Bức tranh thị trường smartwatch Việt: Phân chia “chiến tuyến”
Hai tên tuổi Huawei, Samsung rất muốn “nhảy” vào phân khúc cao cấp nhưng vẫn đang ở mức độ thăm dò.
Bức tranh thị phần
Các thương hiệu đồng hồ đeo tay thông minh cạnh tranh ở Việt Nam được chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 gồm 3 hãng đua nhau doanh số là: Huawei, Xiaomi và Samsung (chiếm thị phần từ 15-18%, theo số liệu của IDG - Tập đoàn dữ liệu quốc tế vào cuối năm 2022).
Trong khi đó, nhóm 2 là hai thương hiệu Apple, Garmin tập trung vào khách hàng cao cấp, doanh số đứng thứ 4 và 5. Người dùng muốn một sản phẩm công nghệ, các nhu cầu về sức khỏe cơ bản sẽ chọn Apple, còn khách tập trung vào smartwatch chuyên sâu về thể thao sẽ mua Garmin. Nhóm 3 là các hãng đồng hồ thông minh còn lại tỏ ra khá yếu ớt, có thị phần nhỏ.
Trong nửa đầu năm 2023, bản đồ thị phần smartwatch ở Việt Nam được định hình tương tự cuối năm ngoái. Dù rằng, hai tên tuổi Huawei, Samsung rất muốn “nhảy” vào phân khúc cao cấp nhưng vẫn đang ở mức độ thăm dò. Đặc biệt, thương hiệu Trung Quốc ra mắt 1-2 model đánh vào nhóm khách hàng chịu chi nhất nhưng chưa có nhiều tín hiệu khả quan. Ở chiều ngược lại, Garmin cũng bắt đầu trình làng một số sản phẩm giá rẻ để tăng độ phủ thị phần nhưng còn mờ nhạt.
Đồng hồ đeo tay thông minh (smartwatch) là thiết bị có chức năng, kiểu dáng, cách sử dụng cơ bản gần giống như đồng hồ truyền thống nhưng được bổ sung thêm nhiều tính năng thông minh giống như của smartphone, gồm: Lên mạng, xem thông báo hoặc đo các chỉ số sức khoẻ.
So với đồng hồ thông thường, smartwatch còn có màn hình màu, khe cắm SIM, thẻ nhớ hoặc thậm chí tích hợp cả camera. Bên cạnh đó, đồng hồ thông minh thường phải được kết nối ghép đôi với smartphone để có thể tối ưu hóa toàn bộ tính năng cho người dùng.
Sau nhiều năm phát triển theo xu hướng hệ sinh thái thông minh, các hãng di động lớn như: Apple, Samsung, Xiaomi, Huawei đều giới thiệu và phát triển hàng loạt đồng hồ thông minh riêng.
Tại thị trường Việt Nam, smartwatch Apple, Samsung xuất hiện và có chỗ đứng sớm. Sau đó, đồng hồ thông minh được phổ cập với người dùng Việt nhờ những sản phẩm giá tốt, chất lượng ổn từ Xiaomi, Huawei. Nhờ chiến lược này, 2 nhà sản xuất Trung Quốc nhanh chóng lấy được thị phần lớn.
Người dùng giờ đây có nhiều sự lựa chọn, mức giá của loại thiết bị này hiện tại cũng khá phong phú, phân chia thành các phân khúc cao cấp hay giá rẻ tương tự như smartphone.
Khách Việt không tiếc tiền mua smartwatch thể thao
Tiêu chí để khách hàng Việt chọn mua smartwatch cũng khá đa dạng nhưng được chia làm 2 nhóm, tuỳ thuộc nhu cầu. Nhóm 1 là người dùng cần kiểu dáng bắt mắt, màn hình đẹp, tính năng thời thượng. Khách hàng nhóm này đa số sẽ chọn Apple Watch ở phân khúc cao và các thương hiệu còn lại ở phân khúc thấp hơn.
Trong khi nhóm 2 là khách chơi thể thao ưu tiên về đo các chỉ số chuyên sâu, thời lượng pin. Với những người tập luyện thể thao nghiêm túc hoặc vận động viên, lựa chọn hàng đầu là sản phẩm cao cấp của Garmin hoặc đồng hồ ở phân khúc thấp hơn (tính năng đơn giản hơn) từ Huawei.
Thực tế, phân khúc smartwatch cao cấp cho người chơi thể thao chuyên nghiệp đang được Garmin độc chiếm tại Việt Nam. Mới đây, hãng tự tin trình làng mẫu đồng hồ Approach S70 có giá tới 17 triệu đồng cho bản 42 mm và 18,2 triệu đồng cho bản 47 mm. Tuy nhiên, đây chưa phải là model đắt nhất tại Việt Nam của Garmin khi hãng còn có dòng MARQ 2 tới 65 triệu đồng.
S70 có màn hình Amoled kích thước 1,2 inch (bản 42 mm) hoặc 1,4 inch (bản 47 mm). Đồng hồ có thể hiển thị bản đồ CourseView đầy đủ sơ đồ lỗ golf với dữ liệu từ khoảng 43.000 sân golf trên thế giới. Người dùng có thể tải dữ liệu chi tiết về mỗi sân qua kết nối Wi-Fi độc lập. Tại vị trí người dùng, đồng hồ có thể gợi ý 5 sân golf gần nhất.
Một tính năng cũng chỉ xuất hiện trên Approach S70 là Caddie ảo giúp phân tích cú đánh và đề xuất loại gậy sử dụng dựa trên các yếu tố như dữ liệu lịch sử vung gậy, độ cao, tốc độ, hướng gió. Tính năng khoảng cách PlaysLike giúp phân tích cú đánh xuống dốc, lên dốc, thời tiết, áp suất kế dành cho những golfer chuyên nghiệp.
Thiết bị hỗ trợ chế độ tập luyện sức khỏe khác như cảm biến theo dõi biến thiên nhịp tim HRV, năng lượng cơ thể Body Battery. Chế độ huấn luyện viên gợi ý các bài tập và thực đơn ăn uống để bổ sung các nhóm cơ hỗ trợ cho cú đánh.
Đa số smartwatch hiện nay có chế độ riêng cho chơi golf, nhưng hầu hết chỉ đo thông số cơ bản về nhịp tim, quãng đường di chuyển. Trong khi đó, các bộ môn đặc thù như: Golf, tennis, bóng bàn đòi hỏi cảm biến và thuật toán chuyên sâu ghi lại những chỉ số hay tính năng riêng biệt.
Chất lượng các loại cảm biến (độ chính xác GPS, cảm biến con quay hồi chuyển, nhịp tim…) chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt về chất lượng smartwatch chuyên thể thao. Ngoài ra, thuận toán là thứ đem lại khác biệt cho các smartwatch thể thao chuyên sâu bởi các model rẻ đa phần đều chỉ đo rất chung chung các thông số như bước đi, nhịp tim do không có thuật toán phù hợp.
Nhận định về thị trường smartwatch tại Việt Nam trong năm 2023 và tương lai, giới chuyên môn cho rằng smartwatch sẽ tiếp đà phát triển nhưng khó có doanh số bùng nổ bởi đây chưa hẳn là một món đồ quá cần thiết. Mức độ cạnh tranh giữa các hãng rất cao bởi không hãng nào thực sự chiếm ưu thế hoàn toàn như iPhone trong thế giới điện thoại. Bằng chứng là thị phần các hãng trồi sụt liên tục qua các quý chứ ít khi ổn định.