IMF: Tổng dự trữ ngoại hối quốc tế đạt gần 12.040 tỷ USD, tính đến cuối quý I/2023
Tính đến cuối quý I/2023, tổng dự trữ ngoại hối quốc tế đạt gần 12.040 tỷ USD, tăng nhẹ so với cuối quý trước đó.
Ngày 30/6/2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố báo cáo cập nhật về tình hình dự trữ ngoại hối quốc tế tính đến cuối quý I/2023.
Đây là dữ liệu tổng hợp từ 149 báo cáo của các quốc gia thành viên và phi thành viên IMF cùng những thực thể khác có nắm giữ ngoại hối quốc tế. Dự trữ ngoại hối bao gồm ngoại tệ, vàng, tiền gửi ngoại tệ, trái phiếu kho bạc và chứng khoán khác của chính phủ,…
Tính đến cuối quý I/2023, tổng dự trữ ngoại hối quốc tế đạt gần 12.040 tỷ USD, tăng nhẹ so với cuối quý trước đó. Tương tự, dự trữ đã phân bổ đạt trên 11.150 tỷ USD.
Trong số dự trữ ngoại hối đã phân bổ, USD tiếp tục chiếm vị thế áp đảo với giá trị gần 6.581 tỷ USD, tăng trở lại từ tỷ trọng 58,36% trong quý trước đó lên 59,02%; trong đó, sức mạnh vượt trội của nền kinh tế Mỹ là nền tảng để duy trì vị thế của đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế.
Trái lại, tỷ trọng EUR, nhân dân tệ (CNY), yên Nhật (JPY), bảng Anh (GBP) đều giảm. Dự trữ EUR đạt gần 2.205 tỷ USD, giảm tỷ trọng từ 20,47% trong quý trước xuống 19,77%. Dự trữ JPY đạt gần 610 tỷ USD, giảm tỷ trọng từ 5,51% trong quý trước đó xuống 5,47%. Dự trữ GBP đạt trên 541 tỷ USD, giảm tỷ trọng từ 4,95% xuống 4,85%. Đáng chú ý, tỷ trọng CNY giảm từ 2,69% xuống 2,58%, bất chấp những nỗ lực của các quan chức Trung Quốc về đẩy mạnh vị thế CNY trên thị trường quốc tế.
Hiện tại, nhiều quốc gia đang tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc vào USD theo hướng tăng cường sử dụng CNY, dẫn đầu là CHLB Nga, A rập Xê út, Argentina, Brazil, Bangladesh, Pakistan, Iraq, Thái Lan. Trung Quốc cũng tích cực vận động các nước mới nổi hàng đầu (BRICS) thiết lập một đồng tiền giao dịch chung trong nội khối.
Cho tới nay, các nỗ lực "phi USD hóa" vẫn bắt nguồn từ yếu tố địa chính trị hơn là cạnh tranh tài chính - kinh tế vĩ mô. Việc cân nhắc sử dụng đồng tiền liên quan đến các vấn đề về địa chính trị được cho là phù hợp với một số nước đang phát triển. Tuy nhiên, những quốc gia nắm giữ dự trữ lớn trên thế giới không có nhiều khả năng sẽ chuyển đổi đồng tiền dự trữ từ USD sang một loại tiền tệ khác, ngoại trừ Trung Quốc và Nga.
Theo dữ liệu được Wikipedia thống kê, top 5 quốc gia nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc tế lớn nhất bao gồm: Trung Quốc với 3.400,78 tỷ USD (dữ liệu tháng 4/2023), tăng 21,8 tỷ USD so với dữ liệu trước đó; Nhật Bản với 1.254,5 tỷ USD (dữ liệu ngày 31/5/2023), giảm 10,9 tỷ USD so với dữ liệu trước đó; Thụy Sỹ với 912,2 tỷ USD (dữ liệu tháng 3/2023), giảm 4,2 tỷ USD so với dữ liệu trước đó; Ấn Độ với 593,2 tỷ USD (dữ liệu ngày 23/6/2023), giảm 2,9 tỷ USD so với dữ liệu trước đó; Nga với 586,9 tỷ USD (dữ liệu ngày 31/5/2023), giảm 0,6 tỷ USD so với dữ liệu trước đó).
Tại bảng thống kê này, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt trên 92 tỷ USD (dữ liệu tháng 8/2022), giảm 6,5 tỷ USD so với dữ liệu trước đó, xếp thứ 28 trong bảng thống kê.