Lãi suất cho vay giảm mạnh đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế
Về mặt chính sách, việc điều chỉnh lãi suất lần này (ngày 16/6) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được nhìn nhận là có tác động toàn diện.
Theo đó, việc NHNN điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành (lãi suất cho vay qua đêm; lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu) có tác động đến thị trường II, tạo điều kiện cho các TCTD về thanh toán, nguồn vốn, đảm bảo thanh khoản tốt, có tác động tích cực đến hoạt động khai thác và sử dụng vốn của các TCTD và gián tiếp đến thị trường I và hoạt động cho vay.
Trong khi đó, việc giảm lãi suất tiền gửi (loại tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng về mức 4,75%/năm ) và lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền VND đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực: doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp&nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao về mức 4%/năm, có tác động trực tiếp đến lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các TCTD theo xu hướng tiếp tục giảm.
Việc điều chỉnh này và sự điều hành chính sách của NHNN, phản ánh mục tiêu và hành động quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của NHNN và ngành ngân hàng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát và những tín hiệu khả quan từ thị trường tài chính quốc tế, mặc dù còn tồn tại khó khăn thách thức và diễn biến khó lường, phức tạp từ tình hình kinh tế và biến động địa chính trị trên thế giới. Trong đó, việc giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực (doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp&nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) về mức 4%/năm, nhìn ở góc độ quản lý, là sự điều chỉnh mạnh, nhằm mục đích trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng kinh tế. Điều này phản ánh trên 3 phương diện sau:
Thứ nhất, lĩnh vực xuất khẩu; nông nghiệp &nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nhóm ngành, lĩnh vực được áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền VND tối đa không vượt quá mức lãi suất NHNN quy định. Theo đó, mức lãi suất NHNN vừa điều chỉnh về 4%/năm là mức lãi suất thấp nhất kể từ khi áp dụng cơ chế này.
Thứ hai, lĩnh vực xuất khẩu; nông nghiệp nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế. Với mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền VND thấp, sẽ trực tiếp hỗ trợ và hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp về mặt chi phí sử dụng vốn, từ đó tác động nhanh đến sản xuất kinh doanh, kích thích tăng trưởng. Do vậy, việc điều chỉnh giảm mạnh lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên, là chủ trương đúng, trúng và là hành động cụ thể hóa các giải pháp của NHNN, của Chính phủ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của ngành ngân hàng.
Thứ ba, chính sách tốt, chủ trương đúng và điều hành linh hoạt, kịp thời của NHNN. Về mặt tổ chức triển khai thực hiện chính sách này, trên thực tế không có nhiều khó khăn vướng mắc, bởi quy chế cho vay và hoạt động tín dụng của các NHTM theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã và đang thực hiện tốt.
Ở góc độ quản lý, chương trình cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực này, được theo dõi và báo cáo định kỳ. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh tổng dư nợ cho vay đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực này khoảng 200.000 tỷ đồng, doanh số cho vay hằng năm khoảng 500 -600 nghìn tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi đã hỗ trợ trực tiếp và mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở góc độ thực thi và truyền thông chính sách; góc độ sử dụng vốn hiệu quả và yêu cầu về điều kiện để áp dụng lãi suất này, các doanh nghiệp thuộc 5 nhóm ngành ưu tiên trên cần phải đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện tín dụng, nguyên tắc tín dụng, có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch (theo quy định cụ thể tại Thông tư 39, được TCTD thẩm định, đánh giá và cho vay). Chính sách do NHNN ban hành và nguồn vốn cho doanh nghiệp vay là của TCTD, do vậy việc quyết định cho vay phụ thuộc vào khả năng tài chính, chi phí vốn và quá trình khai thác và sử dụng vốn của TCTD. Vì vậy, doanh nghiệp, người dân cũng cần nhận diện, nắm bắt đầy đủ ý nghĩa và mục tiêu của chính sách này, để cùng ngành ngân hàng thực hiện hiệu quả chính sách.
Theo đó, về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp cần đảm bảo đáp ứng được điều kiện tín dụng, nguyên tắc tín dụng và sử dụng vốn vay hiệu quả, trách nhiệm. Đặc biệt, không ngừng đổi mới và nâng cao năng lực quản trị điều hành, có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh để tiếp cận thuận lợi không chỉ những chính sách hỗ trợ của TCTD, của NHNN mà còn từ Chính phủ đúng với tinh thần Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, có trách nhiệm của doanh nghiệp để không ngừng cải thiện và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng từ chính các doanh nghiệp.