Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Không còn trường hợp sở hữu chéo trong ngân hàng
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan tới sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, ngân hàng thương mại là một định chế đặc biệt, do đó, việc kiểm soát, giám sát, quản lý theo tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt. Vấn đề này được Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao, tổ chức thanh tra, kiểm tra và hiện không còn trường hợp sở hữu chéo trong hồ sơ, sổ sách.
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày báo cáo cập nhật tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tháng 5 năm 2023 và tiếp thu, giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, chất vấn.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát
Cập nhật tình hình kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khá cho biết, đầu kỳ họp, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023. Trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6, trước tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế chịu tác động kép, vừa phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội và đạt được những kết quả tích cực.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát (CPI tiếp tục xu hướng giảm, bình quân 5 tháng ở mức 3,55%); các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 2,2% so với tháng 4 và tăng 0,1% so với cùng kỳ; khu vực nông nghiệp phát triển ổn định; thương mại, dịch vụ tiếp tục phục hồi nhanh.
Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đạt 22,2% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm 2022 nhưng số tuyệt đối cao hơn 41.000 tỷ đồng; thu hút vốn FDI tháng 5/2023 đạt gần 2 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt khoảng 95.000 doanh nghiệp. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được chú trọng, tăng cường. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực đối với triển vọng kinh tế Việt Nam.
Về điều hành kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng thời chú trọng các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống Nhân dân.
Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Về cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy chuyển đổi số, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), nhất là các quy định đang là rào cản đối với sản xuất kinh doanh (đến năm 2025 giảm ít nhất 20% quy định và 20% chi phí tuân thủ); yêu cầu thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, thẩm định, thẩm tra quy định về TTHC.
Tăng cường phân cấp, ủy quyền trong giải quyết TTHC và tái cấu trúc quy trình cung cấp dịch vụ công. Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ (đến năm 2025 giảm tối thiểu 20%). Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Về tăng năng suất lao động xã hội, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng năng suất lao động, trong đó tập trung phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Chú trọng phát triển kỹ năng mềm, ngoại ngữ, kỹ năng số, thích ứng với xu thế phát triển của công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; Khẩn trương hoàn thiện các chính sách, pháp luật; tạo lập khuôn khổ pháp lý triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh doanh mới và các quỹ đầu tư mạo hiểm phát triển khoa học công nghệ.
Về rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật; trong đó trình cấp có thẩm quyền xem xét việc mở rộng thí điểm tách giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư thành dự án độc lập; tăng thẩm quyền cho địa phương trong đầu tư phát triển các dự án kết cấu hạ tầng...
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, đề xuất hoặc chủ động ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; xử lý hiệu quả vướng mắc, bất cập, nhất là đối với các dự án công nghiệp, xây dựng, thương mại, bất động sản, các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, nhà ở. Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và rà soát, xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành, người dân, doanh nghiệp.
Bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cho biết, vẫn còn không ít hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên trong và bên ngoài, đúng như nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu, như tăng trưởng tín dụng thấp, tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, đứt gãy các chuỗi cung ứng, thị trường lao động, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn bất cập; chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tiếp tục giảm; sức mua của nhiều thị trường lớn, truyền thống suy giảm như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN… đã tác động, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực của nước ta.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, hiện nay hai thị trường này đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô.
Đối với thị trường bất động sản, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, khó khăn chủ yếu do nguyên nhân pháp lý, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, chưa phù hợp, năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế. “Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập hai tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do hai đồng chí Phó Thủ tướng làm tổ trưởng, để nghiên cứu, đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp”, Phó Thủ tướng cho biết.
Đến nay, hai Tổ công tác đã có báo cáo, Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo để hoàn thiện căn cứ pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp hoạt động thông suốt, hiệu quả. Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo công khai, minh bạch, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức, pháp luật, ổn định tâm lý.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ cũng đã ban hành, sửa đổi nhiều Nghị định, chỉ đạo trực tiếp các dự án bất động sản. Gần đây, dù còn nhiều khó khăn nhưng việc phát hành, thanh toán, gia hạn, đáo hạn đã ổn định, dần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Không còn trường hợp sở hữu chéo trong hồ sơ, sổ sách
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan tới sở hữu chéo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, ngân hàng thương mại là một định chế đặc biệt, vừa huy động vốn vừa cho vay, không phải sử dụng vốn của mình mà sử dụng vốn huy động, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, việc kiểm soát, giám sát, quản lý theo tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt. Vấn đề này được Ngân hàng nhà nước đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao, tổ chức thanh tra, kiểm tra và hiện không còn trường hợp sở hữu chéo trong hồ sơ, sổ sách.
Đối với chất vấn của các đại biểu về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng khẳng định đây là một trong những công tác hết sức quan trọng. Nhiệm kỳ vừa qua và hiện nay, công tác cổ phần hóa thực hiện không đạt yêu cầu như kế hoạch đề ra.
Phó Thủ tướng cho biết, nhiệm vụ này đang gặp một số khó khăn, vướng mắc về quan điểm chỉ đạo. Tại doanh nghiệp lớn, khi tiến hành cổ phần thoái vốn hay bán vốn được rất ít nên phải tính toán xu thế sắp tới, khả năng hoạt động hiệu quả, ngành nghề đó hỗ trợ cho những hoạt động chính hay hỗ trợ cho điều hành kinh tế vĩ mô để quyết định danh mục phù hợp.
Ngoài ra, trong quá trình cổ phần hóa, vấn đề khó nhất hiện hay là phương án sắp xếp về đất đai và xác định giá trị doanh nghiệp; khó khăn về nguồn vốn của xã hội đầu tư.
Căn cứ vào quy định của pháp luật, Quyết định số 360 về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty, các quy định pháp luật và đặc biệt là Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ sẽ có đánh giá lại đầy đủ, cụ thể. Trên cơ sở đó sẽ có giải pháp, kể cả về kế hoạch, phương án sắp xếp, về trình tự, thủ tục, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và bảo tồn, phát triển được vốn, góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế xã hội.