Quốc hội yêu cầu thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ
Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa được thông qua, Quốc hội yêu cầu Chính phủ thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, nhất là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.
Chiều ngày 24/6, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 5. Theo đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương xử lý các bất cập trong tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới, bán chéo bảo hiểm nhân thọ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn.
Bên cạnh đó, Quốc hội yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.
"Thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật...", Nghị quyết nêu rõ.
Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội sáng 31/5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đã đề cập đến một số bất cập liên quan đến bảo hiểm nhân thọ và các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.
Chẳng hạn, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường dày cả trăm trang với điều khoản, mà sự thua thiệt chủ yếu nằm ở phía người mua nếu gặp phải tư vấn viên không có tâm.
"Ngay chuyên gia tài chính, pháp luật cũng gặp khó khăn khi tiếp cận hợp đồng bảo hiểm. Nhiều chuyên gia cho biết chỉ hiểu 70% nội dung hợp đồng. Có đọc kỹ tới mấy cũng không hiểu nổi độ linh hoạt của nội dung hợp đồng bảo hiểm", bà Thủy cho biết.
Ngoài ra, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường dưới dạng liên kết đầu tư, tức một phần tiền của khách hàng được các hãng dùng để đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu nên càng phức tạp.
Còn đội ngũ tư vấn viên bảo hiểm - khâu mấu chốt dẫn tới những tranh chấp, kiện cáo vừa qua - không ít người tư vấn mập mờ, sai lệch sản phẩm để nhanh chóng "chốt đơn", ký hợp đồng và hưởng hoa hồng.
Vì vậy, bà Thủy kiến nghị Bộ Tài chính thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung sản phẩm liên kết đầu tư.
Đồng thời kiến nghị Bộ Công an xem xét các đơn khiếu nại và xác minh làm rõ có hay không tội lừa đảo, lừa dối khách hàng.
"Kiến nghị các công ty bảo hiểm rà soát lại các khâu của quá trình bảo hiểm về thiết kế hợp đồng, tư vấn bảo hiểm và ký kết hợp đồng và giải quyết khiếu nại của khách hàng. Chỉ khi thực sự minh bạch và thành tâm, người dân mới không quay lưng với bảo hiểm nhân thọ", đại biểu nêu rõ.
Nhìn nhận về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chú trọng doanh thu, lơ là chất lượng khiến ngành này tăng trưởng nhanh về lượng, chưa tương xứng về chất.
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trên thực tế chỉ chú trọng đào tạo đại lý theo hướng làm sao bán được sản phẩm.
"Có nghĩa, họ đào tạo thiên lệch về kỹ năng bán hàng hơn kiến thức kinh tế nền, chuyên môn bảo hiểm, cũng như đạo đức nghề nghiệp", Bộ trưởng đánh giá.
Trong khi một số doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn tới doanh thu, lợi nhuận đại lý thu về mà lơ là kiểm soát, giám sát hoạt động, chất lượng tư vấn, chăm sóc khách hàng của đại lý.
Điều này dẫn tới việc một số đại lý bảo hiểm không đảm bảo tiêu chuẩn, chưa tư vấn đầy đủ, khách quan, nhất là các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Mặt khác, không ít khách hàng chưa quan tâm tìm hiểu kỹ, còn có tâm lý cả tin, cả nể khi ký hợp đồng bảo hiểm.
Bộ trưởng cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến những bức xúc dư luận phản ánh thời gian qua, làm giảm vai trò, bản chất thực và tính nhân văn của bảo hiểm.
Bộ trưởng cho biết nhiều quy định mới về đại lý bảo hiểm, bao gồm cả phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (Bancassurance) đã được cụ thể hóa theo hướng chặt chẽ, đầy đủ hơn trong các dự thảo văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi.
"Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và kỳ vọng được ban hành sớm để tăng cường chất lượng theo hướng bảo vệ quyền lợi khách hàng.", Bộ trưởng tin tưởng.