Chính thức nâng thời hạn thị thực lên 90 ngày từ ngày 15/8
Với 470 trên tổng số 475 đại biểu đồng ý (95,14%), Quốc hội đồng ý kéo dài thời hạn thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần và nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Sáng ngày 24/6, với 470 trên tổng số 475 đại biểu có mặt đồng ý (95,14%), Quốc hội thông qua dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Luật có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.
Theo đó, Quốc hội đồng ý kéo dài thời hạn thị thực (visa) điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần.
Quốc hội cũng đồng ý nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Nâng thời hạn thị thực điện tử lên 90 ngày, tăng miễn thị thực lên 45 ngày
Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đối với luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho hay, có ý kiến đề nghị rà soát quy định về thời hạn thị thực điện tử để đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế và nguyên tắc có đi, có lại với các nước nhằm thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế - xã hội.
“Luật đã nâng thời hạn thị thực điện tử lên đến 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư, nhất là các trường hợp có nhu cầu đi đến nhiều nước trong khu vực và quay lại Việt Nam để đánh giá, so sánh về khả năng mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam”, ông Lê Tấn Tới nêu rõ.
Với việc nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực, một số ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ của quy định 45 ngày; đề nghị tăng lên 60 hoặc 90 ngày để thuận lợi nhất cho nước ta và người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, các nước như Thái Lan, Singapore... đang áp dụng chính sách miễn thị thực với thời hạn tạm trú đến 45 ngày, 90 ngày.
“Việc nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày là đạt mức trung bình trong khu vực, qua đó nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút du khách, giúp họ chủ động thời gian, lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo do Chính phủ trình là nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực 45 ngày”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết.
Ngoài ra, trong quá trình thảo luận, một số ý kiến ý kiến khác đề nghị bổ sung "thông tin khác do Chính phủ quyết định" để đảm bảo linh hoạt trong áp dụng pháp luật. Tiếp thu ý kiến kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung thêm "thông tin khác do Chính phủ quy định" vào luật để bảo đảm linh hoạt trong thực tiễn khi có tình huống phát sinh.
Chính sách visa cởi mở song hành với sự tăng trưởng của khách quốc tế
Theo bà Trần Thị Phương Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, chính sách visa cởi mở luôn song hành với sự tăng trưởng của khách du lịch quốc tế.
Cụ thể, theo nghiên cứu về tác động của chính sách visa với tăng trưởng khách của Tổ chức Du lịch Thế giới phối hợp với Hội Lữ hành Toàn cầu, nếu thực hiện miễn thị thực thì tốc độ tăng trưởng khách đạt 16%, nếu thực hiện chính sách visa điện tử thì con số này tăng lên là 8% và nếu chỉ có chính sách miễn phí visa thì tăng trưởng khách chỉ tăng 4%.
Vì vậy, các chính sách thị thực được điều chỉnh, bổ sung là những quyết sách hợp lý và kịp thời, vừa đáp ứng nhu cầu của ngành du lịch, vừa đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp du lịch cũng như khách du lịch quốc tế.
Về nhiệm vụ thời gian tới, ngành du lịch nói chung và Tổng cục Du lịch nói riêng sẽ phải có trách nhiệm truyền thông các chính sách đó đến với tất cả các doanh nghiệp đưa khách đi và đón khách đến với Việt Nam, kể cả thị trường gửi khách và thị trường đón khách để họ hiểu biết và nắm sâu hơn về các chính sách đã đưa ra.
“Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch, nhất là Hiệp hội Du lịch để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh về du lịch đưa khách đến Việt Nam, đảm bảo yếu tố cần và đủ để khách đến khám phá Việt Nam dễ dàng, thuận tiện”, bà Nhung khẳng định.
Còn theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), việc quy định thời gian miễn thị thực 15 ngày đã làm mất đi đối tượng khách này vì họ có nhu cầu nghỉ dài ngày hơn (từ 3-4 tuần).
“Về nguyên tắc chúng ta có thể làm thủ tục visa để họ ở lại thêm, song những người đi du lịch không muốn làm thủ tục nhiều lần. Vì vậy, với chính sách mới chắc chắn sẽ thu hút lượng khách vốn muốn ở Việt Nam dài ngày và là những đối tượng có khả năng chi trả cao”, ông Bình nhìn nhận.
Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng, chính sách visa là chỉ là điều kiện cần để phát triển du lịch. Theo đó, khi chính sách visa cởi mở hơn thì bản thân ngành du lịch phải quan tâm để giải quyết các vấn liên quan.
“Làm sao ngoài việc thuận tiện về visa thì khách du lịch quốc tế còn cảm thấy Việt Nam là điểm đến rất đáng để khám phá để sử dụng hết thời gian visa đưa ra. Câu hỏi này ngành du lịch phải giải quyết”, ông Bình nêu rõ.
Chính vì vậy, trong tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Nghị quyết đề ra nhiều nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới theo phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện"... Trong số này có nhóm giải pháp về phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch.