Xác định giá đất cần minh bạch theo nguyên tắc thị trường
Phát biểu tại phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho biết, hàng triệu niềm tin người dân kỳ vọng Luật Đất đai sau sửa đổi sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý đất đai thời gian qua.
Đóng góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn ĐBQH Quảng Ninh) cho rằng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã thể hiện nhiều điểm mới, làm rõ nhiều vấn đề hơn so với những lần trước. Tuy nhiên, Luật cần có sự thống nhất với các quy định khác có liên quan, tránh sự chồng chéo với các luật khác.
Góp ý vào Điều 19 và Điều 79 về việc thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị quy định rõ về việc thu hồi đất tại các khu kinh tế để phục vụ cho việc phát triển kinh tế. Ngoài ra, cần có quy định rõ về các chủ thể kinh doanh được thuê đất, đất do Nhà nước quản lý.
Về điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp quy định ở Điều 48 dự thảo Luật, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn ĐBQH Long An) đề nghị cần phải nghiên cứu, rà soát thêm để phù hợp với pháp luật về quyền dân sự, quyền cư trú. Đại biểu đề xuất cho phép chuyển đổi khi đủ điều kiện là được phép chuyển đổi trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, làm rõ, minh bạch nguyên tắc thị trường để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Thực tiễn trong thời gian qua, việc bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi không chỉ ở vấn đề tính tiền bồi thường khi thu hồi đất mà còn ở phương pháp, phương án hỗ trợ tái định cư theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Theo đại biểu, việc duy trì một mặt bằng hợp lý các chi phí liên quan đến đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển bền vững.
Đại biểu Tao Văn Giót (Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu) đề nghị, cần có những quy định cụ thể về các nguyên tắc căn cứ, phương pháp định giá đất đối với từng đoạn, từng loại đất. Theo đại biểu, dự thảo Luật quy định còn rất chung như phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường, tuân thủ phương pháp trình tự thủ tục đất đai là phương pháp trình tự, thủ tục như thế nào? hay căn cứ xác định giá đất các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất là những yếu tố nào?.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo soạn thảo cần có những quy định cụ thể về các nguyên tắc căn cứ, phương pháp định giá đất đối với từng đoạn, từng loại đất còn lại ở những vấn đề có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết thì sẽ khả thi hơn.
Về phương pháp định giá đất, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị tiếp tục đánh giá để quy định cho hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất vì hiện nay trong 4 phương pháp theo quy định hiện hành có vướng mắc, khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cũng đề nghị ban soạn thảo cần có quy định rõ ràng, minh bạch về công tác thu hồi đất, đồng thời chú trọng giải quyết những bất cập của giá đất để hạn chế tối đa lợi ích nhóm, từ chênh lệch địa tô, kiểm soát được quyền lực của Nhà nước trong giao giao đất, cho thuê đất và thu hồi đất, hoàn thiện chế chế định thu hồi đất, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước và của nhân dân.
Ngoài ra, trước thực trạng là thời gian qua có những nội dung của Luật có cách diễn giải áp dụng theo nhiều cách khác nhau ở từng luật khác nhau, gây khó khăn, lãng phí cho người dân và doanh nghiệp, cơ quan quản lý. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị Chính phủ cần phải có kế hoạch rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định các luật khác như Luật Quản lý tài sản công, Luật Đấu giá tài sản, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, các Luật về thuế… để đảm bảo đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi) nói riêng và đảm bảo tính đồng bộ nhất quán của hệ thống vi phạm pháp luật liên quan đến đất đai nói chung khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua.
Theo đại biểu, Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường và các bộ, ngành liên quan cần tập trung truyền thông sâu các điểm mới của chính sách đất đai để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ và thực hiện.
Giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, rà soát quy định về tài chính đất, giá đất, đánh giá đầy đủ tác động nghiên cứu kỹ lưỡng chi phí đất đai là chi phí đầu vào quan trọng của nền kinh tế, đảm bảo phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai và đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất, nhà đầu tư.
Đối với nguyên tắc, phương pháp định giá đất, áp dụng bảng giá đất và giá đất cụ thể và phương pháp tính định giá đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự thảo Luật Đất đai bỏ khung giá đất và sẽ thực hiện bảng giá đất hàng năm. Sau khi Luật Đất đai có hiệu lực sẽ xây dựng bảng giá đất hàng năm lần đầu tiên và dự kiến sẽ xong trước ngày 31/12/2025.
Về phương pháp tính định giá đất, dự thảo Luật đưa ra 4 phương pháp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ 4 phương pháp này sẽ bao trùm tất cả những trường hợp của đất đai. Về định giá đất cụ thể thì tùy theo trường hợp, địa phương sẽ quyết định trong đó đảm bảo phòng chống tham nhũng, tiêu cực và sát nhất với với thị trường và đảm bảo được công bằng.
Về thực hiện đấu giá đấu thầu giao đất cho thuê đất theo thỏa thuận thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ ưu tiên việc đấu giá đất. Đồng thời, nghiên cứu quy định về việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nên giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định về những dự án trọng điểm, những dự án quan trọng, những dự án vì sự cần thiết của địa phương.
Để đảm bảo tính thống nhất và tránh chồng chéo giữa dự thảo Luật Đất đai sửa đổi với các dự thảo Luật khác, Bộ trưởng cho biết, xác định nguyên tắc đối với các luật được ban hành trước ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành thì sẽ rà soát luật nào có quy định mâu thuẫn, xung đột thì quy định cụ thể về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ ngay tại dự thảo luật, bảo đảm có hiệu lực đồng bộ và bảo đảm tính khả thi. Đối với các luật đã có trong chương trình xây dựng pháp luật như Luật Giá, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Công chứng, Luật Đấu thầu… sẽ được rà soát, thống nhất quy định với Luật Đất đai.