Nhìn ra thế giới

Nhật Bản ra, Thụy Sỹ vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ của Mỹ

M.N 19/06/2023 11:34

Ngày 16/6, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã loại Nhật Bản ra khỏi danh sách các đối tác thương mại lớn bị theo dõi vì các hoạt động ngoại hối tiềm ẩn không công bằng lần đầu tiên kể từ năm 2016, trong khi đó Thụy Sỹ được thêm vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ. Bên cạnh đó, không có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ bị gắn mác thao túng tiền tệ.

Trong báo cáo bán niên trước Quốc hội, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa 7 nền kinh tế vào danh sách giám sát của mình – Trung Quốc, Đức, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Đài Loan (Trung Quốc).

Báo cáo này xem xét các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ tích cực can thiệp vào thị trường ngoại hối để đạt được lợi thế thương mại.

Đối với danh sách này, 3 tiêu chí được sử dụng để đánh giá liệu một quốc gia có thao túng tỷ giá hối đoái để đạt được lợi thế thương mại không công bằng hay không.

Ba yếu tố này là: quy mô của thặng dư thương mại với Mỹ, quy mô của thặng dư tài khoản vãng lai và mức độ can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Trong khi Nhật Bản thực hiện các biện pháp can thiệp ngoại hối vào tháng 9 và tháng 10 năm ngoái nhằm ngăn chặn sự mất giá nhanh chóng của đồng Yên so với đồng đô la Mỹ (USD), một quan chức Bộ Tài chính cho biết trong một cuộc họp báo rằng không cần tiếp tục liệt kê quốc gia này vào một trong những tiêu chí được áp dụng là “hành động can thiệp dai dẳng.”

Trong báo cáo, đề cập đến những diễn biến trong năm 2022, Bộ Tài chính Mỹ cho biết Nhật Bản đã không phạm phải 2 trong 3 tiêu chí trong hai lần báo cáo liên tiếp, nghĩa là có thể được loại khỏi danh sách. Tuy nhiên, vẫn còn một tiêu chí là thặng dư thương mại khổng lồ của Nhật Bản với Mỹ.

Còn đối với Thụy Sĩ, quốc gia này đã từng bị tuyên bố là thao túng tiền tệ vào tháng 12/2020 và trở thành chủ đề của các cuộc thảo luận "tăng cường", mặc dù nước này đã bị xóa khỏi danh sách giám sát vào năm ngoái.

Một quan chức Bộ Tài chính lưu ý rằng vẫn còn những lo ngại về số dư tài khoản vãng lai của Thụy Sỹ, đồng thời cho biết thêm rằng cả hai bên sẽ tiếp tục thảo luận về các cách giải quyết vấn đề này.

Trung Quốc cũng được giám sát chặt chẽ về việc không công bố thông tin về các can thiệp ngoại hối và "sự thiếu minh bạch xung quanh các tính năng chính của cơ chế tỷ giá hối đoái." Quan chức này cho biết thêm, sự mất cân bằng thương mại của Trung Quốc với Mỹ là một yếu tố khác khiến nước này có tên trong danh sách.

Bắc Kinh từ lâu đã phải đối mặt với sự giám sát, với việc Washington thường xuyên cáo buộc Chính phủ nước này giữ tỷ giá hối đoái thấp một cách giả tạo thông qua kho dự trữ USD khổng lồ, làm suy yếu các nhà sản xuất và công nhân Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết: “Hầu hết các can thiệp ngoại hối của các đối tác thương mại Mỹ trong năm ngoái là dưới hình thức bán đô la, những hành động nhằm củng cố đồng tiền của họ”.

Bà nói thêm rằng mặc dù nền kinh tế toàn cầu đã phục hồi tốt hơn nhiều người mong đợi, nhưng xung đột Nga- Ukraine đè nặng lên triển vọng và làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực và năng lượng.

M.N