Chứng khoán phái sinh trở thành kênh trú ẩn của nhà đầu tư tiền ảo
Chứng khoán phái sinh đang trở thành kênh đầu tư thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư tiền ảo do ngưỡng an toàn cao hơn và cơ hội đầu tư ngay cả khi thị trường giảm điểm.
Những diễn biến khiến nhà đầu tư tiền ảo thận trọng
Nửa đầu năm 2023, ngành công nghiệp tiền số gặp nhiều sóng gió. Trong quý I/2023, sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới Binance đã phải đối mặt với các cuộc điều tra về việc rửa tiền và vi phạm các quy tắc giao dịch từ Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai CFTC của Mỹ.
Mới đây nhất, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) vừa cáo buộc Binance xử lý sai lệch tiền của khách hàng, bí mật chuyển tiền của khách hàng tới công ty do CEO Changpeng Zhao kiểm soát. Động thái này đặt ra nhiều thách thức cho Binance và tác động tiêu cực đến thế giới tiền số. Cuối năm 2022, sàn giao dịch FTX đã nộp đơn phá sản, nhà sáng lập Sam Bankman-Fried sẽ ra hầu toà vào tháng 10/2023 này sau một loạt cáo buộc.
Bức tranh ảm đạm của sàn giao dịch tiền số cộng với tình hình kém khả quan của kinh tế vĩ mô trong 2023 khiến nhà đầu tư tiền ảo đang chuyển hướng sang những cơ hội đầu tư mới, chú trọng đến việc quản trị rủi ro, lựa chọn hình thức đầu tư có ngưỡng an toàn cao hơn.
Đáp ứng sự chuyển dịch này, chứng khoán phái sinh trở thành kênh hấp dẫn nhà đầu tư tiền ảo bởi các lý do: Cơ hội đầu tư sinh lời trong cả 2 chiều tăng/giảm của thị trường, giao dịch trong ngày T0, tỷ lệ đòn bẩy vượt trội.
Chứng khoán phái sinh - nơi trú ẩn và lựa chọn đầu tư an toàn
Theo số liệu thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thị trường chứng khoán phái sinh quý I/2023 có khối lượng giao dịch bình quân đạt 306.288 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt 32.269 tỷ đồng/phiên. Dù giảm so với quý IV/2022 nhưng nhìn chung thị trường vẫn có những giao dịch sôi động. Đặc biệt, thị trường phái sinh ghi nhận kỷ lục mới 71.190 hợp đồng mở (OI) vào tháng 3/023. Trong quý I/2023, chứng khoán phái sinh đã trở thành kênh thu hút dòng tiền của nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư tiền ảo.
Đầu tư tiền ảo và chứng khoán phái sinh đều có lợi thế đòn bẩy cao, mang lại lợi nhuận đột phá, mức độ rủi ro cao hơn so với các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, chứng khoán phái sinh thể hiện ưu thế về ngưỡng an toàn, quản trị rủi ro và trở thành nơi trú ẩn cho nhiều nhà đầu tư tiền ảo trong bức tranh đầu tư hiện tại.
Về sản phẩm, số lượng đồng tiền số ở Crypto nhiều hơn khiến nhà đầu tư khó chọn lọc được các đồng tiền tiềm năng. Trong khi đó, giao dịch phái sinh tại Việt Nam là thực hiện các vị thế hợp đồng tương lai VN30. Giá hợp đồng tương lai sẽ phụ thuộc vào chỉ số VN30 - chỉ số đại diện cho nhóm 30 mã cổ phiếu có vốn hóa và mức thanh khoản cao nhất niêm yết trên sàn HoSE. Đặc điểm này của chứng khoán phái sinh giúp nhà đầu tư nắm bắt thông tin đầu tư dễ dàng hơn so với đầu tư tiền ảo.
Ở khía cạnh thời gian giao dịch, thị trường Crypto là thị trường không bao giờ ngủ, giao dịch 24/7 trên toàn thế giới. Thời gian giao dịch của chứng khoán phái sinh tại Việt Nam được quy định mở cửa trước 15 phút so với giao dịch chứng khoán cơ sở và đóng cửa cùng thời điểm; hoạt động 5 ngày trên tuần (Thứ 2 -Thứ 6).
Việc có nhiều thời gian giao dịch không đồng nghĩa với việc nhà đầu tư có nhiều cơ hội và hiệu quả hơn. Khi thị trường biến động mạnh trong năm 2022 và quý I/2023, việc giao dịch không ngủ của Crypto khiến áp lực tâm lý nhà đầu tư phải đối mặt là rất lớn. Với việc hoạt động theo khung giờ, chứng khoán phái sinh có thể giúp nhà đầu tư giảm căng thẳng, tận dụng thời gian thị trường không giao dịch để đứng ngoài quan sát, tạo quãng nghỉ nhìn lại hành trình đầu tư từ đó có những quyết định sáng suốt tiếp theo.
Ở góc độ an toàn pháp lý, giao dịch chứng khoán phái sinh được pháp luật bảo hộ, mọi giao dịch đều được Sở Giao dịch Chứng khoán xử lý. Tại Việt Nam, tiền ảo vẫn nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật.
Cuối cùng, tỷ lệ đòn bẩy tạo nên sự khác biệt về ngưỡng an toàn của chứng khoán phái sinh ưu thế hơn đầu tư tiền ảo. Thị trường Crypto có đòn bẩy dao động từ 5x - 100x. Trong khi đó, thị trường phái sinh Việt Nam an toàn hơn khi tỷ lệ đòn bẩy là 5 lần. Cụ thể, tỷ lệ cọc mở hợp đồng phái sinh ở các công ty chứng khoán hiện nay đang dao động trong khoảng từ 18 - 22%, một số công ty chứng khoán áp dụng tỷ lệ cọc ở mức cạnh tranh nhất thị trường như DNSE, ở mức 18,48%. Với tỷ lệ đòn bẩy 5 lần, ví dụ, nếu nhà đầu tư tham gia chứng khoán phái sinh với số vốn ban đầu là 20 triệu đồng, thì khi giảm 1%, nhà đầu tư sẽ lỗ 5% (lỗ 1 triệu đồng), giá trị ký quỹ giảm xuống còn 19 triệu.
Nhưng ở thị trường Crypto, với số vốn 1.000 USD, tỷ lệ đòn bẩy 20, giá BTC giảm 1%, vị thế đầu tư sẽ giảm xuống còn 2.000 đô la. Vì vốn ban đầu của nhà đầu chỉ là 1.000 đô-la, nên giảm 1% sẽ dẫn đến thanh lý (số dư đầu tư ban đầu về 0), nhà đầu tư sẽ bị “cháy” tài khoản. Trong đầu tư, còn tiền thì nhà đầu tư luôn có cơ hội, bởi vậy tỉ lệ đòn bẩy của chứng khoán phái sinh đảm bảo ngưỡng an toàn cho nhà đầu tư cao hơn nhiều so với đầu tư tiền ảo.
Xu hướng chuyển dịch của nhà đầu tư tiền ảo sang chứng khoán phái sinh phản ánh sự vận động của thị trường, đồng thời cho thấy chứng khoán phái sinh đang trở thành kênh đầu tư đáng cân nhắc cho nhiều nhà đầu tư.