Thị trường

Đằng sau cuộc chiến giá rẻ: Ngấm "liên hoàn chiêu" từ "ông lớn" (kỳ 3)

Đinh Thơm 23/06/2023 12:46

"Doanh thu sau nửa đầu năm 2023 của CellphoneS dự kiến chỉ tăng trưởng 8% so với 2022, mức thấp nhất trong nhiều năm và chỉ tiêu về lợi nhuận bị giảm sút do cạnh tranh giá, nhiều nhóm ngành hàng bán dưới giá vốn", đại diện CellphoneS cho biết.

Thế Giới Di Động tung "liên hoàn chiêu"

Cuối tháng 4/2023, trong bối cảnh thị trường công nghệ thông tin và điện tử gia dụng (ICT và CE) gặp khó khăn, sức mua yếu do ảnh hưởng của lạm phát, “ông lớn” Thế Giới Di Động (mã MWG) đã mở màn chiến dịch "Giá rẻ quá" để kích cầu.

Cuộc chiến ngay sau đó đã buộc các nhà bán lẻ lớn khác như FPTshop, CellphoneS, Di động Việt… tham chiến với những thông điệp "phản đòn" lại Thế Giới Di Động như “Rẻ hơn rẻ quá”, “Rẻ hơn các loại rẻ”, “Rẻ nữa”…

Chưa đầy nửa tháng sau khi cuộc chiến bắt đầu, nhiều sản phẩm ICT và CE đã thiết lập một mặt bằng giá mới và giá bán cùng một sản phẩm tại các chuỗi bán lẻ gần như chỉ so kè nhau từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng.

Tuy nhiên, giữa lúc cuộc chiến giá rẻ tưởng chừng có dấu hiệu "hạ nhiệt", thì với quyết tâm khiến đối thủ "rên xiết", sang tháng 6/2023, Thế Giới Di Động lại tiếp tục chuyển hướng với chiêu bài mới mang tên “mở bán đặc biệt”.

mwg1-8163.png
Sau chiến lược giá rẻ, Thế Giới Di Động đang chuyển hướng sang chiến lược "mở bán đặc biệt"

Theo đó, "ông lớn" bán lẻ này liên tục ký kết hợp tác và "mở bán đặc biệt" với hàng loạt mẫu smartphone mới ra mắt trên thị trường như realme C53, vivo Y36, Xiaomi Redmi 12.

Trong các sự kiện ra mắt, ký kết giữa Thế Giới Di Động và các hãng sử dụng câu “ký kết hợp tác chiến lược và mở bán đặc biệt” thay vì “độc quyền”. Tuy nhiên, quảng cáo về các sản phẩm này trên website của Thế Giới Di Động đều gán mác "độc quyền" và hiện có khoảng 40-50% số lượng sản phẩm mới của các hãng đang chỉ bán tại Thế Giới Di Động, các sản phẩm này được hưởng mức chiết khấu riêng và không phải cạnh tranh giá với các đối thủ.

Thực tế, với lợi thế chiếm hơn 60% thị phần thị trường bán lẻ điện thoại, máy tính, MWG có vị thế để đàm phán giá nhập tốt từ nhà cung cấp, từ đó gia tăng được lợi nhuận so với nhiều đối thủ, đồng thời cùng giành giật được thêm thị phần.

Ngược lại, "chiêu" mới từ Thế Giới Di Động lại đang gây sức ép lớn đến hàng loạt nhà bán lẻ khác vì không thể bán các smartphone giá rẻ và tầm trung mới. Tuy nhiên, "cú bồi" này khả năng sẽ không gây ra ảnh hưởng lớn như cuộc chiến hạ giá trước đó.

CellphoneS phải bán hàng dưới giá vốn, đóng 3 cửa hàng

Là một trong những chuỗi bán lẻ bị "cuốn" vào cuộc chiến giá rẻ, trao đổi với chúng tôi, đại diện truyền thông CellphoneS, ông Nguyễn Lạc Huy cho biết, doanh thu sau nửa đầu năm 2023 của chuỗi bán lẻ này dự kiến chỉ duy trì được mức tăng trưởng 8% so với 2022, đây là mức thấp nhất trong nhiều năm của CellphoneS. Đồng thời, các chỉ tiêu về lợi nhuận bị giảm sút do cạnh tranh giá, nhiều nhóm ngành hàng bán dưới giá vốn.

Thêm vào đó, trong 6 tháng đầu năm CellphoneS đã phải đóng 3 cửa hàng ở các vùng có nhiều công nhân bị mất việc như Bình Dương, Đồng Nai và chỉ mở mới 3 cửa hàng nên số lượng cửa hàng đang dừng lại ở 115.

Ông Huy cho rằng, cuộc chiến giá hiện nay khởi nguồn từ việc chuỗi bán lẻ lớn có thị phần lớn tung ra giá bán thấp, thậm chí thấp hơn giá vốn để khiến các nhà bán lẻ nhỏ hơn và các cửa hàng nhỏ lẻ không thể bán hàng được nữa, dẫn tới tê liệt kênh bán hàng của các hãng và nhà phân phối, sau đó dùng tiền mặt để ép nhập hàng số lượng lớn với giá thấp từ các đơn vị này.

"Với áp lực về các chỉ tiêu doanh số, tồn kho,... các hãng, nhà phân phối không còn cách nào khác là phải chấp nhận bán giá rẻ cho chuỗi có thị phần lớn và khi đó cuộc chiến giá rẻ tiếp tục diễn ra mỗi lúc một khốc liệt hơn khi chính các hãng, nhà phân phối bơm thêm nguồn lực để chuỗi lớn này triệt hạ các kênh bán hàng nhỏ hơn", ông Huy phân tích.

Tuy nhiên, đại diện CellphoneS cho biết, động thái độc quyền một số sản phẩm điện thoại Android đi kèm theo là cam kết đạt doanh số lớn của Thế Giới Di Động gần đây chủ yếu tập trung ở phân khúc tầm thấp tầm 5 triệu. Đây vốn chưa phải là phân khúc chính của khách hàng CellphoneS nên chuỗi này chưa bị ảnh hưởng nhiều.

Thêm vào đó, hầu hết các hãng và các nhà phân phối cũng đều hiểu hơn ai hết cái giá phải trả bởi việc "cấp đạn" cho chuỗi lớn này khi các kênh bán hàng nhỏ hơn sẽ bị ảnh hưởng.

Với quy mô nhỏ hơn nhưng thu hút được nhóm khách hàng trẻ, am hiểu công nghệ vốn là những người dẫn dắt, định hướng thị trường, ông Huy cho biết CellphoneS sẽ tiếp tục tập trung vào nhóm khách hàng này. Đồng thời, tiếp tục đầu tư về hệ thống cửa hàng cũng như truyền thông online tạo ra nhiều sự khác biệt so với thị trường và đặc biệt luôn cân bằng lợi ích của các bên, hợp tác chặt chẽ với các hãng, nhà phân phối, nhất là trong tình cảnh thị trường lao dốc.

"Với hệ thống quản trị giá bán đồng bộ tức thì từ online tới cửa hàng, CellphoneS luôn sẵn sàng cho việc chiến giá, tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu vẫn là tìm ra những mặt hàng phù hợp và luôn cải tiến trải nghiệm mua hàng, chất lượng dịch vụ để giữ chân khách hàng", đại diện CellphoneS khẳng định.

(Còn tiếp...)

Đinh Thơm