là những khách hàng trung thành và mang lại lợi nhuận cho các tổ chức tài chính. Do đó, phân tích đánh giá và Dự án Hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) tập trung vào các tổ chức tài chính có thể tăng tường nắm bắt thị trường quan trọng này.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách tín dụng nhằm rà soát, hỗ trợ tín dụng dành cho SME do phụ nữ làm chủ như: Thúc đẩy sự phát triển của SME do phụ nữ làm chủ và tăng khả năng tiếp cận tài chính; giảm lãi suất cho vay; SME trong một số lĩnh vực cụ thể được vay tín chấp; hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp, bao gồm SME trong và sau đại dịch COVID-19...
Tuy nhiên, theo bà Lê Thanh Tâm - Chuyên viên Tài chính quốc gia, Công ty Palladium, SME do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam vẫn gặp rào cản của chính sách tín dụng. Cụ thể, các quỹ phát triển SME đang hoạt động kém hiệu quả, có 27 quỹ/64 tỉnh thành hoạt động nhưng chỉ có một số quỹ hoạt động tốt, còn lại hoạt động thất thường, kém hiệu quả trong nhiều năm dẫn đến giải thể.
Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ một số lý do chính như: Nhiều quỹ bảo lãnh tín dụng năng lực thẩm định SME còn yếu; chưa phát huy được vai trò hỗ trợ doanh nghiệp; các thủ tục nộp thay SME, kiểm tra, giám sát, thu hồi nợ… chưa hiệu quả.
Thảo luận tại Toạ đàm, các ý kiến đều cho rằng, các SME do phụ nữ làm chủ là một nhóm khách hàng đầy tiềm năng. Dù quy mô không lớn nhưng chất lượng tín dụng tốt, xuất phát từ đặc thù của phụ nữ như: Cẩn thận, trách nhiệm, tính tuân thủ với khoản vay cao. Mặt khác, phụ nữ cũng có khả năng tiết kiệm cao và quảng bá cho ngân hàng tốt hơn nam giới.
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị, cần nâng cao nhận thức cho các ngân hàng về đối tượng doanh nghiệp là phụ nữ, cũng như theo dõi quản lý riêng và tập trung vào chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng dành cho nhóm khách hàng này.
Để chính sách hỗ trợ SME, trong đó có SME do nữ làm chủ, phát huy hiệu quả, ông Reuben Jessop khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước và các nhà hoạch định chính sách, cần thúc đẩy hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Đồng thời, xây dựng kiến thức và chuyên môn cho các tổ chức tài chính tập trung vào các doanh nghiệp này. Bởi các SME do phụ nữ làm chủ luôn có tỷ lệ nợ xấu thấp hơn so với các SME khác.
Đối với các tổ chức tài chính, cần theo dõi dữ liệu phân tách theo giới tính ở cấp độ công ty và danh mục đầu tư; xây dựng chiến lược dành riêng cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; phát triển các sản phẩm và dịch vụ phù hợp cho nhóm doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, đẩy mạnh số hóa và khai thác tốt hơn thông tin khách hàng trong quá trình thẩm định; cân nhắc cung cấp các chương trình giáo dục tài chính thiết thực nhằm hỗ trợ khách hàng nâng cao chất lượng hồ sơ tài chính…
Phát biểu tại tọa đàm, bà Chu Hồng Minh, Chuyên gia tài chính cao cấp ADB, Giám đốc Dự án cho rằng, SME do phụ nữ làm chủ là một trong những đối tượng tiềm năng với các ngân hàng thương mại. Nội dung tọa đàm đã đi sâu vào những vấn đề Ngân hàng Nhà nước quan tâm, từ đó đưa ra những đề xuất, tư vấn, khuyến nghị để lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét, áp dụng đối với các chính sách tín dụng cho SME do phụ nữ làm chủ.