Nghiêm túc áp dụng biện pháp nhằm hạn chế việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có công văn gửi các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng một số biện pháp nhằm hạn chế việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán (TKTT) cho mục đích gian lận, lừa đảo.
Công văn của NHNN nêu rõ, thời gian qua NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06) và việc tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro trong mở, sử dụng TKTT.
Để tiếp tục góp phần ngăn ngừa, hạn chế việc mở, sử dụng TKTT cho mục đích gian lận, lừa đảo, bất hợp pháp,..., NHNN yêu cầu các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:
Thứ nhất, TCTD rà soát quy trình, quy định nội bộ về mở, sử dụng TKTT và chỉ đạo cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống TCTD thực hiện nghiêm trình tự, thủ tục mở TKTT theo quy định tại Điều 14 và khoản 1 Điều 14a Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 (đã được sửa đổi, bổ sung), không thực hiện việc mở TKTT (tiếp nhận hồ sơ, thu thập thông tin hồ sơ mở TKTT; kiểm tra đối chiếu và xác minh thông tin nhận biết khách hàng; thực hiện giao kết thoả thuận mở và sử dụng TKTT) theo danh sách khách hàng lập sẵn, bảo mật thông tin khách hàng mở tài khoản; đối với các TKTT nghi ngờ nguồn tiền chuyển vào không hợp pháp, TCTD cần yêu cầu khách hàng ra quầy giao dịch để xác minh lại thông tin khách hàng, dừng cung cấp dịch vụ trên Mobile Banking hoặc yêu cầu xác thực giao dịch thanh toán kênh điện tử bằng yếu tố sinh trắc học hoặc sử dụng chữ ký số, dừng giao dịch nếu có đủ căn cứ xác đáng...
Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ triển khai kết nối khai thác dữ liệu dân cư để làm sạch dữ liệu, xác minh chính xác khách hàng theo Kế hoạch số 01/KHPH-BCANHNN ngày 24/4/2023 của NHNN và Bộ Công an về phối hợp triển khai Đề án 06 đảm bảo kiểm tra, đối chiếu khớp đúng thông tin khách hàng mở TKTT với thông tin lưu trữ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm hạn chế việc mở TKTT bằng giấy tờ tùy thân giả mạo, cho thuê TKTT,... Trong đó, lưu ý các nội dung sau:
Đối với trường hợp khách hàng mở TKTT tại chi nhánh, phòng giao dịch: (i) Phổ biến, đào tạo đến toàn bộ cán bộ, giao dịch viên về nhận biết giấy tờ tùy thân thật giả khi tiếp xúc kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách hàng trong quá trình mở TKTT; (ii) Nghiên cứu sử dụng thiết bị/ ứng dụng chuyên dụng đọc thông tin trong chip của CCCD gắn chip để xác thực thông tin, dữ liệu khách hàng mở TKTT tại quầy phục vụ kiểm tra, đối chiếu xác thực khách hàng trong quá trình sử dụng TKTT; (iii) Lưu trữ, bảo quản đầy đủ dữ liệu sinh trắc học của khách hàng để phục vụ kiểm tra đối chiếu xác thực khách hàng trong quá trình sử dụng TKTT.
Đối với trường hợp khách hàng mở TKTT bằng phương thức điện tử: (i) Áp dụng các biện pháp công nghệ để kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của giấy tờ tùy thân của khách hàng; (ii) Nghiên cứu áp dụng các giải pháp, công nghệ thiết bị chuyên dụng kết nối khai thác dữ liệu dân cư, sử dụng CCCD gắn chip để kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của CCCD hoặc nghiên cứu kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư để xác minh thông tin nhận biết khách hàng; (iii) Lưu trữ, bảo quản đầy đủ dữ liệu sinh trắc học của khách hàng để phục vụ kiểm tra đối chiếu xác thực khách hàng trong quá trình sử dụng TKTT.
Thứ ba, chủ động nghiên cứu, xây dựng, áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro trong hoạt động mở, sử dụng TKTT nhằm phát hiện, ngăn ngừa các hành vi gian lận lừa đảo, lợi dụng tài khoản thanh toán cho mục đích bất hợp pháp. Trong đó bao gồm việc xây dựng, áp dụng Bộ tiêu chí nhận diện các TKTT có dấu hiệu nghi ngờ gian lận, lừa đảo (sau đây gọi tắt là Bộ tiêu chí) trên cơ sở tham khảo các dấu hiệu tại Phụ lục số 01 đính kèm Công văn này; thường xuyên cập nhật các dấu hiệu trong Bộ tiêu chí và phổ biến quán triệt trên toàn hệ thống để áp dụng thống nhất Bộ tiêu chí.
Thứ tư, căn cứ vào mức độ rủi ro của các tiêu chí trong Bộ tiêu chí, TCTD áp dụng từ chối thực hiện giao dịch hoặc tạm dừng cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử và thực hiện các biện pháp xác thực, xác minh lại khách hàng (như: (i) áp dụng giải pháp xác minh thông qua yếu tố sinh trắc học trên ứng dụng di động Mobile App; (ii) xác thực (MOC) qua Căn cước công dân gắn chip; (iii) xác thực thông qua tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2; (iv) xác thực trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng API; (v) gặp mặt trực tiếp tại quầy giao dịch;...).
Rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung Thỏa thuận mở, sử dụng tài khoản thanh toán, Thỏa thuận sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử và các quy định nội bộ quản lý rủi ro để triển khai áp dụng các biện pháp trong Bộ tiêu chí,
Thứ năm, định kỳ hàng tháng cung cấp thông tin về các tài khoản thanh toán cỏ dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến giao dịch gian lận, lừa đảo cho NHNN (qua Vụ Thanh toán) theo mẫu Phụ lục số 02 đính kèm Công văn này. NHNN rà soát tổng hợp xây dựng kho dữ liệu chung về tài khoản thanh toán có dấu hiệu nghi ngờ gian lận và sẽ nghiên cứu để có cơ chế chia sẻ thông tin với các TCTD để góp phần ngăn ngừa hoạt động gian lận, lừa đảo qua TKTT,
Thứ sáu, chủ động nghiên cứu, xây dựng, triển khai các biện pháp đảm bảo việc sử dụng TKTT được thực hiện bởi chính chủ TKTT hoặc người được ủy quyền hợp pháp nhằm hạn chế cho thuê, mượn TKTT như:
(i) Định kỳ áp dụng các biện pháp để kiểm tra, xác minh đảm bảo chủ TKTT là chủ số thuê bao di động đã đăng ký sử dụng dịch vụ SMS Banking, dịch vụ Internet/Mobile Banking (ưu tiên áp dụng trước đối với các tài khoản có dấu hiệu đáng ngờ);
(ii) Thu thập, lưu trữ dữ liệu sinh trắc học của chủ tài khoản để kiểm tra, đối chiếu trong quá trình chủ TKTT thực hiện giao dịch;
(iii) Nghiên cứu, có kế hoạch áp dụng sử dụng chữ ký số hoặc yêu cầu xác thực bằng yếu tố sinh trắc học của chủ TKTT theo hạn mức giao dịch phù hợp trên kênh trực tuyến;
(iv) Triển khai các thuật toán trí tuệ nhân tạo/học máy để kịp thời nhận diện, phát hiện các hành vi bất thường, rủi ro cao trong sử dụng TKTT.
Thứ bảy, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, thông báo, hướng dẫn, cảnh báo tới khách hàng về các hành vi bị cấm, hành vi không được thực hiện trong quá trình mở, sử dụng TKTT bằng nhiều hình thức khác nhau: nhân viên ngân hàng tư vấn trực tiếp, công bố đăng tải trên website, Mobile App, các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ tám, TCTD quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm về hoạt động mở, sử dụng TKTT tại đơn vị mình.