Lãi vay lĩnh vực ưu tiên giảm thấp nhất lịch sử
Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên phát triển của nền kinh tế (bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp - nông thôn - nông dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) sau lần hạ lãi suất điều hành thứ tư của Ngân hàng Nhà nước hiện nay chỉ còn 4%/năm.
Đây là mức thấp nhất trong lịch sử, kể từ khi Thông tư 39/2016/TT-NHNN ban hành quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đánh giá, NHNN hạ các mức lãi suất điều hành như lãi suất cho vay qua đêm, lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu; đồng thời điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở để duy trì thanh khoản trên thị trường, từ đó bình ổn mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng, hỗ trợ TCTD giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.
Hiện hầu hết các NHTM đã hạ lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng về mức 4,1% đến 4,75%/năm; và lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên về mức 4%/năm, tác động trực tiếp đến mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng theo xu hướng tiếp tục giảm.
Theo ông Lệnh, nhìn ở góc độ quản lý, đây là sự điều chỉnh mạnh, nhằm mục đích trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát và những tín hiệu khả quan từ thị trường tài chính quốc tế. Các nhóm ngành lĩnh vực này là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Với mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng thấp, sẽ hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp về mặt chi phí sử dụng vốn, từ đó lan tỏa đến sản xuất kinh doanh, kích thích tăng trưởng nhanh. Do vậy việc điều chỉnh giảm mạnh lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên, là hành động cụ thể hóa các giải pháp của NHNN Việt Nam để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo số liệu thống kê của NHNN, dư nợ cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên kể trên ở TP. Hồ Chí Minh tính đến nay đạt khoảng hơn 200.000 tỷ đồng, doanh số cho vay hàng năm khoảng 500.000-600.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo các NHTM cho biết, những khách hàng có thể vay vốn với lãi suất 4%/năm cần hội đủ các điều kiện theo quy định của Chính phủ, như: Vay vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật Thương mại; hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật Công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật Công nghệ cao...
Theo một lãnh đạo Agribank, lãi suất trần đối với cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên trong những năm qua như một mức lãi suất tham chiếu trên thị trường để các tổ chức tín dụng tham khảo ra quyết định cho vay. Với mức lãi suất cho vay 4% đối với lĩnh vực ưu tiên như hiện nay, các ngân hàng phải tăng vòng quay vốn lên khoảng 3-4 lần một năm mới có hiệu quả.
Một chuyên gia tài chính tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cơ chế cho vay lãi suất ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên là chính sách, nhưng các tổ chức tín dụng lại sử dụng vốn huy động (thương mại) để cho vay nên việc sử dụng vốn vay và nguồn vốn cho vay theo chính sách này phụ thuộc vào khả năng tài chính, chi phí vốn và quá trình khai thác và sử dụng vốn của mỗi tổ chức tín dụng. Do đó, các doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn rẻ phải đáp ứng được điều kiện và nguyên tắc tín dụng nhất định.