Nhìn ra thế giới

Ngân hàng Trung ương Anh bất ngờ mạnh tay tăng lãi suất lên 5%

Minh Ngọc 23/06/2023 14:27

Ngày 22/6, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) quyết định tăng lãi suất lên 5%, cao hơn dự kiến 0,25 điểm. Đây là mức lãi suất cao nhất trong 15 năm qua, làm dấy lên lo ngại rằng Anh sắp bước vào thời kỳ suy thoái kinh tế.

Lãi suất tăng bất ngờ trong nỗ lực kiểm soát lạm phát

Các  ý kiến cho rằng nền kinh tế Anh sắp bước vào thời kỳ suy thoái đã tăng lên mạnh mẽ sau khi BoE thông báo tăng lãi suất cao hơn dự kiến. Đợt tăng lãi suất lần này nhằm nỗ lực kiểm soát lạm phát cao dai dẳng, tuy nhiên có thể sẽ ảnh hưởng nặng nề đến người đi vay, đặc biệt là các chủ sở hữu nhà phải tái cấp tài chính trong những tháng tới.

Ngày 22/6, BoE cho biết, Ủy ban Chính sách tiền tệ gồm 9 thành viên đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm nửa điểm phần trăm, lên mức cao nhất trong 15 năm là 5%. Tất cả trừ hai thành viên của hội đồng đều ủng hộ việc tăng nửa điểm. 

Quy mô của lần tăng lãi suất thứ 13 liên tiếp của BoE  khiến hầu hết các nhà kinh tế bất ngờ vì cao hơn mức dự đoán trước đó (tăng 0,25 điểm). Một số thậm chí cho rằng đây là "một động thái hoảng loạn", vì trước đó đã có hy vọng rằng BoE sẽ tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất vào tháng trước.

Thị trường tài chính đang định giá lãi suất cao nhất có thể là 6%, mức chưa từng đạt được kể từ đầu năm 2000, sau khi Thống đốc Andrew Bailey cảnh báo về việc tăng thêm nếu lạm phát không có dấu hiệu chậm lại rõ ràng.

“Chúng tôi cam kết đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% và sẽ đưa ra các quyết định cần thiết để đạt được mục tiêu đó”, ông Andrew nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, BoE đã bị "hoảng sợ" bởi lạm phát không giảm nhanh như dự đoán, từ mức cao nhất của tháng 10/2022 là 11,1%. Số liệu trước đó cho thấy lạm phát của Anh bất ngờ vẫn giữ ổn định ở mức 8,7%.

Lạm phát đã được chứng minh là nghiêm trọng hơn ở Anh so với các nền kinh tế lớn khác, nhiều người đổ lỗi cho việc ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất cho vay chậm và việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), điều này đã làm tăng thêm chi phí nhập khẩu.

Với tiền lương tăng nhanh, ngày càng rõ ràng rằng lạm phát cao đã ăn sâu vào nền kinh tế.

boe1.jpg
Lạm phát lõi tăng cao ở  Anh

Thống đốc Andrew nói: “Chúng tôi biết điều này thật khó khăn — nhiều người vay thế chấp hoặc có khoản vay sẽ lo lắng về điều này. Nhưng nếu không tăng lãi suất ngay bây giờ, tình hình có thể tồi tệ hơn sau này”.

Trên khắp châu Âu, các ngân hàng trung ương khác cũng quyết định tăng lãi suất vào cùng ngày, bao gồm Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ với mức tăng 1/4 điểm, Na Uy với mức tăng nửa điểm và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gần gấp đôi lãi suất chuẩn.

Trước đó, các ngân hàng trên khắp thế giới, từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đã nhanh chóng tăng lãi suất trong vài năm qua để giảm lạm phát, trước hết là do dự phòng chuỗi cung ứng gắn liền với sự phục hồi sau đại dịch và sau đó là cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, khiến chi phí năng lượng và thực phẩm tăng vọt.

Vào tuần trước, FED đã quyết định giữ nguyên lãi suất nhưng có khả năng tăng lãi suất nhiều hơn trong năm nay.

Áp lực lên người đi vay

Lãi suất cao hơn giúp giảm lạm phát nhưng làm chi phí đi vay đắt hơn cho các cá nhân và doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc họ phải chi tiêu ít đi, từ đó làm giảm nhu cầu và áp lực lên giá cả.

Việc tăng lãi suất của Anh sẽ gây thêm áp lực lên những người đi vay, đặc biệt là khoảng 1,4 triệu hộ gia đình sẽ phải tái cấp tài chính cho các khoản vay thế chấp trong thời gian còn lại của năm. Chiếu theo lãi suất cơ bản của ngân hàng trung ương, người dân vay thế chấp lãi suất linh hoạt sẽ phải đối mặt với các khoản lãi vay  phải trả tăng lên khá lớn thời gian tới và người thuê nhà cũng vậy.

boe2.jpg
Mức tăng lãi suất của BoE

Max Mosley, chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia, cảnh báo: “Việc tăng lãi suất lên 5% sẽ đẩy hàng triệu hộ gia đình có các khoản vay thế chấp đến bờ vực mất khả năng thanh toán.

Việc tăng lãi suất sẽ để lại hệ quả và dấy lên những lo ngại về triển vọng của nền kinh tế Anh, vốn cho đến nay vẫn chưa bị rơi vào suy thoái ngay cả khi nền kinh tế châu Âu suy giảm nhẹ trong 6 tháng, tính đến tháng 3/2023.

Luke Bartholomew, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Công ty Quản lý Tài sản Abrdn, cho biết: “Ngày càng khó để thấy Anh tránh suy thoái như thế nào trong quá trình kiểm soát lạm phát. Mức tăng lãi suất lớn này có lẽ sẽ là cột mốc quan trọng đối với cuộc suy thoái đó”.

Trong thời kỳ suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp chắc chắn sẽ tăng lên và tình trạng thu hồi nhà sẽ trở nên phổ biến hơn. 

Paul Nowak, Tổng Thư ký của Hiệp hội  các Nghiệp đoàn Anh cho biết: “Đẩy lãi suất cao đến mức khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái sẽ chỉ làm cho cuộc khủng hoảng hiện nay trở nên tồi tệ hơn, khiến mọi người mất việc làm và mất nhà cửa”.

BoE cho biết, việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến nhiều mức lãi suất khác ở Anh, bao gồm mức lãi suất vay, vay thế chấp hoặc tài khoản tiết kiệm. Tuy nhiên, đây là việc làm cần thiết bởi lạm phát đang ở mức quá cao, hiện gần 9% trong khi mục tiêu là 2%.

BoE cũng cảnh báo về việc gia tăng các khoản vay thế chấp hoặc các khoản vay khác, nhưng mặt khác, có thể nhận được tiền lãi cao hơn đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm. 

"Nhiều người vay hoặc vay thế chấp sẽ lo lắng về những thay đổi này. Nhưng nếu không tăng lãi suất ngay bây giờ, lạm phát cao có thể dai dẳng hơn và gây ảnh hưởng tới tất cả mọi người, đặc biệt là những người ít có khả năng chi trả nhất" - BoE nhấn mạnh. "Tăng lãi suất là cách tốt nhất có để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%". 

BoE cũng kỳ vọng lạm phát sẽ giảm đáng kể trong năm nay.

Minh Ngọc