Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững

Hóa giải thách thức nguồn lực, hướng tới mục tiêu Net-zero

Quỳnh Lê 01/07/2023 07:04

Chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết Net-zero là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn lực.

Đến nay, có khoảng 140 quốc gia, tương đương gần 90% tổng lượng phát thải trên toàn cầu, gồm các nước phát thải lớn như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu Net-zero - phát thải ròng khí nhà kính bằng 0. Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn vào năm 2050, một số ít ngoại lệ vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2070.

Tháng 11/2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26, Việt Nam đã đưa ra một loạt cam kết, trong đó có đặt mục tiêu phát thải carbon ròng bằng không 0 vào năm 2050.

Phát biểu tại Hội thảo “Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết Net-zero là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn lực.

qx7a9604(1).jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội thảo

Ước tính của Ngân hàng Thế giới năm 2022 cho thấy, Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng “0”. Trong đó, hành trình khử các-bon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực.

Tuy nhiên, khu vực công sẽ chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu, trong khi thị trường tài chính xanh hiện mới ở giai đoạn đầu phát triển, nguồn lực huy động qua thị trường tài chính xanh ở mức rất nhỏ bé so với nhu cầu đặt ra.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đang tập trung thực hiện cải cách hệ thống thuế, quản lý nợ công và cơ cấu lại ngân sách nhà nước nhằm động viên nguồn lực một cách hợp lý cho ngân sách nhà nước; cải thiện dư địa tài khóa; tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.

“Đồng thời, để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh việc phát huy nội lực, Việt Nam cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Khu vực công sẽ chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu, trong khi thị trường tài chính xanh hiện mới ở giai đoạn đầu phát triển, nguồn lực huy động qua thị trường tài chính xanh ở mức rất nhỏ bé so với nhu cầu đặt ra.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Theo đó, bên cạnh ưu tiên nguồn lực công, Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu các giải pháp để huy động nguồn lực tư nhân và các tổ chức quốc tế. Trong đó, phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường các-bon là những ưu tiên cần thực hiện với các trọng tâm như phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; khuyến khích các địa phương và doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh; thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đầu tư vào các công cụ tài chính xanh.

“Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phân loại xanh theo nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, làm căn cứ để các chủ thể phát hành lựa chọn dự án xanh để sử dụng vốn từ trái phiếu xanh”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

Đối với thị trường các-bon trong nước, lộ trình phát triển và triển khai đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, sẽ tập trung xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon vào năm 2028.

Với vai trò là cơ quan được giao chủ trì xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ các-bon và ban hành cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường các-bon, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển thị trường các-bon để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

qx7a9713.jpg
Các diễn giả tham gia thảo luận

Trao đổi tại Hội thảo, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, cùng với nguồn lực của nhà nước, FDI, nguồn vốn của doanh nghiệp và người dân thì nguồn tín dụng từ ngân hàng là rất quan trọng cho phát triển kinh tế cũng như tăng trưởng xanh.

Theo bà Hà Thu Giang, năm 2017 khi bắt đầu thống kê các nguồn lực tín dụng đầu tư cho các dự án xanh thì chỉ nhận được báo cáo của 15 tổ chức tín dụng với quy mô khiêm tốn. Còn hiện tại, đã có 40 tổ chức tín dụng báo cáo có tài trợ cho các dự án xanh với quy mô trên 500.000 tỷ đồng, chiếm trên 4% tổng dư nợ của nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thẩm định các dự án xanh do mang nhiều yếu tố kỹ thuật, môi trường chuyên ngành.

“Hiện, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng ban hành một danh mục cũng như tiêu chí xanh. Điều này sẽ có ích rất nhiều giúp cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư cho các dự án xanh. Với ngành Ngân hàng, đây sẽ là nguồn tài liệu, bộ tiêu chí cho các ngân hàng thương mại thẩm định, đối chiếu xem xét quyết định cấp tín dụng”, bà Hà Thu Giang thông tin.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc theo đuổi chính sách năng lượng xanh, ông Keiju Mitsuhashi, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lưu ý, cần có: Sự cam kết mạnh mẽ từ trên xuống dưới, tất cả các cấp, các ngành; Chính sách dài hạn, dễ dự báo, nhất quán, và có thể thực hiện được; Chính sách phải bao trùm thông qua tham vấn các bên liên quan; thúc đẩy cạnh tranh, đổi mới về tài chính và công nghệ mới.

qx7a9685.jpg
Ông Keiju Mitsuhashi, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trao đổi tại hội thảo

Ông Keiju Mitsuhashi cũng gợi ý các cơ chế tài chính cần tập trung khai thác như: Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP); Các nguồn tài chính cả công và tư; Sử dụng nguồn vốn công để xúc tác cho nhiều nguồn tư nhân hơn (tài trợ hỗn hợp, các sản phẩm bảo lãnh); Giao dịch các-bon và trái phiếu xanh.

Về phía các doanh nghiệp, xác định được chính xác được nguồn lực đầu tư cho các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, đầu tư cho công nghệ mới để giảm tiêu hao năng lượng hơn là yếu tố hết siwcs quan trọng.

“Với những doanh nghiệp tiên phong trong việc kiểm kê, có lộ trình giảm phát thải rõ ràng cần được các bộ, ngành và Chính phủ có những chính sách hỗ trợ ưu đãi về lãi vay ngân hàng, hay ưu tiên về thuế, để họ có nguồn lực vững chắc chuyển đổi xanh”, ông Nguyễn Duy Ký, Phó Giám đốc CTCP Công nghệ cao Traphaco nói.

Quỳnh Lê