Lối rẽ mới của bán lẻ
Livestream (phát trực tiếp) trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram hay các sàn thương mại điện tử đang trở thành một kênh bán hàng được nhiều doanh nghiệp hoặc các chủ đơn vị kinh doanh tận dụng, nhờ khả năng tương tác trực tiếp với khách hàng.
Dịch chuyển mạnh mẽ
Đầu năm 2023, một tài khoản mang tên Phạm Thoại đã lập kỷ lục livestream bán hàng liên tục trong 24 giờ trên nền tảng TikTok Shop. Buổi livestream được ghi nhận thu hút hơn 5,1 triệu lượt người xem, hơn 75.000 đơn hàng được chốt, với hơn 76.000 sản phẩm bán ra.
Đến giữa tháng 3/2023, một nhân vật khác được mệnh danh “chiến thần review” là Hà Linh trong lần đầu livestream bán hàng trên nền tảng TikTok cũng đạt những con số ấn tượng, như hơn 80.000 người xem cùng lúc, bán hết sản phẩm của một kho và hai nhà máy, chỉ trong hơn 1 giờ đồng hồ.
Trong lần livestream gần đây cùng thương hiệu dược phẩm Hoa Linh, nữ “chiến thần review” này tiếp tục gây bão, khi thu hút tới hơn 300.000 người theo dõi, nhiều người mua hàng đến mức gây lỗi cho hệ thống TikTok Shop.
Xu hướng livestream bán hàng thậm chí còn thu hút cả chính lãnh đạo nhiều doanh nghiệp tham gia livestream để tăng tỷ lệ chốt đơn hàng. Điển hình là trường hợp của Di Động Việt – doanh nghiệp sở hữu hơn 60 cửa hàng bán lẻ đồ công nghệ trên toàn quốc.
Trong “buổi livestream lịch sử xuyên suốt 24 giờ” ngày 1/4/2023, CEO của Di Động Việt là người mở màn 2 giờ đầu tiên. Sau đó, là sự tham gia của các KOC (người tiêu dùng chủ chốt), reviewer công nghệ và chính các nhân viên của Di Động Việt…
Đáng chú ý, buổi livestream này có sự kết hợp giữa hình thức giải trí và mua sắm online theo đúng xu hướng “shoppertainment” (mua sắm tích hợp giải trí) với những màn minh họa, nhảy múa, giao lưu và bán hàng… Kết quả, sau 24 giờ livestream liên tục, Di Động Việt đã thu hút được 1 triệu lượt xem và gần 4 triệu lượt yêu thích, bán ra gần 4.000 sản phẩm với hơn 3.000 đơn hàng, thu về nhiều tỷ đồng doanh thu.
Có thể thấy, livestream bán hàng đang thực sự bùng nổ mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội cùng các trang thương mại điện tử tại Việt Nam, nhất là khi giới trẻ ngày càng dành nhiều thời gian để lướt mạng xã hội. Tại một sự kiện của ngành marketing diễn ra cuối năm 2022, đại diện TikTok Việt Nam cho biết ý tưởng của nền tảng này là bán hàng ngay cả cho những người không có nhu cầu.
Theo đại diện Tik Tok Việt Nam, ý tưởng này dựa vào con số người dùng trên Tik Tok ở Việt Nam rất đông, mỗi ngày có đến 50 triệu giờ xem video, chưa kể xem livestream. Điều này giống như việc mọi người đi dạo các trung tâm thương mại vào cuối tuần và phát sinh việc mua sắm khi dạo qua các gian hàng.
Thực tế cho thấy, kể từ sau những gián đoạn do đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp và người dùng đã có xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ từ mua - bán hàng trực tiếp sang mua - bán hàng online.
Kinh nghiệm Trung Quốc
Nhìn nhận về xu hướng này, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, xu hướng bán hàng qua mạng xã hội, nhất là qua livestream, đang và sẽ khiến các cách thức bán hàng truyền thống từ từ sụt giảm.
“Nhiều nhà bán lẻ truyền thống đã nhận ra doanh số của họ đang sụt giảm một cách kinh ngạc, và cũng nhận ra những trung tâm thương mại hay con phố sầm uất một thời giờ đã trở nên vắng vẻ lạ thường. Thực ra một phần lý do là do khá nhiều khách hàng đã mua qua livestream, nên ít mua hàng trực tiếp hơn”, ông Long cho biết.
Theo ông Long, có thể hiện nay không ít doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn liệu livestream bán hàng có phải là xu hướng tất yếu hay không. Tuy nhiên, nếu nhìn sang Trung Quốc, có thể thấy, livestream bán hàng hiện đã trở thành “mạch máu” của ngành bán lẻ, nhiều doanh nghiệp đã có những khu vực chuyên để livestream bán hàng.
Hơn thế nữa, nhiều trường học tại quốc gia này đã đưa livestream thành một môn học chính thức, và pháp luật Trung Quốc cũng có những quy định liên quan đến livestream.
“Xu hướng này đang diễn ra rất nhanh, cho nên những đơn vị truyền thống nào mà đến giờ phút này vẫn đang băn khoăn hỏi livestream là gì, liệu rằng nó có ổn không, thì như vậy là đang tiếp cận mọi thứ rất chậm”, ông Long nhìn nhận.
Cũng theo ông Long, livestream không còn là gì quá mới và đang đi rất xa, thậm chí đang thịnh hành livestream có xu hướng giải trí hay “shoppertainment”, tức là đánh vào tâm lý vừa muốn trải nghiệm mua sắm, vừa tìm kiếm những trải nghiệm thú vị và truyền cảm hứng của khách hàng thế hệ số.
“Tất nhiên, phương thức nào cũng có hai mặt, có cái được và không được, và livestream không phải ngoại lệ”, ông Long nói, và cho rằng dù có thể tương tác với người bán và nhìn sản phẩm rõ ràng hơn việc mua hàng online trước đây, nhưng thực chất livestream bán hàng vẫn là hình thức mua hàng online, người mua không thể cầm nắm sản phẩm vật lý được, dẫn đến việc có thể bị đánh lừa thị giác và sẵn sàng “chốt đơn” một cách nhanh chóng với tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ), nhưng món hàng thực tế nhận được đôi khi không giống như trên livestream.
Ngoài ra, khi mua hàng online, người mua cũng có thể mua nhầm phải hàng gian, hàng giả. Vấn nạn hàng giả sẽ là một thách thức rất lớn cho các nền tảng.
Dù vẫn có một số khuyết điểm, vị chuyên gia này cho rằng livestream bán hàng vẫn tiếp tục xu hướng đi lên, đơn giản bởi những hạn chế đã bộc lộ vẫn ít hơn so với những lợi thế.
Mặt khác, để tránh các “tai nạn” gây phản tác dụng có thể xảy ra trong hoạt động livestream bán hàng, ông Long lưu ý, các đơn vị muốn livestream nên xác định, đây không phải cách thức bán hàng hoàn hảo, cũng có những rủi ro, nhưng quan trọng là cần chuẩn bị kỹ càng các sản phẩm và thông điệp về sản phẩm, lựa chọn người livestream phù hợp, và nhất định phải dự phòng trong xử lý khủng hoảng truyền thông, nếu có.
Theo thống kê của Ecomobi - một nền tảng hỗ trợ bán hàng qua mạng xã hội - ngành công nghiệp livestream bán hàng dự kiến sẽ đạt giá trị hơn 184 tỷ USD vào năm 2027. Báo cáo của Ecomobi cũng cho thấy, có khoảng 34% người dùng thuộc thế hệ Z (sinh từ năm 1997 đến 2015) đã thể hiện sự quan tâm khá lớn đến hình thức livestream, đặc biệt là trên các nền tảng xã hội. |