HOSE lãi gần 2.000 tỷ đồng năm 2022
Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) báo lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 1.946 tỷ đồng, giảm 23% so với năm 2021. Nguyên nhân sụt giảm là do doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ giảm sút.
Theo báo cáo thường niên năm 2022 vừa công bố, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết, doanh thu của HOSE được hình thành từ 3 hoạt động chính gồm: Doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ, doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ, doanh thu từ hoạt động tài chính.
Trong năm 2022, tổng doanh thu của HOSE đạt trên 2.508 tỷ đồng, giảm 728,89 tỷ đồng, tương đương 23% so với năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do giảm doanh thu từ hoạt động giao dịch chứng khoán (hoạt động nghiệp vụ), mặc dù doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ ghi nhận mức tăng trên 122,87 tỷ đồng tương đương 10,9% so với năm 2021.
Tổng chi phí năm 2022 là 562 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2021. Trong đó, chi phí giám sát thị trường vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí của HOSE, chiếm 66% với 371 tỷ đồng. Chi phí này giảm 25% so với năm trước và biến động tỷ lệ thuận với mức giảm doanh thu hoạt động giao dịch chứng khoán.
Kết quả, HOSE lãi trước thuế gần 1.946 tỷ đồng, giảm 23% so với mức lãi kỷ lục 2.536 tỷ đồng của năm 2021.
Năm 2022, HOSE cũng đã nộp về ngân sách nhà nước và cơ quan cấp trên khoảng 1.927,83 tỷ đồng, giảm khoảng 17,14% so với năm 2021. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp là 389,65 tỷ đồng và đóng góp từ lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định vào ngân sách nhà nước và cơ quan cấp trên khoảng 1.538,17 tỷ đồng. Tuy nhiên các khoản đóng góp cho ngân sách nhà nước vẫn đạt mức cao đến 280% so với năm 2020.
Về nhân sự, tính đến ngày 30/12/2022, tổng nhân sự của HOSE là 254 người (bao gồm cả người quản lý), tăng 26 người (tương ứng ứng tăng 3,25%) so với năm 2021. Đội ngũ nhân sự của HOSE có độ tuổi trung bình là 38 tuổi có trình độ, bề dày kinh nghiệm và tinh thần nhiệt huyết, năng động, ham học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn.
Nhìn lại năm 2022, HOSE đánh giá đây là một năm thử thách đối với nền kinh tế Việt Nam khi chịu những tác động kép cả từ bên ngoài và bên trong đến cùng một thời điểm.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, mặc dù trải qua nhiều biến động, thị trường tiếp tục giữ vững sự ổn định nhất định, vận hành an toàn và thông suốt, đa số các doanh nghiệp niêm yết đều hoạt động ổn định và có lãi, sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng tăng. Hoạt động huy động vốn trên thị trường vẫn đạt mức cao với hơn 57.127 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm 2021.
Tính đến hết ngày 30/12/2022, có 515 mã chứng khoán được niêm yết và giao dịch trên HOSE, trong đó có: 402 mã cổ phiếu, 3 mã chứng chỉ quỹ đóng, 11 mã chứng chỉ quỹ ETF, 99 mã chứng quyền có bảo đảm.
Tổng khối lượng chứng khoán niêm yết đạt 143,75 tỷ chứng khoán các loại, với tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá đạt khoảng 1,43 triệu tỷ đồng, đều tăng 17% về khối lượng và giá trị so với năm 2021.
Khối lượng giao dịch chứng khoán bình quân trong năm đạt hơn 693,65 triệu chứng khoán/ngày, với giá trị giao dịch bình quân đạt gần 17.185 tỷ đồng/ngày; giảm lần lượt 9% về khối lượng bình quân và 22% về giá trị bình quân so với năm 2021.
“Năm 2022, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức, HOSE đã đạt được một số kết quả trong công tác tổ chức thị trường và quản trị nội bộ. Việc tổ chức, sắp xếp các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và nhân sự theo mô hình hoạt động công ty mẹ - con đã hoàn thành, tạo điều kiện cho việc đổi mới công tác quản trị, điều hành phù hợp với mô hình tổ chức và hoạt động mới; công tác giám sát công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán, giám sát giao dịch bất thường được HOSE đặc biệt tăng cường nhằm siết chặt kỷ cương, kỷ luật thị trường. Thị trường đã được tổ chức, vận hành an toàn, ổn định, thông suốt, giao dịch chứng khoán lô lẻ đã được triển khai thành công, cung cấp thêm tiện ích giao dịch đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư”, Bà Nguyễn Thị Việt Hà, quyền Chủ tịch HOSE cho biết.