Sự kiện

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Những vụ việc xảy ra trong hoạt động đăng kiểm vừa qua hết sức nghiêm trọng

Thanh Hải 08/06/2023 15:14

Thời gian qua, có tới 600 lãnh đạo, công chức, viên chức, đăng kiểm viên bị khởi tố, trong 281 đơn vị đăng kiểm thì có tới 106 Trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa.

070620230330-z4412144503307_ae8c9e2973b210a5b3afed99a32eb4da.jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn trước Quốc hội

Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm cùng với Đăng kiểm Việt Nam về những sai phạm xảy ra trong hoạt động đăng kiểm

Trả lời chất vấn trước Quốc hội liên quan đến công tác đăng kiểm xe cơ giới, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, những vụ việc xảy ra trong hoạt động đăng kiểm vừa qua hết sức nghiêm trọng, gây ra hệ lụy lớn, khi doanh nghiệp, người dân phải chờ đợi trong hoạt động đăng kiểm.

“Có tới 600 lãnh đạo, công chức, viên chức, đăng kiểm viên bị khởi tố, trong 281 đơn vị đăng kiểm thì có tới 106 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng báo cáo trước Quốc hội và cho biết: “Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để tập trung tháo gỡ, khôi phục hoạt động đăng kiểm phục vụ cho người dân và doanh nghiệp”.

Đối với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động đăng kiểm, Bộ trưởng cho biết, đây là một trong những tồn tại, nguyên nhân khiến xảy ra sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm. Đặc thù của hoạt động đăng kiểm là tương đối khép kín, nên khi thanh tra tiến hành kiểm tra, chỉ kiểm tra được trên hồ sơ, trong khi sai phạm lại không nằm trên hồ sơ, hồ sơ rất đẹp nhưng vẫn xảy ra sai phạm.

Qua phân tích kỹ, có lỗ hổng trong hệ thống công nghệ thông tin, khi phần mềm bảo mật kém, bị lợi dụng, các trung tâm đăng kiểm đã sử dụng phần mềm can thiệp làm thay đổi số liệu trong hệ thống, nếu kiểm tra hồ sơ thì không thể phát hiện được. Đó là khó khăn của công tác thanh tra, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng thời gian qua thanh tra đã làm chưa hết trách nhiệm.

“Sự việc xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng như các Trung tâm đăng kiểm là một sự cố hết sức đau xót đối với lĩnh vực đăng kiểm nói riêng cũng như ngành giao thông vận tải nói chung. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm cùng với Đăng kiểm Việt Nam về những sai phạm xảy ra trong hoạt động đăng kiểm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết, ngay từ khi nhận công tác đã có nỗ lực nghiên cứu, điều chỉnh lại các quy định đăng kiểm cho phù hợp với thông lệ quốc tế, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân.

Bộ đang triển khai khắc phục, khôi phục hoạt động đăng kiểm, đồng thời rà soát lại toàn bộ hoạt động đăng kiểm để đảm bảo yêu cầu hiện đại, thông thoáng, chặt chẽ.

Bộ đã ban hành Thông tư 02, trong đó đề cập đến việc miễn đăng kiểm lần đầu, giãn chu kỳ đăng kiểm để phù hợp với các quy định của các nước trong khu vực. Bộ cũng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh khi giãn chu kỳ đăng kiểm thì không cần thiết phải khám xe rồi mới cấp tem kiểm định. Theo Bộ trưởng, việc làm này đã làm tiết kiệm thời gian cho hơn 1 triệu lượt xe.

Tuy nhiên, vẫn còn một số việc cần làm để khôi phục hoạt động đăng kiểm. Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính đưa vào dự thảo Luật Giá để loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá nhà nước quản lý, để thị trường quyết định, đảm bảo thu nhập cho các đăng kiểm viên.

Bộ cũng đang tập trung tuyển dụng, đào tạo cán bộ đăng kiểm, để có đủ lực lượng bố trí trở lại tất cả các trung tâm đăng kiểm, để tất cả dây chuyền đăng kiểm khi có đủ lực lượng sẽ trở lại hoạt động bình thường.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu tối đa việc kiểm định thủ công, đồng thời thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm qua mạng, thanh toán chuyển khoản.

Liên quan đến các Trung tâm đăng kiểm đóng cửa, Bộ trưởng cho biết, đến thời điểm này chỉ còn 2 tỉnh là Hòa Bình và Bắc Kạn chưa trở lại hoạt động do thiếu cán bộ, đăng kiểm viên. Bộ trưởng đã trực tiếp làm việc với địa phương và Bộ đã trực tiếp đào tạo nhân lực do địa phương giới thiệu để thi tuyển, cấp chứng chỉ để có thể giữ chức vụ lãnh đạo của Trung tâm đăng kiểm. Còn về đăng kiểm viên, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình chuẩn bị đầy đủ, dự kiến sẽ sớm mở lại Trung tâm đăng kiểm này.

Về quy hoạch chuyên ngành mạng lưới trung tâm đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, Luật Quy hoạch không có lỗi, mà vấn đề ở phản ứng chính sách của Bộ Giao thông vận tải. Khi Luật ra đời, quy hoạch này hết hiệu lực, bị bãi bỏ, đáng ra Bộ cần chỉ đạo Cục Đăng kiểm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn để kiểm soát nhưng Bộ đã không kịp làm việc đó, đây là một trong những nguyên nhân khiến các trung tâm đăng kiểm nở rộ.

070620230333-z4412144566721_600beadb8675ce33f4a49f21c5811122.jpg
Quang cảnh phiên họp

Tăng cường thanh tra, kiểm tra cấp giấy phép lái xe

Về nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực trong việc cấp giấy phép lái xe, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết Bộ đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cung ứng dịch vụ công. Việc cấp đổi gần như đã được liên thông toàn bộ dữ liệu, có thể đăng ký cấp đổi qua mạng.

Đối với việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, qua việc thanh kiểm tra trong thời gian qua, Bộ đã nhận diện được vấn đề. Trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện thể chế, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt trong phân định trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải các tỉnh trong thanh tra, kiểm tra đào tạo, cấp phép lái xe.

Đến nay toàn bộ hoạt động đào tạo, cấp phép lái xe đã được phân cấp xuống địa phương, Bộ chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND cấp tỉnh, chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải khắc phục triệt để vấn đề này.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi tham gia dự án BOT, PPP

Cũng trong phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải các liên quan đến thực trạng, nhiều doanh nghiệp đã chung tay đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT, tuy nhiên, đến nay một số doanh nghiệp không có khả năng hoàn vốn đầu tư do Bộ Giao thông vận tải đầu tư bằng ngân sách nhà nước tuyến song hành hoặc tuyến tránh, làm phá vỡ phương án tài chính của dự án. Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng có giải cụ thể cho vấn đề này.

Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án BOT, tuy nhiên sau đó nhà nước mở tuyến nhánh song song làm ảnh hưởng đến hiệu quả của các dự án đầu tư tuyến BOT.

Cách đây 10, 15 năm, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông rất lớn, nguồn lực có hạn, chúng ta đã tạo mọi điều kiện để mời gọi nhà đầu tư. Đến khi kinh tế xã hội phát triển, chúng ta xây dựng những kế hoạch, chiến lược, cùng với sự phát triển thực tiễn, khi rà soát lại, thấy cần tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông. Chính vì thế, nhiều dự án bị ảnh hưởng. Cụ thể, Bộ trưởng cho biết, khi hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông, rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bị chia sẻ lưu lượng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, ngay trong Luật PPP cũng quy định, khi một dự án đầu tư BOT của doanh nghiệp nếu doanh thu vượt quá 125% so với dự tính thì nhà đầu tư phải chia sẻ lại cho nhà nước. Nếu doanh thu thấp hơn dưới 75% so với dự tính, thì nhà nước phải chia sẻ với doanh nghiệp.

Riêng với dự án này (cao tốc Bắc Nam phía Đông), khi làm tuyến tránh Buôn Hồ, dự án BOT Quang Đức bị ảnh hưởng. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có ý kiến giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, trình Chính phủ phương án mua lại của nhà đầu tư.

“Đây là một tồn tại, hạn chế, sắp tới, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cơ chế thu phần vốn nhà nước đầu tư trên các tuyến cao tốc, cơ chế xử lý với các tuyến BOT bị ảnh hưởng do Nhà nước đầu tư các tuyến cao tốc, tuyến đường tránh”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Liên quan đến dự án PPP sau đó phải chuyển sang đầu tư công, Bộ trưởng chia sẻ đây cũng là trăn trở của cá nhân mình và của Bộ khi đến nay chưa kêu gọi được nhiều doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP.

“Cần tạo được niềm tin của doanh nghiệp thông qua xem xét có điều chỉn chỉnh phù hợp, hoàn thiện cơ chế chính sách, bảo đảm tính ổn định của chính sách, trường hợp thay đổi cơ chế chính sách thì điều khoản chuyển tiếp như thế nào… Thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến, mời gọi đầu tư các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn, huy động doanh nghiệp tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Thanh Hải