An Giang: Hội tụ đủ các điều kiện phát triển nhanh, xanh, bền vững
Chiều ngày 17/6, tại thành phố Long Xuyên, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang.
Báo cáo của tỉnh An Giang và các ý kiến tại cuộc làm việc thống nhất đánh giá, những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Năm 2022, đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra, trong đó vượt 7 chỉ tiêu. GRDP tăng 6,87%, vượt mục tiêu 5,20% và cao nhất từ năm 2018 đến nay; kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 62%). Thu ngân sách nhà nước vượt 23% kế hoạch. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng gần 37,1%.
Nông nghiệp phát triển theo hướng sản phẩm chất lượng cao theo quy mô lớn; sản lượng thủy sản đạt gần 620 nghìn tấn, tăng 8,43% so với năm 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,5%. Dịch vụ, du lịch phục hồi tốt; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng gần 20%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 10,4%, xuất siêu 0,95 tỷ USD; đón 7,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 127% so với năm 2021.
Nửa đầu năm 2023, tình hình KTXH tỉnh tiếp tục khởi sắc. GRDP quý I tăng 5,31%, cao hơn bình quân chung cả nước (3,32%); 6 tháng ước tăng 6,5%. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt gần 60% kế hoạch.
Nông nghiệp tiếp tục khởi sắc; ước 6 tháng đầu năm tăng 3,29% (cao hơn mức tăng cùng kỳ là 2,51%). Dịch vụ, du lịch tiếp tục phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng tăng 17,6%; 6 tháng đầu năm đón khoảng 6 triệu lượt khách, tăng 15% so với cùng kỳ và đạt 75% so với kế hoạch. Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng trưởng tích cực, ước 6 tháng đầu năm tăng 9,51% (cao hơn mức tăng cùng kỳ là 7,21%).
Công tác lập quy hoạch được triển khai đảm bảo tiến độ. Hạ tầng KTXH, nhất là hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm; chính sách cho đồng bào dân tộc, giảm nghèo được triển khai đồng bộ. Quốc phòng, an ninh, biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của An Giang như tăng trưởng GRDP chưa bền vững; chuỗi sản xuất chưa gắn kết chặt chẽ với chuỗi tiêu thụ, đầu ra sản phẩm hàng hóa gặp khó, thiếu bền vững.
Nông nghiệp vẫn còn sản xuất nhỏ và phân tán, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu... Công nghiệp hỗ trợ của tỉnh chưa phát triển mạnh do năng lực tổ chức, quản lý và công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp sản xuất chính.
Việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, du lịch, ứng phó biến đổi khí hậu còn chưa đáp ứng yêu cầu. Cũng như nhiều tỉnh ĐBSCL, tỉnh chịu tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu, tình hình sạt lở bờ sông tiếp tục gia tăng, đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh.
Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa đạt yêu cầu. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thứ 44/63 cả nước; chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2022 thứ 42/63 cả nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 thứ 54/63 cả nước. Liên kết và hợp tác kinh doanh còn hạn chế, sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu còn khiêm tốn.
Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phần lớn hộ nghèo thiếu sinh kế, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.
Thủ tướng và các đại biểu cũng dành nhiều thời gian phân tích về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của An Giang.
Theo đó, An Giang là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Tỉnh có diện tích tự nhiên trên 3,5 nghìn km2 (thứ 4/13 vùng ĐBSCL); dân số gần 2,2 triệu người (đứng đầu trong vùng) với 4 dân tộc chủ yếu là Kinh, Hoa, Khmer và Chăm.
Hệ thống giao thông khá thuận lợi (cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không; hệ thống sông ngòi, kênh rạch đan xen; gần cảng và sân bay Cần Thơ... Đặc biệt, tuyến đường bộ cao tốc An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng vừa khởi công, tạo thêm động lực phát triển cho tỉnh.
Khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi phát triển nông nghiệp: Khí hậu tương đối ôn hòa, ít chịu tác động của thiên tai, bão lũ; nguồn nước mặt và nước ngầm phong phú, có 2 sông lớn là sông Tiền và sông Hậu; đất đai màu mỡ, 44,5% diện tích tỉnh là đất phù sa.
Tỉnh có đường biên giới dài 104 km với Campuchia. Có 2 cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Vĩnh Xương, thuận lợi phát triển kinh tế biên mậu.
An Giang có nhiều di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, địa danh nổi tiếng di tích Óc Eo-Ba Thê, khu du lịch núi Cấm, khu du lịch núi Sam, rừng tràm Trà Sư..., thuận lợi phát triển du lịch. Tài nguyên khoáng sản phong phú, bao gồm đá granit, đá cát kết, cao lanh, than bùn, vỏ sò và nhiều loại khác.
Hệ thống giáo dục tương đối phát triển, đặc biệt có Trường Đại học An Giang, đào tạo đa ngành, thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM, trong nhóm trường đại học trọng điểm quốc gia.
An Giang có truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng; người dân yêu nước, anh dũng, kiên cường, thân thiện, cần cù, yêu lao động, năng động, sáng tạo.
Các đại biểu cho rằng, với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, tỉnh An Giang hội tụ đủ các điều kiện riêng có để phát triển nhanh, xanh, bền vững, trở thành tỉnh phát triển của vùng ĐBSCL và cả nước.
Về định hướng thời gian tới của tỉnh, Thủ tướng nêu rõ cần tiếp tục xác định sẽ có nhiều khó khăn, thách thức hơn là cơ hội và thuận lợi; đánh giá cao với định hướng và quyết tâm của tỉnh.
Thủ tướng yêu cầu An Giang quán triệt nghiêm túc, triển khai đồng bộ, hiệu quả và vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 13-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL, Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh với cách làm, tư duy mới, đột phá để phát triển bứt phá, bởi "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân".
Tận dụng tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng lưu ý một số trọng tâm:
Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, An Giang cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân với các giải pháp như giảm lãi suất cho vay, miễn giảm thuế, phí, lệ phí, giải ngân đầu tư công, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để đẩy mạnh đầu tư tư nhân và thu hút FDI, nâng cao chất lượng hàng hóa, nông sản xuất khẩu…
Chủ động xây dựng các nghị quyết, đề án, quy hoạch phát triển để triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng - coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Khẩn trương trình ban hành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, Chiến lược trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển thị trường nông sản trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỉ trọng các ngành chế biến. Xây dựng các cụm công nghiệp; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường và tham gia trong chuỗi giá trị.
Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó tập trung phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng cường bền vững trong dài hạn.
Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt quan tâm tới tình trạng sạt lở đất…
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường; phát triển các sản phẩm đặc thù, riêng có, nhất là du lịch văn hóa, du lịch tâm linh và phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp. Tăng cường truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch.
Tập trung đầu tư phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục - đào tạo con em người dân tộc thiểu số. Triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội, an sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, ý chí, khát vọng vươn lên để giảm nghèo nhanh, bền vững. Tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ phát triển mạnh kinh tế biên giới, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh quốc phòng và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh về phát triển kinh tế, góp phần đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Campuchia.
Nâng cao các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI); chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cơ sở, trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thủ tướng nêu rõ, cần tập trung tối đa nguồn lực cho Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và các dự án trọng điểm của tỉnh, khai thác lợi thế giao thông đường thủy.
Cùng với đó, xây dựng các nút giao kết nối các trung tâm kinh tế với đường cao tốc và khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, các khu đô thị, dân cư… với đường cao tốc, khai thác hiệu quả sử dụng đất hai bên đường cao tốc để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời, Thủ tướng Chính phủ đã cho ý kiến chỉ đạo, chủ trương xử lý các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, trong đó có kiến nghị liên quan tới tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.