Hoạt động ngân hàng

Dấu ấn của ngành Ngân hàng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2023

Nguyễn Đức Lệnh 12/06/2023 - 19:34

Nhìn lại chặng đường vừa qua, trong điều kiện hết sức khó khăn, ngành Ngân hàng nói chung và ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh nói riêng đã hết sức nỗ lực và đạt được nhiều kết quả quan trọng với những dấu ấn gắn liền công tác phòng chống đại dịch cũng như phản ánh sức mạnh đoàn kết, sự năng động, trách nhiệm chia sẻ, đồng hành cùng thành phố,

Giai đoạn 2020-2023, thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng 2020-2025, có thể nói là giai đoạn khó khăn nhất do sự xuất hiện, bùng phát của đại dịch lịch sử mang tên COVID-19, đi cùng đó, những yếu tố địa chính trị và xung đột vũ trang cũng là những khó khăn, thách thức đã tác động, ảnh hưởng đến không nhỏ kinh tế đất nước nói chung và kinh tế thành phố nói riêng, nhất là trong điều kiện nền kinh tế đất nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, có độ mở lớn.

Hoạt động ngân hàng cũng không nằm ngoài việc chịu ảnh hưởng chung đó, tuy nhiên, nhìn lại chặng đường vừa qua, trong điều kiện hết sức khó khăn, ngành Ngân hàng nói chung và ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh nói riêng đã hết sức nỗ lực và đạt được nhiều kết quả quan trọng với những dấu ấn gắn liền công tác phòng chống đại dịch cũng như phản ánh sức mạnh đoàn kết, sự năng động, trách nhiệm chia sẻ, đồng hành cùng thành phố, các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Dấu ấn của ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh với sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2020-2023 gắn liền với những kết quả đạt được như sau:

Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng ổn định. Trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh ở quy mô toàn cầu, về mặt kinh tế, tác động của đại dịch COVID-19 khác nhiều so với tác động của khủng hoảng, song nghiêm trọng hơn bởi đe dọa và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trong bối cảnh đó, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng vẫn duy trì sự ổn định. Đây là kết quả có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng khi các lĩnh vực của nền kinh tế phục hồi và hoạt động trở lại mà trên hết còn góp phần đảm bảo an ninh tiền tệ, bảo đảm môi trường đầu tư, củng cố vị trí thương hiệu quốc gia, thu hút đầu tư để phát triển.

Trong nửa nhiệm kỳ đầu, tín dụng tăng trưởng bình quân 11,4%, đây là mức tăng trưởng phù hợp với định hướng điều hành của Ngân hàng Trung ương (NHTW) và diễn biến tình hình phát triển kinh tế xã hội thành phố giai đoạn này.

Hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố. Đây là kết quả nổi bật, ấn tượng gắn liền với dấu ấn về cơ chế chính sách tiền tệ, tín dụng hiệu quả của NHTW. Đặc biệt là các chính sách về lãi suất; về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ (đối với những doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19), đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định và phục hồi tăng trưởng. Trong giai đoạn này, hơn 3 triệu tỷ đồng nợ được giảm lãi suất, cơ cấu lại và cho vay mới với lãi suất thấp đã giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định để tăng trưởng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố, với mức tăng GRDP ấn tượng 9,03% vào năm 2022.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng Thành phố cũng thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách; gói tín dụng hỗ trợ người lao động, người thu nhập thấp; hỗ trợ tài chính và các nguồn lực, trang thiết bị y tế, trực tiếp tham gia phòng chống dịch… góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nhất là giai đoạn đại dịch bùng phát.

Dịch vụ ngân hàng phát triển và thúc đẩy, mở rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, trong điều kiện phải thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và ngưng hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội, việc ngành Ngân hàng vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo an toàn và thanh toán trong nền kinh tế thông suốt, hiệu quả là kết quả có ý nghĩa quan trọng, không chỉ góp phần phòng chống dịch hiệu quả mà còn thúc đẩy tăng trưởng phát triển một số ngành kinh tế trong giai đoạn này như thương mại điện tử; vận tải; hoạt động xuất nhập khẩu; lĩnh vực y tế, giáo dục…

Dịch vụ ngân hàng điện tử, các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mà hệ thống ngân hàng cung cấp đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng 35% về mặt số lượng và trên 40% về mặt giá trị. Đặc biệt ý nghĩa hơn, qua hoạt động này, thói quen sử dụng tiền mặt đã có những thay đổi tích cực, người dân sử dụng ngày càng phổ biến hơn các dịch vụ ngân hàng điện tử: thẻ ngân hàng; internet banking; mobile banking; ví điện tử và QR code…

Thực hiện tốt các chương trình tín dụng phát triển kinh tế xã hội thành phố. Cho vay kích cầu đầu tư; cho vay khu chế xuất, khu công nghiệp; Cho vay nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế (doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp&nông thôn và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao); cho vay bình ổn thị trường. Trong đó tham mưu tổ chức thực hiện tốt chương trình: “Kết nối các ngân hàng, tổ chức tài chính và Nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025”, một trong 51 đề án, chương trình của Thành ủy, UBND thành phố nhằm thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025 của Thành phố.

Nửa nhiệm kỳ đầu đã có hơn triệu tỷ đồng giải ngân cho vay doanh nghiệp thuộc các đối tượng này, gắn với các gói tín dụng ưu đãi; các chương trình và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phát triển. Trong đó, năm 2021 giải ngân cho vay 487.212 tỷ đồng cho 29.471 khách hàng; năm 2022 giải ngân cho vay: 545.965 tỷ đồng cho 32.073 khách hàng và 5 tháng đầu năm đã giải ngân được 117.000 tỷ đồng cho 31.492 khách hàng.

Tổ chức thực hiện tốt các chương trình, đề án phát triển ngành. Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng giai đoạn 2020-2025 và đến năm 2030; chương trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng và kế hoạch mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt; đề án cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu; thực hiện cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả công vụ… trên cơ sở đó thực hiện tốt nhiệm vụ ngắn hạn và chương trình hàng năm phù hợp với diễn biến và tình hình kinh tế xã hội gắn với yêu cầu phát triển trong trung dài hạn về tăng trưởng và phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả, khắc phục những tồn tại, hạn chế nội tại của ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Bằng các hành động cụ thể, thiết thực và phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và khát vọng phát triển, ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đã và đang hết sức nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ nhiệm kỳ được Thành ủy, UBND TP và NHTW giao cho trong giai đoạn 2020-2025.

Nguyễn Đức Lệnh